Trung Quốc lần đầu tiên công bố số liệu về tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên (độ tuổi 16-24) vào năm 2018. Từ mức 11,2% tháng 1/2018, tỷ lệ thất nghiệp giới trẻ trong tháng 4/2023 đã đạt mức kỷ lục 20,4%. Có nghĩa là cứ 5 người trẻ lại có 1 người không có việc.
Số liệu thống kê tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên Trung Quốc giai đoạn 2018-2023. Đồ họa: VTV Digital
Nếu so với tỷ lệ thất nghiệp thanh niên tại Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản (độ tuổi 15-24) lần lượt là 6,5%; 6,5%; 4,7% thì con số tại Trung Quốc đang cao gấp 3 - 4 lần.
Xu hướng thất nghiệp của giới trẻ dự báo sẽ chưa giảm, thậm chí tỷ lệ này có thể tăng lên mức 25% theo Citigroup, trong bối cảnh thị trường lao động Trung Quốc chuẩn bị đón con số kỷ lục 11,6 triệu sinh viên ra trường trong năm nay.
Trên thực tế, câu chuyện tỷ lệ thất nghiệp cao của giới trẻ Trung Quốc không phải vấn đề mới. Thông thường, tỷ lệ này cao vọt từ đầu năm cho đến tháng 7 khi hàng loạt học sinh, sinh viên tốt nghiệp ra trường tìm việc làm.
Tuy nhiên các chuyên gia cũng chỉ ra nhiều nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ thất nghiệp giới trẻ cao kỷ lục hiện nay.
Thứ nhất, đại dịch COVID-19 kéo dài suốt giai đoạn 2020-2022 khiến nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới giảm tốc. Ngành dịch vụ bị ảnh hưởng nặng nề nhất, trong khi đây lại là nhóm ngành có nhiều người trẻ theo học, đặc biệt là tại các trường nghề.
Thứ hai, việc chính phủ Trung Quốc mạnh tay chấn chỉnh nhiều lĩnh vực như công nghệ, dạy thêm, tài chính, bất động sản, giải trí, trò chơi điện tử… thời gian qua cũng khiến doanh nghiệp hay công ty khởi nghiệp buộc phải sa thải lao động.
Các lời mời làm việc cũng hạn chế hơn khi Trung Quốc mới mở cửa trở lại, kinh tế còn nhiều khó khăn.
Terry Yin, nhân viên thiết kế game tại một công ty nhỏ có trụ sở tại Bắc Kinh, cho biết năm nay, nhóm của anh nhận 20 hồ sơ xin việc vào một vị trí dành cho sinh viên mới tốt nghiệp có kiến thức toán học.
Xu Beibei, nhân viên tại một công ty trò chơi trực tuyến khác có trụ sở tại Bắc Kinh, cho biết công ty anh cũng nhận hơn 200 hồ sơ của sinh viên mới tốt nghiệp cho 4 vị trí tuyển dụng trong năm nay.
Tân cử nhân Trung Quốc phải "giành giật" từng vị trí làm việc trong bối cảnh kinh tế nước này chưa ổn định và tỷ lệ thất nghiệp tăng cao. Ảnh: Xinhua.
Thứ ba, lượng sinh viên tốt nghiệp đại học, cao đẳng đã tăng 10 lần trong 20 năm qua dẫn đến tình trạng "thừa thầy thiếu thợ". Bằng chứng rõ ràng nhất là nhiều nhà máy vẫn thiếu lao động và không tuyển được người, trong khi nhiều vùng nông thôn cũng thiếu nhân lực nhưng chẳng bạn trẻ nào chịu về quê "làm ruộng".
Khảo sát cho thấy, 80% số doanh nghiệp sản xuất tại nước này báo cáo rằng lực lượng lao động của họ đang thiếu từ 10-30% so với nhu cầu. Bộ Giáo dục Trung Quốc cũng dự báo nền kinh tế sẽ thiếu hụt 30 triệu công nhân sản xuất vào năm 2025.
Các chuyên gia cho rằng, giáo dục đã và đang vượt xa nhu cầu của nền kinh tế Trung Quốc vốn chủ yếu vẫn dựa vào sản xuất. Thay vì bằng cấp cao, điều cần thiết hơn đối với người lao động là đào tạo kỹ thuật và dạy nghề cho các công việc như vận hành thiết bị phức tạp hoặc vận hành hệ thống tự động.
Một cuộc khảo sát tiến hành năm 2022 của công ty nghiên cứu ICWise (Trung Quốc) cho thấy, hơn 60% sinh viên theo học ngành kỹ thuật chip tốt nghiệp tại đại lục không hề có kinh nghiệm thực tập trong lĩnh vực này.
