Theo ông Dũng, việc xây dựng các cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội nhằm tạo cơ sở pháp lý để phát huy tiềm năng, lợi thế, tạo đột phá, giải quyết các điểm nghẽn về phát triển kinh tế - xã hội của TP.HCM. Đồng thời góp phần xây dựng và phát triển TP.HCM như mục tiêu đã đặt ra tại các nghị quyết của Bộ Chính trị và Quốc hội.
Về việc xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù, ông Dũng cho biết không phải chỉ riêng cho TP.HCM mà còn tạo điều kiện cho TP.HCM phát huy vai trò là đầu tàu, dẫn dắt phát triển kinh tế của cả nước.
Xét về tính mới và kế thừa, Chính phủ cho biết dự thảo nghị quyết gồm bốn nhóm cơ chế, chính sách. Cụ thể gồm nhóm 1 về các cơ chế chính sách được kế thừa từ nghị quyết số 54 (gồm bảy cơ chế, chính sách). Nhóm 2 về các cơ chế, chính sách được quy định tại các nghị quyết đặc thù của các địa phương khác (gồm bốn cơ chế, chính sách).
Nhóm 3 về các cơ chế, chính sách được quy định tại các dự thảo luật đang trình Quốc hội cho ý kiến (gồm 66 cơ chế, chính sách). Nhóm 4 về các cơ chế, chính sách mới, đột phá, có tác động lan tỏa (gồm 27 cơ chế, chính sách).
Thẩm tra nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh nêu rõ việc tán thành sự cần thiết ban hành nghị quyết mới.
Ông Mạnh cho biết việc có chính sách vượt trội tạo bước đột phá theo đúng tinh thần nghị quyết 31 của Bộ Chính trị là cần thiết, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng không chỉ đối với TP.HCM mà cả vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả đất nước.
Theo ông Mạnh, qua tổng kết nghị quyết số 54 năm 2014 cho thấy nhiều kết quả tích cực được mang lại thông qua thực hiện những chính sách đặc thù. Tuy nhiên, các chính sách hiện hành cơ bản chỉ tương tự như các địa phương có cơ chế đặc thù. Phạm vi, quy mô, tính chất của các chính sách còn chừng mực, chưa tạo sức nặng đột phá.
Trong khi đó, TP.HCM là đô thị đặc biệt quan trọng, với vị thế đầu tàu, trung tâm kinh tế, thương mại, tài chính lớn nhất cả nước, có số người lao động lớn nhất toàn quốc, điều tiết số thu về ngân sách trung ương cao nhất, hiện đang đóng góp khoảng 27%.
* Đại biểu Quốc hội PHAN ĐỨC HIẾU (ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế): Cần tập trung một số vấn đề quan trọng
Việc có cơ chế, chính sách đặc thù cho TP.HCM không chỉ là mong mỏi của cử tri, nhân dân TP.HCM mà còn là của cử tri và người dân cả nước.
Vì vậy, việc ban hành dự thảo nghị quyết mới thay thế nghị quyết 54 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM là hoàn toàn cần thiết.
Tuy nhiên, muốn làm được những cơ chế, chính sách mới trong dự thảo nghị quyết thì nguồn lực và cơ chế phải tập trung để giải quyết một số vấn đề cấp bách, quan trọng để thúc đẩy phát triển TP.HCM.
Các giải pháp phải hướng đến những địa chỉ rõ ràng. Trong đó, nếu tập trung cho khu vực TP Thủ Đức thì cần xác định rõ tập trung quận nào, công trình nào, thời gian bao lâu và dự kiến quy mô nguồn lực là bao nhiêu, cần cụ thể, rõ ràng, tránh các chính sách chung chung.
Cạnh đó, nên mở rộng khai thác không gian mới với Thủ Đức và các vùng lân cận hơn là việc chỉnh trang không gian cũ, trên nền cũ gây tốn kém chi phí.
* PGS.TS PHẠM TIẾN ĐẠT (hiệu trưởng Trường ĐH Tài chính - Marketing TP.HCM): Phát huy tiềm năng, gỡ điểm nghẽn
Trong bối cảnh nhiều nghị quyết tiếp tục được ban hành cho phát triển vùng kinh tế, để thực hiện các mục tiêu đề ra, TP.HCM cần tiếp tục xây dựng các cơ chế chính sách đặc thù nhằm tạo cơ sở pháp lý hữu hiệu để giải quyết các điểm nghẽn nút thắt.
Với tác động kinh tế, cơ chế chính sách vượt trội này cần giúp TP.HCM chủ động trong việc điều hành ngân sách địa phương tạo nguồn thu và chi ngân sách phù hợp.
Về tác động xã hội, cơ chế sẽ giúp TP.HCM giải quyết được các vấn đề của đầu tư công trong giao thông, môi trường, văn hóa để nâng cao chất lượng đời sống của nhân dân TP.HCM và khu vực phía Nam.
CẨM NƯƠNG - THÀNH CHUNG ghi
Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội tán thành sự cần thiết ban hành nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM.