Giả định giá dầu thô xuất khẩu năm 2023 là trên 70 USD/thùng, PVS dự kiến doanh thu hợp nhất đạt 13.200 tỷ đồng, giảm 22,7% so với thực hiện năm trước và lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 560 tỷ đồng, giảm 40,7% so với năm 2022.
Bên cạnh đó, cổ đông PTSC đã thông qua định hướng phát triển lĩnh vực năng lượng tái tạo ngoài khơi (NLTTNK) của Công ty.
Chia sẻ tại đại hội, ông Trần Hồ Bắc, Phó tổng giám đốc PTSC cho biết, PVS định hướng phát triển NLTTNK gồm 2 trụ cột chính. Thứ nhất, phát triển PTSC trở thành nhà thầu cung cấp dịch vụ tầm quốc tế về NLTTNK bên cạnh lĩnh vực dầu khí đang thực hiện. Thứ hai, tham gia đầu tư, phát triển các dự án sản xuất NLTT mà bước đầu là điện gió ngoài khơi tại các vùng biển Việt Nam.
Đồng thời, đại hội cũng thông qua chủ trương tham gia đấu thầu, chào thầu các gói thầu cung cấp dịch vụ giá trị lớn. PVS cho biết, trong thời gian tới, các dự án liên quan đến dầu khí, điện như: dự án Lô B; dự án đường ống Lô B – Ô Môn; dự án Sư Tử Trắng Phase 2; dự án LNG Sơn Mỹ; dự án nâng cấp, mở rộng Nhà máy lọc dầu Dung Quất…
Đây là các dự án tiềm năng mà PVS đặc biệt quan tâm và dự kiến chuẩn bị huy động tối đa các nguồn lực cần thiết, nâng cao năng lực cạnh tranh cho khả năng thắng thầu cao nhất.
Trong phần thảo luận, cổ đông đề cập đến kết quả hoạt động kinh doanh quý II/2023, ông Lê Mạnh Cường, Tổng giám đốc PTSC thông tin, PVS ước tính kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2023 với doanh thu hợp nhất đạt 7.200 tỷ đồng, bằng 92% kết quả cùng kỳ năm trước và lợi nhuận trước thuế đạt 440 tỷ đồng, bằng 117% so với cùng kỳ.
Về vấn đề PVS và Sembcorp đã ký hợp đồng xuất khẩu điện sang Singapore năm 2023 liệu có rủi ro không, ông Cường cho rằng sẽ có những rủi ro, song PTSC chưa thể đánh giá cụ thể về cấp độ và quy mô rủi ro.
"Dưới đáy biển Đông, vịnh Thái Lan và các nước láng giềng Việt Nam, ngoài tồn tại cá, còn các đường cáp quang xuyên biên giới, trong thời gian tới dự kiến có những đường ống dẫn khí. Trước đó, chúng ta cũng chưa ghi nhận những sự cố, rủi ro lớn đối với đường cáp và mức độ rủi ro có thể kiểm soát được. Do đó, khi ký kết, thực hiện các dự án, các nhà đầu tư cũng sẽ có những biện pháp để kiểm soát được các rủi ro có thể xảy ra, ông Cường cho biết thêm.
Về việc đánh giá thị phần của mình trong lĩnh vực NLTTNK, ông Cường cho biết, hiện tại, Việt Nam chưa có NLTTNK, nên Công ty chưa thể tính toán được thị phần của mình trong mảng này. Khi nào Việt Nam có dự án điện gió ngoài khơi, thị trường này được hình thành thì PTSC sẽ có câu trả lời.
Cổ đông cũng thắc mắc trước tình hình các dự án năng lượng tái tạo đang gặp nhiều vấn đề, việc PTSC phát triển NLTTNK liệu có bị ảnh hưởng, ông Cường giải thích, mảng dịch vụ NLTTNK mà PTSC hướng tới không liên quan gì đến điện, giá FIT. Quy hoạch điện VIII đã trình bày rõ việc Chính phủ ủng hộ, khuyến khích xuất khẩu năng lượng tái tạo, đặc biệt là NLTTNK, không hạn chế công suất vì không đưa lên lưới điện quốc gia, nên không cần giải quyết bài toán công suất, đường truyền, huy động hay không huy động.
Liên quan đến nhu cầu vốn xây dựng cơ bản cho điện gió ngoài khơi 5 năm tới, Tổng giám đốc PVS cho biết, hiện tại, Công ty đã có thoả thuận với 1 số nhà đầu tư đến từ Nhật Bản, Singapore... và các nhà đầu tư khác về điện gió ngoài khơi. Trước mắt, để triển khai 1 dự án NLTTNK cần nhiều thời gian như liên quan đến thời gian khảo sát (trong 1 - 2 năm), giải quyết câu chuyện đầu ra…
“Công ty đang nghiên cứu giai đoạn ban đầu nên chưa đưa ra lộ trình tăng vốn trong năm 2023. Nhưng các dự án có quy mô vốn lớn, nên khi chính thức triển khai, PTSC tham gia sẽ cần tăng vốn”, ông Cường nhấn mạnh.
Kết thúc đại hội, tất cả tờ trình được thông qua.