Thấy trảng ong đẹp là... bỏ chuyến đi rừng
"Nói chung là phải mần siêng, mê con ong, mê cái tổ ong thì mới đeo nghề này được. Chớ biết bao người đu theo, gác mấy mùa rồi cũng bỏ vì ong chẳng về được bao nhiêu rồi nản".
Ông Trần Văn Nhì (Út Nhì, xã Nguyễn Phích, huyện U Minh, Cà Mau) nói rồi quay vào trong nhà lấy mớ nhái khô, quay ra nói rổn rảng: "Kể chuyện xưa ông bà nhiều rồi, giờ sang nhà thằng cháu tui lai rai chơi tui nói tiếp".
Mặt trời đã đưa bóng nhà dài ra trước con rạch, cũng là lúc ông Út Nhì phải... lai rai theo thói quen. Cách sống của người dân vùng này vẫn cứ thoải mái như thời còn thò tay xuống nước là có con cá con tôm. Nên cứ chiều chiều không nhà đứa cháu này thì nhà ông anh khác, ông Út Nhì vẫn "mạnh nhậu" đều đặn.
"Làm như bị ong chích nhiều quá nên tui hổng đau khớp nhức mỏi gì hết trơn. Chục lon bia, mấy xị đế vẫn thường", ông già 64 tuổi cười khì khì bước phăng phăng trên chiếc cầu dừa bắc qua con rạch đi vô nhà người cháu đã chuẩn bị sẵn chiếu nhậu.
Ngồi ấm chỗ, ông Út Nhì lại chỉ ra vạt rừng phía sau nhà đứa cháu, nơi có những liếp tràm lô nhô mọc trên sậy um tùm: "Trảng là cái khoảng trống để gác kèo. Người thợ biết ăn ong, khi lội rừng mà gặp một trảng êm là sướng dữ thần, bỏ hết mục đích ban đầu để kiếm kèo mà gác. Trảng êm, gác đúng trong mùa bông tràm thì có khi vừa gác xong đã thấy ong dò đường bay về".
Út Nhì nói thêm tùy theo kiểu rừng mà người ta gọi là trảng tràm con, trảng sậy, trảng năn, trảng dây choại... Trong đó, trảng tràm con và trảng sậy là dễ gác kèo để ong về nhất.
"Cái trảng đẹp là một trảng mà có ánh nắng tia, kiểu như rừng um tùm mà có một lỗ trống để nắng rọi xuống. Phải mần sao mà nắng cả sáng và chiều đều có thể rọi vào trảng. Đảm bảo tấm kèo phải khô và thông thoáng. Chứ không có nắng thì con ong không chịu về", ông Út Nhì chia sẻ bí quyết.
Sau này, khi người ta tự dọn trảng để gác kèo ong, quan trọng nhất vẫn là phải chọn được hướng mặt trời, luồng sáng đẹp như ông Út Nhì nói. Chuyện xác định hướng mặt trời thôi cũng không phải dễ ở một cái xứ xưa kia rừng rậm rạp lội vô hổng thấy được mặt trời.
"Hoặc nhiều bữa mưa rả rích hay sương mù hoài, biết đâu mà gác. Lúc đó mới phát huy được cái kinh nghiệm của người ăn ong giỏi. Như tui đây, thả ra chợ trên Cà Mau là tui lạc, mà thả vô rừng U Minh Hạ này giữa đêm tui cũng biết mặt trời mọc hướng nào", ông Út Nhì nói trong sự gật gù của những người đương ngồi cùng.
Những người này cũng đều là dân gác kèo ong lâu năm, nhưng về kinh nghiệm thì vẫn chịu bụng là thua xa lắc ông Út Nhì.
Trải bao nhiêu năm, dân gác kèo vẫn thường đúc kết tối ưu nhất cho trảng gác kèo ong đẹp là "một phần nắng hai phần mát vào mùa hạn, và hai phần nắng một phần mát vào mùa mưa".
- Tham khảo thêm
Tẩn mẩn chuyện cây kèo
Một bộ kèo gồm có thân kèo, cây nống để chống đầu kèo và cây nạng để gác đuôi kèo. Thân kèo được giới gác kèo ông chọn từ nhiều loại khác nhau như cây tràm, cây cau, cây đủng đỉnh, cây bình bát... hoặc tất tần tật những loại cây có vỏ mỏng, nhẹ, mau khô.
"Cây cau hay cây đủng đỉnh khi xẻ ra làm thân kèo có cái lợi thế là nó như có máng, khi gặp phải trời mưa thì nước chảy nhanh giúp dạ kèo vẫn ráo nước. Chứ để dạ kèo sũng nước thì con ong nó không chịu" - ông Út Nhì nói khi đi ra lấy mấy đoạn thân kèo, cây chống, nạng kèo đã chuẩn bị sẵn cho chúng tôi xem.
Đây đều là những bộ kèo được ông chuẩn bị sẵn từ ba năm trước, lúc có một đơn vị mời ông ra Khánh Hòa trình diễn nghề gác kèo ong cho thợ rừng ở vùng này biết được cách thức gác kèo, nhưng rồi vì dịch COVID-19 bùng lên nên chuyến đi bị hoãn.
Thân kèo dài chừng hơn 2m đến 2,5m. Nếu là cây tràm thì phải suôn, thẳng, đường kính chừng bằng bắp tay người lớn và lột vỏ, phơi khô, bào láng và tạo một rãnh sâu khoảng 2cm cách đầu kèo chừng gang tay hoặc móc miệng kèo theo hình tam giác hay đục lỗ nhỏ.
