Theo đài RT (Nga), vị đại sứ này lo ngại bất kỳ sự gián đoạn nào đối với dòng chảy dầu trên thế giới do lệnh trừng phạt Nga của phương Tây đều có thể gây ra kịch bản thảm khốc.
“Chúng tôi xét đến lợi ích chung của tất cả các bên, lợi ích trong sự ổn định của thị trường toàn cầu và cả trong sự ổn định của các nguồn cung. Điều này rất quan trọng đối với hoạt động của nền kinh tế Kazakhstan, cũng như toàn bộ nền kinh tế toàn cầu”, Đại sứ Ashikbayev lập luận với RIA Novosti bên lề Diễn đàn Xuyên Caspi ở Washington hôm 26/5.
Khi được hỏi liệu ông có nhận thấy bất kỳ rủi ro mà các biện pháp trừng phạt gây ra cho quá trình vận chuyển dầu của Kazakhstan hay không, nhà ngoại giao này đã đưa ra một số kịch bản mà ông mô tả đem lại tác động “tận thế”.
Kazakhstan cung cấp dầu cho thị trường toàn cầu thông qua một trong những đường ống dẫn dầu lớn nhất thế giới - Caspian Pipeline Consortium (CPC). Theo ông Ashikbayev, CPC vẫn là một dự án quan trọng đối với Kazakhstan, chiếm 80% lượng dầu thô xuất khẩu của đất nước.
CPC là dự án đa quốc gia, có sự tham gia của Nga, Kazakhstan và tập đoàn gồm các công ty dầu mỏ hàng đầu thế giới. Hệ thống đường ống này chủ yếu nhận dầu thô từ các mỏ dầu lớn ở phía tây Kazakhstan, và cả từ Nga. Tổng năng suất của CPC là hơn 1 triệu thùng dầu mỗi ngày, chiếm 2,3% thương mại dầu thô vận chuyển bằng đường biển toàn cầu.
CPC vận chuyển khoảng 1,2 triệu thùng dầu thô mỗi ngày từ Kazakhstan đến châu Âu và sau đó vận chuyển đến Mỹ. Tuy nhiên, hoạt động của đường ống đã bị gián đoạn vào năm ngoái do thiệt hại do bão đối với thiết bị tại một cảng ở Biển Đen, cùng gián đoạn do các biện pháp trừng phạt Nga, làm dấy lên mối lo ngại về cuộc khủng hoảng nguồn cung toàn cầu.
Kazakhstan đã tăng cường quan hệ dầu khí với Nga bất chấp mối đe dọa trừng phạt thứ cấp từ Mỹ và EU.
Vào cuối năm ngoái, các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU), Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) và Australia đã áp mức giá trần 60 USD/thùng đối với dầu thô xuất khẩu của Nga vận chuyển bằng đường biển.
Gần đây, các nước thuộc nhóm G7 và Australia cho biết sẽ không thay đổi mức áp trần giá dầu Nga trong những tháng tới bất chấp việc giá dầu thế giới tăng mạnh. Nhóm các quốc gia này cho rằng cho rằng mức trần hiện tại đối với dầu mỏ Nga đã phát huy hiệu quả trong việc hạn chế doanh thu năng lượng của Moskva mà không gây bất ổn cho thị trường “vàng đen” toàn cầu.
Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) hồi đầu tháng 3 cũng cho biết biện pháp áp trần giá dầu Nga của phương Tây đã đạt mục đích khi giảm nguồn thu của Moskva nhưng không khiến giá nhiên liệu biến động.
Trong bối cảnh tác động lâu dài từ các biện pháp trừng phạt của phương Tây, dầu của Nga đang chảy về các nền kinh tế lớn của châu Á. Theo thống kê của công ty tình báo dữ liệu Kpler, Trung Quốc và Ấn Độ chiếm hơn 30% tổng lượng nhập khẩu dầu mỏ từ ba quốc gia là Nga, Iran và Venezuela trong tháng 4. Con số này tăng từ mức chỉ 12% vào tháng 2/2022, thời điểm Nga bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.
Nhóm chuyên gia Andreas Economou, Bassam Fattouh và Ahmed Mehdi viết trong một báo cáo của Viện Nghiên cứu Năng lượng Oxford: “Ở châu Á, gần 90% hàng xuất khẩu của Nga hiện nay là dành cho Trung Quốc và Ấn Độ”.
Tuy nhiên, nhóm chuyên gia này cho hay trong khi Nga đã thành công trong việc chuyển hướng dòng chảy dầu mỏ, thì họ đã mất hầu hết khách hàng cũ.