Theo nguồn tin cho biết, Đảng Cộng hoà và Nhà Trắng đã thu hẹp sự khác biệt trong các cuộc đàm phán trong những ngày gần đây, mặc dù các chi tiết được nhất trí chỉ là dự kiến và một thỏa thuận cuối cùng vẫn chưa có và hai bên vẫn chưa thống nhất được mức trần.
“Chúng tôi biết sự khác biệt của chúng tôi nằm ở đâu”, Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy cho biết.
“Chúng tôi vẫn chưa có thỏa thuận. Chúng tôi biết điều này sẽ không dễ dàng. Thật khó, nhưng chúng tôi đang làm việc. Và chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc cho đến khi hoàn thành việc này”, ông cho biết thêm.
Nếu một thỏa thuận sớm đạt được, ngày 30/5 sẽ là ngày có khả năng diễn ra một cuộc bỏ phiếu tại Hạ viện. Sau đó, Thượng viện sẽ phải hành động nhanh chóng để gửi nó tới bàn của Tổng thống Biden trước ngày 1/6, ngày mà Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen đã nói rằng có thể cạn kiệt tiền mặt và không thể hoàn thành các nghĩa vụ thanh toán.
Hôm thứ Tư (24/5), Fitch Ratings đã đưa xếp hạng tín nhiệm AAA của Mỹ vào trạng thái có thể bị hạ xếp hạng. Trước đó, S&P Global Ratings đã hạ xếp hạng tín nhiệm AAA của Mỹ do vấn đề mâu thuẫn về trần nợ năm 2011.
Nhà Trắng và Bộ Tài chính cho biết động thái của Fitch Ratings cho thấy sự cấp bách của việc đạt được một giải pháp nhanh chóng cho tranh chấp. Nhưng McCarthy nói rằng ông không lo lắng về thông báo của Fitch Ratings và cho biết, các nhà đàm phán không cần cơ quan xếp hạng nhắc nhở về tầm quan trọng của việc ký kết một thỏa thuận.
Các nhà đàm phán đã xung đột về quy mô và thời hạn của các giới hạn chi tiêu được đưa vào một dự luật tăng hoặc đình chỉ trần nợ. Các nhà kinh tế đã cảnh báo rằng ngay cả với một thỏa thuận giúp tránh được tình trạng vỡ nợ nghiêm trọng, việc giới hạn chi tiêu của chính phủ có thể khiến Mỹ rơi vào suy thoái.