Năm 1906, James Joyce bắt đầu nung nấu ý tưởng về Ulysses như một truyện ngắn. Cuối cùng nó dài tới 732 trang và trở thành tiểu thuyết được tác giả viết suốt 15 năm ở Italy, Thụy Sĩ và Pháp.
Các nhà văn đương thời, T.S. Eliot và Ernest Hemingway, gọi Ulysses là kiệt tác "thay đổi tiến trình của văn học nhân loại". Hiện, nó là tiêu chuẩn của văn học, được đưa vào giảng dạy tại nhiều đại học khắp thế giới. Song không phải lúc nào nó cũng được tôn kính như bây giờ.
Ulysses từng bị cấm xuất bản vì có nội dung tục tĩu, trở thành trung tâm của phiên tòa xét xử "văn hóa phẩm đồi trụy" nổi tiếng nhất thế kỷ 20 của nước Mỹ.
Sự việc bắt đầu từ 1917, Jame Joyce gửi bản thảo để đăng nhiều kỳ trên tạp chí văn học Mỹ The Little Review. Nhận được những chương đầu, Trưởng ban biên tập Margaret Anderson thốt lên: "Đây là thứ đẹp nhất mà chúng tôi từng có. Nếu cuộc đời chấm dứt ngay bây giờ, nỗ lực trong hơi thở tàn của tôi, sẽ là đưa bản thảo này tới công chúng".
Tạp chí đăng thông báo trên số tháng 1/1918: Chúng tôi sắp xuất bản một kiệt tác.
Từ năm 1918 đến năm 1920, 11 chương của Ulysses đã được đăng thành nhiều kỳ trên tạp chí này. Một chương trong đó kể về nhân vật chính của cuốn tiểu thuyết, thủ dâm trên bãi biển trong khi nhìn chằm chằm vào một cô gái 17 tuổi.
Những người bạn của James Joyce cảnh báo, Ulysses sẽ gặp rắc rối với các quan chức Mỹ. Chỉ vài tháng sau, các cơ quan kiểm soát xuất bản bắt đầu sờ gáy Ulysses. Họ ra lệnh tịch thu và tiêu hủy chương đã xuất bản. Bà Margaret Anderson bị truy tố tội Lưu hành, quảng bá văn hóa phẩm đồi trụy.
Trong phiên tòa tháng 2/1921, luật sư của bị cáo biết rằng phân tích ý tứ văn học với các thẩm phán chẳng ích gì nên quyết định thay đổi chiến thuật. Dù Ulysses được độc giả toàn quốc săn lùng và bán chạy như tôm tươi, luật sư phải nói rằng, nó khó hiểu và lố bịch đến nỗi chẳng ai buồn đọc. Khả năng cuốn sách làm ô uế bộ óc người Mỹ là bằng 0, vì không ai hiểu nổi nó, "nó khiến người đọc ngớ ngẩn, chứ không phải là hứng tình".
Các thẩm phán cười và có vẻ thích thú với lập luận khá bất ngờ của luật sư. Nhưng cuối cùng, họ vẫn tuyên bà Margaret Anderson có tội, phạt 50 USD, kèm lệnh cấm xuất bản Ulysses trên tạp chí The Little Review. Luật sư đảm bảo thân chủ không kháng cáo.
Thất vọng trước phiên tòa, thiếu sự ủng hộ từ cộng đồng trí thức và triển vọng của nghệ thuật ở Mỹ, bà Anderson định đóng của tạp chí. Cuối cùng, bà nhượng nó cho người khác, còn mình bỏ nghề. Việc xuất bản Ulysses ở Mỹ ngừng lại trong hơn một thập kỷ tiếp theo.
Thất bại với thị trường Anh ngữ, ông James Joyce đến Paris trong nỗ lực tuyệt vọng tìm kiếm một nhà xuất bản và được in ở Paris vào ngày 2/2/1922, đúng sinh nhật thứ 40 của mình. Ulysses ngay lập tức trở thành món hàng "buôn lậu" xuyên quốc tế rất giá trị, liên tục được tuồn sang Mỹ và Anh.
Đến năm 1928, Tòa án Hải quan Mỹ chính thức liệt Ulysses vào danh sách những cuốn sách khiêu dâm cần tránh xa khỏi độc giả Mỹ, kiểm soát nghiêm ngặt qua đường nhập cảnh.
