Báo cáo Kiểm toán Nhà nước vừa gửi Quốc hội về kết quả kiểm toán năm 2022 chỉ ra một số tồn tại liên quan tới cấp tín dụng của các ngân hàng thương mại năm 2021.
Theo đó, tăng trưởng tín dụng nền kinh tế năm 2021 là 13,61%, nhưng tín dụng rót vào một số lĩnh vực tiềm ẩn đều tăng vượt mức này. Chẳng hạn, tín dụng vào bất động sản gần 15,4%, chứng khoán 23,85%, trái phiếu doanh nghiệp 17,65%.
Tỷ lệ dư nợ tín dụng nền kinh tế so với GDP ở mức cao, năm 2020 là 114,3%; 2021 là 113,2%. Điều này tiềm ẩn khó khăn trong việc kiểm soát dòng tiền tín dụng vào các lĩnh vực rủi ro.
Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước chưa có văn bản quy định cụ thể về điều hành, kiểm soát chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng chung và chỉ tiêu tăng với từng nhà băng. Điều này khiến một số nhà băng có mức tăng tín dụng vượt trần do Ngân hàng Nhà nước cấp. Trong đó, Ngân hàng Bản Việt tăng tín dụng vượt trần cho phép gần 2,2%. Thậm chí có nhà băng tăng vượt trần tới 6 lần, như Ngân hàng Bảo Việt được giao 5,5% song thực tế tăng tới 31,82%. Ngân hàng Phương Đông tăng tín dụng vượt mức tối đa cho phép tại thời điểm cuối các tháng 7, 8, 9 và 10.
Hạn mức (room) tín dụng là biện pháp được Ngân hàng Nhà nước sử dụng thời gian qua để kiểm soát tăng trưởng tín dụng, cung tiền ra thị trường, từ đó kiểm soát phần nào lạm phát. Hạn mức này được Ngân hàng Nhà nước xem xét cấp cho các nhà băng dựa trên các tiêu chí như chỉ số huy động cho vay, an toàn vốn, tỷ lệ nợ xấu...
Tuy nhiên, Ủy ban Kinh tế từng đề nghị Ngân hàng Nhà nước tính tới việc bỏ room tín dụng này vì cho rằng đây là biện pháp hành chính làm méo mó thị trường, phát sinh xin - cho trong cấp hạn mức tín dụng. Ngoài ra, việc phụ thuộc trần tín dụng gây cản trở quá trình tiếp cận vốn của doanh nghiệp.
Ông Hoàng Văn Cường, Phó hiệu trưởng Đại học Kinh tế Quốc dân, cho rằng trong bối cảnh nền kinh tế đang rất khó khăn, doanh nghiệp kiệt quệ, cần vốn hiện nay, Ngân hàng Nhà nước nên đánh giá ngân hàng nào làm tốt, năng động, đảm bảo các điều kiện về an toàn thì xem xét cấp thêm tín dụng.
"Ngân hàng nào có chỉ số an toàn tốt, không có dư nợ xấu, lãi vay hợp lý thì cần được xem xét để nới room cho họ nhiều hơn, tạo lợi ích cho nền kinh tế, xã hội", ông Cường nói bên hành lang Quốc hội ngày 27/5.
Về tái cơ cấu hệ thống ngân hàng gắn với xử lý nợ xấu 2016-2020, Kiểm toán Nhà nước cho biết, việc phê duyệt đề án, phương án cơ cấu lại còn chậm. Tính chung thời gian Ngân hàng Nhà nước phê duyệt phương án tái cơ cấu lại của các tổ chức tín dụng kể từ khi nhận hồ sơ khoảng 6-12 tháng. Một số nhà băng được duyệt phương án chậm hơn, như VietinBank (14 tháng), Ngân hàng liên doanh Việt Nga (13 tháng).
Nhiều tổ chức tín dụng xác định tỷ lệ nợ xấu không đúng hướng dẫn, khi không tính toán đầy đủ các khoản nợ tiềm ẩn thành nợ xấu (nợ cơ cấu, trái phiếu doanh nghiệp tiềm ẩn nợ xấu, các khoản phải thu khó đòi...). Do đó, nếu tính toán, xác định lại thì một số tổ chức tín dụng không đạt mục tiêu kiểm soát nợ xấu dưới 3%, như Ngân hàng Phát triển TP HCM (HDBank) là 3,7%; Ngân hàng Nam Á 8,96%; Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín 8,41% và Ngân hàng Sài Gòn - Hà Nội 8,5%. Trong đó tỷ lệ nợ xấu tại VPBank đến 31/12/2020 là 13,4%.
Kiểm toán Nhà nước đánh giá mục tiêu đưa tỷ lệ nợ xấu về dưới 3% sau 5 năm thực hiện tái cơ cấu ngân hàng chưa thực hiện được. Đến 31/12/2020, tỷ lệ nợ xấu toàn hệ thống là 3,81%; còn nếu tính cả nợ cơ cấu theo Thông tư 01/2020 là 7,43%.
Cơ quan kiểm toán nhận xét, Ngân hàng Nhà nước chưa đẩy mạnh xử lý nợ xấu theo cơ chế thị trường; chưa hoàn thành xử lý các ngân hàng yếu. Việc thanh tra, giám sát ngân hàng cũng chưa được cơ quan quản lý thực hiện trên cơ sở tập trung theo trọng yếu, rủi ro; kết qua thoái vốn không đạt kế hoạch.
Cũng theo kết quả của Kiểm toán Nhà nước, năm 2021, một số tổ chức đầu tư tài chính không hiệu quả, hoặc hiệu quả thấp, chưa thu hồi được nợ tồn đọng. Chẳng hạn VietcomBank có khoản tạm ứng 7 tỷ đồng mua sinh phẩm kit test của Công ty cổ phần công nghệ Việt Á để tài trợ bằng hiện vật cho Bộ Y tế trong phòng, chống dịch phát sinh năm 2020. Tại Agribank, Công ty Bảo hiểm Nông nghiệp chưa thu hồi được gần 4,3 tỷ đồng nợ phí bảo hiểm phát sinh từ 2010, đã trích lập dự phòng 100%.
Có ngân hàng hạch toán doanh thu, thu nhập, chi phí chưa đúng quy định và chưa kê khai nộp thuế với thu nhập từ cung cấp dịch vụ thư tín dụng theo quy định. Như Ngân hàng Quân đội có số dư đầu tư trái phiếu vào Công ty Tài chính TNHH MTV Công nghiệp tàu thủy đến cuối năm 2021 là 50 tỷ đồng, nhưng phải trích lập dự phòng 100%. Ngân hàng này cũng đầu tư 33,96 tỷ đồng vào Công ty Bảo hiểm AAA từ năm 2005 (chiếm 3,52% vốn góp) nhưng công ty bảo hiểm này hoạt động không hiệu quả từ năm 2009, lỗ lũy kế đến cuối năm 2021 là 776 tỷ đồng.
Anh Minh