Sau khi đã có trảng đẹp và chọn hướng thì đóng cây nống xuống cho chắc rồi gắn phía đầu kèo vào, sau đó mới gắn tiếp cây nạng để đỡ kèo. Thông thường bộ kèo sau khi đặt xong phải có độ dốc sao cho đầu kèo cao khoảng trên 2m và phần đuôi kèo thấp chừng 1,5m.
Hướng đầu kèo thường quay về phía mặt trời mọc, làm sao để cả thân kèo có được tia nắng tốt nhất. Và cái kèo phải thật vững, không lỏng lẻo. "Nếu chỉ cần cây kèo lắc lư một tí, trong quá trình do kèo mà con ong nhận thấy nó không chắc chắn thì bỏ đi ngay", ông Út Nhì dặn.
Gác kèo xong xuôi thì bắt đầu dọn tiếp xung quanh trảng để chắc chắn không có cây con, nhành lá nào có thể động tới tổ ong khi nó đã làm tổ.
Người đàn ông của rừng U Minh nói với giọng khâm phục: "Chỉ cần có cây xỉa ngang hướng nó làm tổ, gió lay làm động tổ thì nhất định con ong cũng không làm. Trời sinh cái tính ong kỹ dữ thần, không chỉ chăm chỉ hút mật mà tất cả các việc khác nó cũng kỹ lưỡng từ đầu đến cuối".
Thấy cái kèo trong trảng êm, bầy ong sẽ cử một "đội thợ dò kèo" bay xuống lựa chọn. "Nó bay lòng vòng quanh kèo, đậu rồi bò từ đầu đến cuối kèo, xác định độ chắc chắn, thông thoáng quanh kèo và thuận lợi để đi về thì mới bắt đầu gọi cả bầy tập trung xuống làm tổ", ông Út Nhì nói say mê. Hơn nửa thế kỷ gác kèo, ông đã biết bao lần nấp để mê mẩn ngó lũ ong dò kèo.
Một lần dò như vậy khoảng chừng một giờ đến hai giờ đồng hồ, khi thấy đội ong thợ quay lên báo hiệu cho đàn ong sà xuống bám vào kèo thì người thợ biết chắc rằng mình đã "trúng" được một túi mật.
"Chọn trảng và gác kèo là cách thể hiện đẳng cấp của thợ. Thường mùa bông tràm nhiều, gác trăm kèo mà khoảng 60 kèo được ong chọn làm tổ là xem như đạt. Còn người kinh nghiệm giỏi, trăm trèo gác được 80, 90 kèo có tổ là thường", ông già ở rừng U Minh nói thêm tầm quan trọng của việc chọn trảng, gác kèo.
Vì con ong có cách thức kiểm tra, chọn kèo kỹ lưỡng như vậy nên thường sau khi gác kèo, người thợ phải kiểm tra xung quanh, dọn sạch cỏ, tuyệt đối không để các tổ kiến vàng nằm đâu đó phía trên gần kèo. Con kiến dưới mặt đất bò lên thì con ong giết chết, nhưng tổ kiến vàng phía trên hay có nước tiểu của kiến, gió lùa nước tiểu từ tổ kiến bắn vào thì ong cũng bỏ tổ.
Cũng để kèo ong có hình thái tự nhiên nhất, dân gác kèo ong còn có cách thức gọi là "trà tủ", nghĩa là dùng thế tự nhiên của các cây rừng xung quanh chỗ trảng gác kèo để tạo mái che tự nhiên và tạo luồng bay cho ong.
Người thợ làm "trà tủ" thường chọn ba cây tràm tự nhiên, một cây bên phải, một bên trái và một phía sau rồi cắt một phần rễ, xô nhẹ cho chúng hướng về phía kèo sao cho có độ che chắn một phần thân kèo nhưng phải đảm bảo cho luồng ong lên xuống, ra vào tổ được thuận lợi.
Việc kiểm tra kèo thường xuyên cũng là một bước quan trọng trong nghề gác kèo ong. Sau khi gác kèo khoảng từ 5 - 10 ngày, người thợ phải ra thăm, xem kèo nào có ong về và kèo nào ong không về. Qua đó cũng xem chừng để không có cây con, nhánh cây nào khác mọc lên đâm vào kèo, hoặc dọn màng nhện đóng xung quanh nơi đường ong lên xuống, rồi kèo có bị ong bầu đục, hoặc mối ăn, kiến vàng xâm chiếm...
Nếu kèo vẫn tốt mà ong không xuống thì bắt buộc phải kiểm tra lại trảng, xem ánh mặt trời, hướng kèo, cây cối xung quanh để điều chỉnh lại cho thích hợp.
------------------------
Kỳ tới: Công phu lấy mật
Dân rừng U Minh Hạ không lạ gì trên trời bỗng xuất hiện "đám mây đen" dài chừng ba bốn chục thước lướt nhanh, khi nghe tiếng rì rì mới hay đàn ong khoái đang về tìm nơi làm tổ, hút mật.
Ai đã từng mê rừng U Minh qua các trang viết của nhà văn Sơn Nam, Đoàn Giỏi, hẳn khó quên được cảnh rừng một màu trắng bông tràm với "muôn ngàn hũ mật ong của trời ban xuống cho trần gian còn treo lủng lẳng như mù sương".