Trong bữa tiệc nướng ngoài trời hồi tháng 3-2023, chị Reanna Bendzak đã cho cô con gái 7 tháng tuổi nhấm nháp một nhánh cần tây do bé bị ngứa lợi vì mọc răng.
Dưới trời nắng nóng, chị Bendzak và chồng cẩn thận mặc quần áo chống nắng, đội mũ cho con. Họ cũng liên tục lau mặt bằng khăn vải cho cô bé.
Tuy nhiên ngay sáng hôm sau, chị Bendzak nhận thấy con gái bị phát ban quanh vùng miệng. Triệu chứng trở nặng khi các mụn nước xuất hiện.
Các bác sĩ chẩn đoán cô bé mắc bệnh viêm da tiếp xúc thực vật ánh sáng, còn được biết đến với tên gọi bệnh bỏng Margarita. Theo đó, việc cô bé ăn cần tây đã gây ra tình trạng này.
Theo chia sẻ, tình trạng phồng rộp vùng miệng của cô bé diễn ra trong suốt 10 ngày, các vết sẹo và tăng sắc tố diễn ra trong 6 tuần. Đáng nói, chị Bendzak cho biết con gái chỉ tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng trong 20 phút.
Sau khi tình trạng của con gái được cải thiện, người mẹ này đã chia sẻ câu chuyện trên Facebook để nâng cao nhận thức của phụ huynh về bệnh "bỏng bơ thực vật".
Bệnh dễ gặp vào mùa hè
Bệnh viêm da tiếp xúc thực vật ánh sáng (tên khoa học là Phytophotodermatitis), hay bệnh bỏng Margarita là một tình trạng phổ biến vào mùa hè, xuất hiện ở mọi lứa tuổi.
Đây là tình trạng cơ thể phản ứng sau khi tiếp xúc hoặc uống chất nhạy cảm với ánh sáng có chứa furocoumarin. Khi chất này tiếp xúc với ánh sáng mặt trời, nó sẽ gây ra tình trạng phát ban trong 24 giờ ở điểm tiếp xúc.
Một hoặc hai ngày sau, phát ban sẽ phát triển thành các mụn nước gây đau, kéo dài từ vài tuần tới vài tháng.
Chất furocoumarin có trong các loại quả họ cam, chanh và họ cà rốt (cần tây, cải dại, thì là). Ngoài ra, cây vả tây thuộc họ dâu tằm, họ mao lương hay họ cải cũng gây ra bệnh bỏng Margarita.
Dù không gây ảnh hưởng lớn về sức khỏe nhưng bệnh có thể gây ra những cơn đau, ảnh hưởng thẩm mỹ và tâm lý.
Làm gì khi bị bỏng Margarita?
Khi tiếp xúc với các loại thực vật có nguy cơ gây bệnh, cần nhanh chóng rửa sạch vùng tiếp xúc bằng xà phòng và nước.
Ngoài ra, cần chống nắng bằng nhiều biện pháp như mặc áo, mũ chống nắng, đeo kính râm và bôi kem chống nắng đúng cách để phòng ngừa tình trạng kể trên.
Với triệu chứng nhẹ, có thể sử dụng các loại thuốc bôi chống viêm và các thuốc kháng histamine chống ngứa.
Ngay khi gặp tình trạng phát ban hay bỏng rộp nặng, cần đến cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám và chỉ định điều trị.
TTO - Tôi cùng gia đình vừa có chuyến du lịch biển. Sau chuyến đi, trên mu bàn tay, cánh tay của tôi xuất hiện các mảng phồng đỏ, ngứa, có cảm giác bỏng rát…, sau đó tạo từng đốm như nám. Xin hỏi chữa trị và phòng tránh thế nào? L.N.H. (TP.HCM)