Không phải giám định viên vẫn ký chứng thư giám định
Theo cáo trạng, ông Trần Xuân Duận (phó giám đốc Công ty cổ phần giám định Đại Minh Việt) có hành vi chỉ đạo ký lập khống 1.121 chứng thư giám định, kết luận hàng hóa đủ điều kiện nhập khẩu theo quyết định 18 cho 1.121 tờ khai hải quan nhập khẩu 1.255 container máy móc, thiết bị cũ, tổng trị giá 207 tỉ đồng, từ đó tạo điều kiện, giúp sức cho hành vi buôn lậu của Hoàng Duy Tiến trong thông quan các container hàng này.
Riêng ông Duận đã trực tiếp ký duyệt 510 chứng thư giám định khống, tạo điều kiện cho Hoàng Duy Tiến nhập khẩu thông quan trót lọt 598 container hàng máy móc, thiết bị cũ tổng trị giá 101 tỉ đồng.
Tại tòa, ông Duận cho biết mình không liên hệ với Tiến mà chỉ làm theo chỉ đạo của giám đốc Đinh Văn Hiên và không được chia tiền.
Khi hoàn thành chứng thư, bộ phận kế toán gửi số tài khoản cho Tiến để Tiến gửi tiền vào tài khoản của công ty và tài khoản của ông Hiên.
Bị cáo Dương Mạnh Linh (trưởng phòng Công ty cổ phần giám định Đại Minh Việt) có hành vi chỉ đạo các giám định viên lập khống biên bản giám định hiện trường, thảo chứng thư giám định không đúng với thực tế để kết luận hàng hóa đủ điều kiện nhập khẩu theo quyết định 18, tạo điều kiện, giúp sức cho hành vi buôn lậu của Tiến.
Bị cáo Cao Đăng Minh (nhân viên Công ty giám định Đại Minh Việt) cho biết bị cáo không phải giám định viên, nhưng trên các tài liệu bị cáo này vẫn ký với tư cách giám định viên. Minh khai làm theo chỉ đạo trực tiếp của ông Dương Mạnh Linh (do ông Linh nói ban giám đốc chỉ đạo làm). Nếu không phải do ban giám đốc chỉ đạo thì bị cáo sẽ không làm.
Tương tự, bị cáo Võ Hoài Đức, Đinh Quang Triều, Trần Đình Hùng, Mai Đức Tài… cũng không phải là giám định viên nhưng do được ông Linh chỉ đạo nên đã ký vào các chứng thư thẩm định.
Cựu cán bộ phủ nhận trao đổi để nhập hàng buôn lậu
Trong vụ án này, ngoài bị cáo Hoàng Duy Tiến (cựu cán bộ Đội cảnh sát chống buôn lậu, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an TP.HCM), còn bị cáo Võ Văn Đông cùng là cán bộ Đội cảnh sát chống buôn lậu, cũng bị truy tố về tội buôn lậu.
Theo hồ sơ vụ án, trong quá trình công tác chung, khoảng tháng 2-2021 Đông gặp Tiến nói có người bạn có nhu cầu cần nhập khẩu các container hàng máy móc cũ từ nước ngoài vào Việt Nam, gợi ý hỏi Tiến để thỏa thuận nhận làm.
Tiến đồng ý nhận nhập khẩu các container hàng từ nước ngoài về Việt Nam cho Đông với chi phí 90 triệu đồng/container hàng (đã bao gồm chi phí vận chuyển). Tiến trực tiếp nhận thông tin bill tàu, list hàng của container hàng máy móc thiết bị cũ từ Đông mà không thông qua nhân viên của Tiến.
Sau đó, Tiến chỉ đạo các nhân viên của Tiến làm hồ sơ và thủ tục nhập khẩu các container hàng đó tại Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực I, tương tự như các chủ hàng khác.
Sau mỗi lần nhập container hàng vào Việt Nam và giao kho thành công, Đông gặp mặt Tiến tại cơ quan hoặc tại quán cà phê và đưa tiền mặt chi phí nhập hàng cho Tiến với số tiền 90 triệu đồng/container hàng theo như thỏa thuận.
Từ khoảng tháng 2-2021 đến ngày 24-5-2021, Tiến đã làm thủ tục, hồ sơ nhập khẩu và vận chuyển trót lọt về kho cho Đông tổng cộng sáu container hàng máy móc thiết bị cũ trị giá 924 triệu đồng.
Tại tòa, bị cáo Võ Văn Đông (cựu cán bộ Đội cảnh sát chống buôn lậu, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an TP.HCM) kêu oan, cho rằng không trao đổi gì về việc nhập hàng của Tiến và không cung cấp cho Tiến số điện thoại của chủ hàng.
Ngày 25-5, TAND TP.HCM xét xử 26 bị cáo trong vụ buôn lậu hàng ngàn container hàng điện tử cũ từ nước ngoài vào Việt Nam, trong đó có 2 cựu cán bộ đội cảnh sát chống buôn lậu.