Trả lời phỏng vấn Tuổi Trẻ, ông Mikel Herrington, tân giám đốc quốc gia Chương trình Hòa bình tại Việt Nam từ tháng 5-2023, nhấn mạnh: "Việt Nam có một ý nghĩa vô cùng quan trọng với Chương trình Hòa bình.
Sau khi giám đốc quốc gia đầu tiên (bà Kate Becker - PV) rời đi, tổ chức đã lập tức kêu gọi những giám đốc quốc gia có kinh nghiệm đảm nhận vị trí này. Tôi đã "ghi danh" và thật may mắn khi được đến đây".
* Từng làm giám đốc quốc gia ở Bulgaria, Trung Quốc và Campuchia, ông đánh giá thế nào về đóng góp của Chương trình Hòa bình ở các nước này?
- Trọng tâm phát triển ở mỗi quốc gia là khác nhau, phụ thuộc vào yêu cầu của nước sở tại. Chúng tôi đã triển khai chương trình giáo dục bậc tiểu học ở Campuchia, bậc đại học ở Trung Quốc. Ở Bulgaria, bên cạnh giáo dục, chúng tôi cũng hoạt động trong lĩnh vực phát triển thanh niên và cộng đồng doanh nghiệp.
Chúng tôi có ba đóng góp và cũng là mục tiêu xuyên suốt: mục tiêu đóng góp cho sự phát triển của quốc gia tiếp nhận, giới thiệu về sự hiện diện của Chương trình Hòa bình và tìm kiếm những đối tác tiềm năng.
* Có điều gì khác biệt trong cách tiếp cận tại Việt Nam? Ý tưởng cho chương trình giảng dạy tiếng Anh đến từ đâu, thưa ông?
- Trước tiên, Chương trình Hòa bình đưa ra một số lĩnh vực khả thi. Sau đó, Việt Nam lựa chọn và mong muốn chương trình tập trung vào giáo dục, vì thế chúng tôi bắt đầu triển khai chương trình giảng dạy tiếng Anh ở vùng nông thôn - khu vực chúng tôi luôn ưu tiên vì chưa có nhiều sự quan tâm. Tôi nghĩ đó là minh chứng cho sự tôn trọng và thiện chí cho mối quan hệ lâu dài giữa hai nước.
Ủy ban tư vấn của Chương trình Hòa bình tại Việt Nam, với sự góp mặt của cả cơ quan chức năng hai nước, đảm bảo chúng tôi nhận được những hỗ trợ cần thiết, duy trì việc trao đổi diễn ra trên tinh thần cởi mở và tôn trọng lẫn nhau. Tất cả hướng đến mục tiêu hoạt động hiệu quả của Chương trình Hòa bình tại Việt Nam.
* Theo ông, chương trình sẽ đóng góp gì cho sự phát triển của học sinh Việt Nam?
- Chúng tôi mong muốn giúp học sinh Việt Nam nâng cao khả năng nghe và nói tiếng Anh, theo như đề nghị từ phía bạn. Còn hơi sớm để nói về sự cải thiện trong kết quả học tập, nhưng chắc chắn rằng chúng tôi luôn nhìn nhận kết quả một cách thực chất và nỗ lực cải thiện các phương pháp dạy học.
Về phía Chương trình Hòa bình tại Việt Nam, tình nguyện viên (TNV) sẽ có cơ hội học tiếng và hiểu về văn hóa Việt Nam, gắn kết với học sinh thông qua vai trò giáo viên, từ đó đạt được mục tiêu lớn là tăng cường sự thấu hiểu lẫn nhau giữa hai quốc gia. Tôi hy vọng các TNV sẽ có những kỷ niệm đẹp ở đất nước này, đồng thời hình ảnh của họ cũng sẽ nằm lại trong ký ức tốt đẹp của các em học sinh.
* Năm 2023 đánh dấu 10 năm quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam - Mỹ, Chương trình Hòa bình đóng góp ra sao cho quan hệ song phương?
- Chương trình Hòa bình tại Việt Nam thuộc Phái bộ Mỹ tại Việt Nam, nhưng TNV của chúng tôi không phải là nhân viên của chính phủ. Vì vậy, sự gắn kết ở mức độ cộng đồng của họ chính là đóng góp to lớn nhất của chúng tôi vào việc tăng cường mối quan hệ giữa hai nước.
Thông qua hoạt động của Chương trình Hòa bình tại Việt Nam, tôi hy vọng người Việt Nam sẽ nhận thấy rằng hai đất nước của chúng ta có rất nhiều điểm tương đồng. Mỗi TNV mang những nét tính cách riêng, phản ánh nền văn hóa đa dạng của Mỹ. Bản sắc văn hóa Việt Nam cũng vô cùng sâu sắc và phong phú. Tôi mong rằng sẽ có thêm nhiều TNV Mỹ đến Việt Nam, góp phần xây dựng mối quan hệ hữu nghị giữa người dân hai nước.
* Cuối năm nay, Chương trình Hòa bình tại Việt Nam sẽ đón thêm nhóm TNV mới đến TP.HCM. Những TNV được tuyển chọn dựa trên những tiêu chí nào?
- Bên cạnh việc kiểm tra sức khỏe và lý lịch cá nhân, các TNV cần phải có khả năng thích ứng tốt và tinh thần sẵn sàng học hỏi. Nhóm TNV thứ hai của Chương trình Hòa bình tại Việt Nam sẽ bắt đầu được tuyển chọn vào mùa hè này và dự kiến tới Việt Nam vào tháng 10-2023.
"Ồ, bây giờ em đi về nhà hả?"
Ông Mikel Herrington kể một câu chuyện thú vị mà một nữ TNV Chương trình Hòa bình tại Việt Nam đã chia sẻ với ông. Ở ngôi trường mà nữ TNV này đang công tác, vào cuối mỗi ngày, các giáo viên thường hỏi cô ấy rằng: "Ồ, bây giờ em đi về nhà hả?". Ban đầu, cô ấy tưởng rằng đó là một cách "đuổi khéo" và họ không vui vẻ khi cô ấy xuất hiện ở đó. Sau này, TNV nữ này mới biết đó là một cách bắt chuyện và thể hiện sự quan tâm của người Việt.
"Bạn thấy đấy, có rất nhiều cách để nói lời chào trong tiếng Việt. Một câu chuyện nhỏ như vậy đã khởi đầu mối quan hệ ấm áp giữa TNV với giáo viên người Việt. Đây chính là minh chứng cho điều đặc biệt làm nên Chương trình Hòa bình: sự cam kết và gắn bó với cộng đồng" - ông Herrington chia sẻ.
Trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng ngày 21-5, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã dự và phát biểu tại phiên họp “Hướng tới một thế giới hòa bình, ổn định và thịnh vượng”.