Theo báo cáo nhanh về tình hình và các hoạt động phòng chống dịch bệnh trên địa bàn của Sở Y tế TP.HCM, ngày 27.5, TP.HCM có 30 ca mắc Covid-19. Như vậy, từ đầu năm 2023 đến nay, TP.HCM đã có 4.839 ca mắc Covid-19 được Bộ Y tế công bố.
Hiện các bệnh viện trên địa bàn TP.HCM đang điều trị cho 187 ca, trong đó có 80 ca cần hỗ trợ hô hấp, 14 ca đang thở máy xâm lấn, 6 ca là trẻ em dưới 16 tuổi và 5 ca là phụ nữ mang thai.
Số ca cách ly tại nhà là 430 ca.
Về tiêm vắc xin Covid-19, trong ngày 26.5, TP.HCM đã tiêm được 312 mũi. Trong đó, có 3 mũi 1, 11 mũi 2, 76 mũi 3, 222 mũi 4.
Cũng trong ngày 27.5, TP.HCM phát hiện có 18 ca mắc sốt xuất huyết, nâng tổng số ca mắc từ đầu năm đến nay tại TP.HCM là 7.820 ca.
Hiện các bệnh viện trên địa bàn TP.HCM đang điều trị 92 ca sốt xuất huyết (53 ca cư trú tại TP.HCM). Trong đó có 40 ca là người lớn (1 ca phụ nữ mang thai), 52 ca trẻ em.
Số ca nặng (theo định nghĩa ca nặng của Bộ Y tế) là 5 ca (3 ca cư trú tại TP.HCM).
Tại lễ phát động hưởng ứng "Ngày ASEAN phòng, chống sốt xuất huyết" năm 2023, bác sĩ Nguyễn Hữu Hưng, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết, sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính, có thể gây thành dịch do vi rút Dengue gây ra.
Đây là căn bệnh nguy hiểm, lây lan nhanh và có khả năng dẫn đến tử vong. Cho đến nay, bệnh chưa có vắc xin phòng bệnh, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu nên biện pháp phòng chống chủ yếu là diệt muỗi và diệt lăng quăng.
Phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết không chỉ là nhiệm vụ của ngành y tế, của các cấp chính quyền mà còn là trách nhiệm chung của mỗi gia đình, mỗi người dân TP.HCM.