Dự lễ kỷ niệm 40 năm thành lập H.Hàm Thuận Nam có ông Nguyễn Hoài Anh, Ủy viên dự khuyết Ban chấp hành T.Ư Đảng, Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bình Thuận; ông Nguyễn Minh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận; lãnh đạo các sở ngành, huyện thị, thành phố của tỉnh và đông đảo cán bộ, người dân "thủ phủ" thanh long Hàm Thuận Nam.
Phát biểu ôn lại truyền thống 40 năm thành lập huyện, Bí thư Huyện ủy Hàm Thuận Nam Lê Thị Bích Liên, nêu bật những thành quả mà đảng bộ, chính quyền, quân và dân H.Hàm Thuận Nam đạt được trong 40 năm qua.
Cách đây 40 năm, xuất phát từ đặc điểm tình hình thực tế và trước yêu cầu của sự phát triển mới, ngày 30.12.1982, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) quyết định chia tách H.Hàm Thuận để thành lập H.Hàm Thuận Nam và H.Hàm Thuận Bắc. Đến ngày 1.6.1983, H.Hàm Thuận Nam chính thức được thành lập.
Khi thành lập, H.Hàm Thuận Nam có 9 xã, đến nay có 12 xã và 1 thị trấn, diện tích tự nhiên 105.178,4 ha; dân số 30.846 hộ với hơn 125.600 khẩu, bao gồm 21 dân tộc anh em.
Khi huyện mới thành lập, hạ tầng kinh tế - xã hội lúc đó rất thấp kém, cuộc sống người dân bấp bênh. Đến nay, kinh tế xã hội của Hàm Thuận Nam đạt được những thành quả vượt bậc. Nói đến Hàm Thuận Nam, người dân cả nước biết đến nơi đây như "thủ phủ" thanh long của Bình Thuận với hơn 15.000 ha.
Ngoài ra, H.Hàm Thuận Nam còn nổi tiếng với nhiều danh thắng như ngọn hải đăng trên đảo Kê Gà (xây dựng từ năm 1898), chùa núi Tà Cú.
Ngày nay H.Hàm Thuận Nam có tuyến cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây đi qua, có 2 khu công nghiệp. Hàm Thuận Nam có bờ biển dài hàng chục km với nhiều cơ sở nghỉ dưỡng nổi tiếng chỉ đứng sau Mũi Né, mỗi năm đón hàng trăm nghìn lượt du khách.
Bí thư Huyện ủy Lê Thị Bích Liên cũng nhìn nhận những hạn chế, yếu kém trong cơ cấu nền kinh tế của huyện, tốc độ phát triển kinh tế chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của địa phương, chuyển dịch chậm. Một số ngành, lĩnh vực phát triển thiếu vững chắc. Kết cấu hạ tầng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của sự phát triển mới; mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trên lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn phát triển chưa mạnh. Huy động các nguồn lực xã hội đầu tư cho phát triển chưa tương xứng với thế mạnh của địa phương.
Phát biểu tại buổi lễ, Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bình Thuận Nguyễn Hoài Anh khẳng định, H.Hàm Thuận Nam là mảnh đất kiên trung, anh dũng, chịu nhiều hy sinh gian khổ trong 2 cuộc kháng chiến. Từ một huyện khô hạn, đời sống người dân gặp nhiều khó khăn, với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, Hàm Thuận Nam trở thành huyện đứng đầu cả tỉnh về sản xuất thanh long, đem lại cuộc sống khấm khá cho nhân dân. Hiện nay, bộ mặt nông thôn của Hàm Thuận Nam ngày càng khởi sắc. Những thành quả của Hàm Thuận Nam có được như ngày hôm nay là thành tích đáng tự hào.
Tuy nhiên, Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bình Thuận Nguyễn Hoài Anh cũng nhấn mạnh, cấp ủy, chính quyền và nhân dân huyện tập trung phát huy tiềm năng thế mạnh của huyện, nhất là về vị trí địa lý, cảnh quan thiên nhiên, đổi mới mô hình tăng trưởng thúc đẩy kinh tế huyện nhà phát triển mạnh hơn nữa, nhất là nông nghiệp công nghệ cao, du lịch biển, thu hút các nguồn lực xã hội đồng bộ hệ thống cơ sở hạ tầng, đưa Hàm Thuận Nam trở thành địa phương giàu mạnh, văn minh của tỉnh Bình Thuận.