Theo ông Lê Việt Dũng - phó cục trưởng Cục Quản lý dược, hiện Bộ Y tế đã và đang khẩn trương triển khai hình thành các trung tâm dự trữ thuốc hiếm, thuốc hạn chế nguồn cung. Dự kiến có 3-6 trung tâm trên cả nước.
Số lượng danh mục các thuốc dự trữ khoảng 15-20 loại. Thuốc giải độc botulinum là một trong những loại thuốc nằm trong danh mục các thuốc này.
Ngoài ra, Cục Quản lý dược cũng đang họp với Tổ chức Y tế thế giới (WHO) nghiên cứu về cơ chế tồn trữ của tổ chức này. Ngoài học hỏi kinh nghiệm còn tạo sự liên thông giữa việc tồn trữ thuốc hiếm, thuốc ít nguồn cung ở Việt Nam cũng như các nước xung quanh khu vực và các kho của WHO.
"Hiện nay, căn cứ pháp lý về thuốc hiếm cơ bản đã đầy đủ. Cục Quản lý dược đã có những văn bản đề nghị các cơ sở khám chữa bệnh trên cả nước cần chủ động trong công tác xây dựng nhu cầu, dự báo tình hình dịch bệnh.
Các bệnh viện dự trù số lượng cần thiết và mua sắm thuốc đảm bảo đáp ứng đủ nhu cầu điều trị, đặc biệt với các thuốc hiếm", ông Dũng nói rõ.
Về các trường hợp ngộ độc botulinum xảy ra gần đây tại TP.HCM, ông Dũng cho biết sau khi nhận được thông tin hết thuốc giải độc botulinum trên cả nước, Bộ Y tế đã hướng dẫn các bệnh viện đặt hàng, nhập khẩu thuốc.
"Tuy nhiên, thời gian chuyển thuốc về Việt Nam kể từ khi đặt hàng đối với nhà sản xuất nước ngoài tối thiểu là 14 ngày. Do đó để đẩy nhanh tiến độ nhận thuốc, Bộ Y tế đã liên hệ với WHO để đề nghị hỗ trợ tìm kiếm từ các kho dự trữ thuốc.
WHO thông báo còn sáu lọ thuốc tại kho toàn cầu ở Thụy Sĩ và đã cử chuyên gia chuyển thuốc về Việt Nam. Ngày 24-5, thuốc đã được chuyển về Việt Nam và Bộ Y tế đã chuyển cho các cơ sở y tế để điều trị cho bệnh nhân", ông Dũng thông tin.
Sau 14 ngày điều trị, tình hình sức khỏe của hai anh em ruột ngộ độc botulinum liệt cơ, diễn tiến bệnh xấu hơn, tăng dần.