Ngày 26-5, Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV, thuộc Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ) công bố kết quả khảo sát về khó khăn hiện tại và triển vọng kinh doanh của doanh nghiệp từ nay đến cuối năm 2023. Khảo sát do Ban IV phối hợp với VnExpress thực hiện trực tuyến trong tháng 4 với hơn 9.500 doanh nghiệp tham gia.
Theo đó, đánh giá về tình hình kinh tế hiện tại, bao gồm kinh tế vĩ mô và kinh tế ngành so với năm 2022, đa số doanh nghiệp tham gia khảo sát đều thể hiện ý kiến đánh giá kém khả qua so với cùng kỳ, nhất là doanh nghiệp các ngành xây dựng, doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp quy mô nhỏ... Triển vọng kinh doanh trong năm nay vẫn chưa khả quan và nhiều ý kiến trả lời sẽ giảm quy mô, tạm ngừng hoạt động hoặc giải thể.
Một doanh nghiệp giới thiệu sản phẩm tới khách hàng
Trong bối cảnh này, các doanh nghiệp đề xuất một loạt giải pháp hỗ trợ để vượt qua khó khăn liên quan đến giảm chi phí và nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp; tiếp cận vốn vay; tiếp cận thị trường và cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh. Cụ thể, đề xuất Chính phủ xem xét kéo dài đến hết năm 2024 một số chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đã phát huy hiệu quả thiết thực trong giai đoạn COVID-19 như giảm thuế GTGT, tăng đầu tư công, hỗ trợ vốn các doanh nghiệp sản xuất. Các chính sách cần có tầm nhìn dài hạn như đề xuất giảm thuế GTGT về 8% chỉ trong năm nay là quá ngắn và gây khó khăn trong thực hiện, nên giảm luôn tới năm 2025.
Bên cạnh đó, chi phí lao động cần được giãn, hoãn, giảm... như: chi phí liên quan đến BHXH, chi phí lãi vay và thuế TNCN cho người lao động vì mức thu hiện nay lạc hậu so với nền kinh tế.
Các doanh nghiệp cũng kiến nghị cần hoàn thuế GTGT sớm, tránh kéo dài như hiện nay để có thể bổ sung nguồn vốn cho các hoạt động kinh doanh. Hiện tại, nhiều doanh nghiệp đang phải đi vay trong khi tiền hoàn thuế tồn đọng nhiều, thậm chí 3 năm chưa được giải quyết hoàn. Một số cơ chế đặc biệt cần được tính tới như "cho phép doanh nghiệp được hoàn thuế trong vòng 3 tháng sau khi hoàn thành xuất khẩu đơn hàng"; kết hợp các biện pháp thanh tra, hậu kiểm để kiểm soát rủi ro, chống gian lận thuế nhằm tạo điều kiện cho số đông doanh nghiệp tuân thủ tốt.
Đề xuất tính tới các giải pháp đặc biệt trong giai đoạn nhất định nhằm giải nguy cho doanh nghiệp và nền kinh tế. Như cho phép ngân hàng thương mại trong nước tham gia mua lại các trái phiếu sắp tới hạn và xử lý như một dạng tín dụng đặc biệt ngoài tín dụng thông thường, vì lượng trái phiếu sắp tới hạn có giá trị vượt rất nhiều lần khả năng mua lại của một số tổng công ty nhà nước, trong khi phần lớn các doanh nghiệp tư nhân trong nước không có khả năng mua lại lượng trái phiếu này.
"Đề xuất Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước làm việc với các ngân hàng thương mại để nghiên cứu, thiết kế các gói tín dụng ưu đãi cho ngành, lĩnh vực sản xuất chủ lực trong nước, trong đó có những khoản mục dành cho "DN nhỏ và vừa".
Với chính sách siết tín dụng đối với bất động sản, cần thiết phải phân tách các loại bất động sản như xây dựng nhà ở xã hội, bệnh viện, trường học, các dự án xây dựng hạ tầng sản xuất... để không bị ảnh hưởng tiêu cực theo chính sách chung, từ đó tạo cơ hội cho nhiều nhóm doanh nghiệp liên quan" – kiến nghị của doanh nghiệp từ kết quả khảo sát nêu rõ.
Xem thêm: mth.25713032162503202-peihgn-hnaod-uuc-ed-teib-cad-pahp-iaig/et-hnik/nv.moc.dln