Một loạt điểm mới vừa được Chính phủ trình lên Quốc hội: chính sách cấp thị thực điện tử cho công dân của tất cả các nước và vùng lãnh thổ; thời hạn thị thực điện tử từ không quá 30 ngày lên không quá ba tháng, hay nâng thời hạn cấp chứng nhận tạm trú tại cửa khẩu quốc tế cho người nhập cảnh theo diện đơn phương miễn thị thực từ 15 ngày lên 45 ngày...
Du lịch Việt Nam đã từng bỏ lỡ cơ hội hồi phục và tăng tốc dù mở cửa sớm trong khu vực. Chính sách visa của Việt Nam đã làm thất vọng các doanh nghiệp du lịch vì tồn đọng nhiều điểm nghẽn, khiến họ gặp khó khăn trong việc thu hút khách nước ngoài.
Một trong những điểm nghẽn đó là thời hạn cấp visa cho khách quốc tế chỉ 15 ngày, doanh nghiệp phải tính toán đủ cách để tổ chức các đoàn quy mô lớn trong phạm vi thời gian ngắn.
Ngoài ra, thủ tục cấp thị thực điện tử cho du khách quốc tế cũng chưa nhanh chóng, du khách không chủ động được thời gian nên nhiều trường hợp buộc phải hủy vé tới Việt Nam.
Khó khăn kinh tế, lạm phát trên toàn cầu buộc du khách cân nhắc nhiều hơn giữa chi phí và giá trị thực nhận.
Sau dịch, tâm lý của du khách thay đổi khi họ sẵn sàng ưu tiên những điểm đến có chính sách đi lại thông thoáng, nhập cảnh thân thiện, sau đó mới đến sản phẩm du lịch thú vị, phong cảnh đẹp.
Bốn tháng đầu năm nay, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt khoảng 3,7 triệu lượt, so với các nước trong khu vực còn rất khiêm tốn.
Thị trường vẫn chưa định hình được xu hướng quan trọng nào chi phối đến luồng khách đến Việt Nam, vì thế sự điều chỉnh chính sách visa được xem là làn gió mới thổi vào thị trường đang trầm lắng.
Báo cáo "Triển vọng du lịch Việt Nam 2023" của Outbox Consulting đánh giá Việt Nam nằm trong nhóm những quốc gia và vùng lãnh thổ đứng cuối bảng xếp hạng phục hồi du lịch quốc tế với tỉ lệ phục hồi bằng 23% năm 2019.
Con số này thấp hơn tỉ lệ phục hồi trung bình của thế giới (55%) và gần bằng với khu vực châu Á - Thái Bình Dương là 24%. Tuy nhiên, nếu xét riêng khu vực Đông Nam Á, Việt Nam có tỉ lệ hồi phục chậm nhất trong số những quốc gia được khảo sát.
Các nút thắt visa nếu được tháo gỡ kịp thời sẽ góp phần tác động tích cực đến kinh tế Việt Nam khi tạo ra nguồn lưu lượng khách hàng ổn định.
Khách quốc tế đến còn kéo theo các ngành liên quan như nhà hàng, khách sạn, vận tải, mua sắm và dịch vụ sẽ phát triển mạnh mẽ. Một vòng xoay kinh tế tích cực được thiết lập, tăng thu nhập cho các doanh nghiệp du lịch và tăng khả năng tiêu dùng của người dân.
Ngoài cải thiện chính sách visa, giảm bớt giấy tờ, Việt Nam cũng cần mở rộng danh sách miễn thị thực cho khách đến từ Mỹ, Ấn Độ, Canada, Úc, New Zealand, Thụy Sĩ, Bỉ, Hà Lan...
Tất nhiên, chính sách visa thân thiện chỉ là sự khởi đầu để đón khách, ngành du lịch phải hành động ngay để có thể nắm bắt cơ hội sắp tới. Đó là cải thiện chất lượng điểm đến, dịch vụ phòng, cơ sở lưu trú; không thể để tình trạng chèo kéo, móc túi hay "chặt chém" diễn ra...
Du lịch Việt Nam cũng phải đối mặt với những thách thức khác như kéo dài thời gian lưu trú của du khách, tăng chi tiêu và sự hài lòng... để tăng tỉ lệ quay trở lại của du khách.
“Chỉ cần điền thông tin theo mẫu là xong” - chia sẻ của Alannah Caulfield Patel và Elin Littmann (du khách Na Uy) khi được hỏi về cách xin visa Việt Nam.