Trong khi đó, lĩnh vực bán dẫn dự kiến sẽ thiếu 200.000 nhân sự trong năm nay. Trong lĩnh vực Trí tuệ nhân tạo (AI), số lượng cơ hội việc làm không tuyển dụng được người phù hợp còn lớn hơn, với khoảng 5 triệu vị trí.
Tấm bằng đại học không còn là bảo chứng giúp thanh niên Trung Quốc dễ tìm một công việc trí óc. Ảnh: FT.
Tình trạng thiếu việc làm nghiêm trọng hơn đối với những sinh viên tốt nghiệp có bằng cấp cao, những người thường kỳ vọng nhiều nhất từ thị trường việc làm. Họ cho biết gia đình đã dành tới một phần ba thu nhập cho giáo dục.
Alan Rong, 26 tuổi, đã từng làm việc cho 1 doanh nghiệp phát triển bất động sản tại tỉnh Sơn Đông. Nhưng anh đã bị sa thải từ tháng 2 vừa qua. Mặc dù có bằng cử nhân về quản lý kỹ thuật, Alan Rong cho biết anh vẫn chưa thể tìm được công việc mới trong một thị trường lao động khắc nghiệt hiện nay.
Alan Rong tốt nghiệp cử nhân quản lý kỹ thuật, nhưng không tìm được việc. Ảnh: ABC News.
"Bố mẹ tôi thỉnh thoảng nói những người không học đại học đang làm việc tại các công trường xây dựng còn có thể kiếm được 10.000 Nhân dân tệ (hơn 2.000 USD) mỗi tháng, vậy mà tôi không tìm nổi một công việc tốt", anh chia sẻ. Alan Rong thấy lo lắng, nghĩ bản thân "không có tương lai" và việc học đại học đã bị "lãng phí".
Theo trang web tuyển dụng Zhaopin.com, trong năm 2022, mức lương trung bình hàng tháng dành cho sinh viên tốt nghiệp cử nhân tại Trung Quốc là 6.295 nhân dân tệ (907 USD), thấp hơn 6% so với một năm trước đó. Tờ Thời báo Hoàn cầu đánh giá, tình trạng dư thừa bằng cấp đã khiến mức lương khởi điểm trung bình của sinh viên tốt nghiệp đại học thấp hơn mức lương của người lao động thông thường, chẳng hạn như nhân viên giao hàng.
Mới đây, dư luận Trung Quốc đã cảm thấy sốc và lo ngại, khi biết rằng, một phần ba số nhân viên mới tại một nhà máy thuốc lá, có bằng thạc sĩ từ một số trường đại học hàng đầu của Trung Quốc.
Truyền thông nhà nước Trung Quốc kêu gọi các cử nhân thất nghiệp nên tạm dừng tham vọng nghề nghiệp của họ và hãy bắt tay vào các công việc đòi hỏi những kỹ năng thấp hơn.
Trong những tuần gần đây, phương tiện truyền thông cả trung ương lẫn địa phương Trung Quốc đã công bố hàng loạt tấm gương các cử nhân đại học kiếm được nhiều tiền nhờ những công việc đòi hỏi kỹ năng thấp như bán thức ăn đường phố hoặc trồng trái cây.
Đoàn Thanh niên nước này hồi tháng 3/2023 cũng đã chỉ trích những sinh viên trẻ mới tốt nghiệp là cố chấp khi theo đuổi khát vọng nghề nghiệp: thà thất nghiệp chứ không chịu làm công việc "xoáy đinh vít trong các nhà máy". Tổ chức này khuyến khích thế hệ hiện tại "cởi áo vest, xắn tay áo và đi làm ruộng".
Nhanh chóng, những nội dung này nhận được những phản hồi khác nhau trên mạng xã hội. Những người trẻ thất nghiệp cho rằng chính quyền cần nỗ lực hơn nữa tạo việc làm cho hàng ngũ thanh niên có học thức ngày càng tăng.
Tỷ lệ thất nghiệp cao của giới trẻ đang là cơn đau đầu không hề dễ chịu, bởi nó sẽ có các tác động xã hội và chính trị không thể xem thường. Nhất là khi người trẻ Trung Quốc dần mỏi mệt với công thức làm việc "996" (từ 9h sáng đến 9h tối, 6 ngày một tuần) và mỏi mệt với vòng xoay đi làm chỉ để trả tiền mua nhà.
Thách thức về nhân khẩu học cũng được đề cập. Lứa sinh viên tốt nghiệp ngày nay sẽ chịu trách nhiệm chăm sóc cho cha mẹ già của họ. Những phụ huynh này có số lượng đông hơn hẳn thanh niên Trung Quốc, sau nhiều năm áp dụng chính sách kế hoạch hóa gia đình và xu hướng ngại sinh con tại quốc gia này thời gian qua.
Xem thêm: nhc.665516001625032881-ion-nen-uad-iv-cul-yk-peihgn-taht-couq-gnurt-ert-ioig/nv.fefac