Trong khi đó, những biểu tượng văn học nước Mỹ thời đại đó như TS Eliot, Virginia Woolf và Ezra Pound đã ca ngợi nó như tác phẩm kinh điển. Sức hút của Ulysses với độc giả từ Âu sang Mỹ không thể phủ nhận.
Bennet Cerft, Giám đốc nhà xuất bản Random House (Mỹ), nhanh chóng nhìn ra điều này. Nếu thay đổi được bản án của Tòa án Mỹ về lệnh cấm lưu hành, chắc chắn sẽ là một cuộc bùng nổ lợi nhuận. Ông gặp James Joyce và khẳng định, sẽ giúp cuốn sách "sống lại" ở Mỹ, và khi đó, chính Random House sẽ xuất bản Ulysses.
Bennet Cerft liên hệ với luật sư gạo cội Morris Ernst - người rất được kính trọng trong các "cuộc chiến sách bẩn", tổng cố vấn của Liên minh Tự do Dân sự Mỹ. Luật sư Ernst ngưỡng mộ James Joyce và cũng muốn giúp Ulysses ngẩng cao đầu trên các giá sách nước Mỹ. Ông đồng ý nhận vụ kiện để đổi lấy 5% doanh số bán sách.
Điều đầu tiên, họ cần "dàn dựng" một vụ kiện. Đầu năm 1932, họ nhờ một người bạn nhập cảnh vào Mỹ cùng cuốn Ulysses, hy vọng Hải quan Mỹ sẽ thu giữ nó. Ông Ernst xuống bến tàu để đón bạn và lấy sách. Nhân viên hải quan nhìn thấy định lờ đi nhưng luật sư khăng khăng đòi họ phải tịch thu nó.
Cuốn tiểu thuyết được hải quan gửi cho cơ quan công tố để truy tố tội Lưu hành văn hóa phẩm đồi trụy. Kế hoạch của Bennet Cerft và luật sư bước đầu thành công.
Ngày 25/11 cùng năm, trong một phòng điều trần nhỏ chật kín người ở tòa án quận, New York, phiên điều trần bắt đầu. Công tố viên quay sang luật sư Ernst bông đùa: "Chính phủ có khi thua vụ này quá". Luật sư Morris hỏi và được đáp "cách duy nhất để thắng là trích dẫn vô số những từ thô tục trong tiểu thuyết. Tôi chịu. Trong phòng nhiều phụ nữ quá".
Theo phía công tố, ba yếu tố cấu thành tội phạm của cuốn sách là: chứa kích thích tình dục bằng ngôn ngữ "không giống ai"; tư tưởng báng bổ tôn giáo và làm dấy lên những ham muốn thô thiển.
Trong khi đó, luật sư Morris Ernst cho rằng, 10 năm qua, ngôn từ đã cập nhật rất nhanh, diễn đạt của James Joyce không còn sắc thái nào như cáo buộc. Ông nhấn mạnh ý nghĩa văn hóa và chất lượng văn học của Ulysses. Bằng chứng, các tác giả nổi tiếng như F. Scott Fitzgerald và Theodore Dreiser đều rất đề cao tác phẩm. Nó còn là tài liệu cho chương trình giảng dạy tại Đại học Harvard.
Ông lập luận cuốn sách "quá khó hiểu" với bất kỳ ai muốn đọc nó để khơi dậy hứng thú tình dục. Để củng cố quan điểm của mình, ông đọc một loạt các từ khó hiểu mà James Joyce đã sử dụng trong cuốn sách như hebdomadary, loodheramaun, strentwining, hoyhnhnm, entelechy, và yogibogeybox... các từ rất cổ và khó hiểu với bất kỳ ai, ngay cả với thẩm phán phiên tòa.
"Ông có thấy nó gợi dục không, thưa quý tòa", luật sư láu lỉnh hỏi. Vị thẩm phán nhoẻn cười. Morris Ernst biết mình đã thắng đến 90%, hối giám đốc nhà xuất bản sẵn sàng in sách, dù phiên tòa chưa kết thúc.
Ulysses bao gồm những mô tả tỉ mỉ về địa lý, con người Dublin. Các chức năng cơ thể, bao gồm cả các hoạt động tình dục, là đặc điểm của cuộc sống bình thường của những người bình thường vào một ngày bình thường ở Ireland.
Luật sư nhấn mạnh, các đoạn được coi là khiêu dâm chiếm thời lượng rất ít, "chúng ta nên nhìn vào giá trị của nó với nền văn học nhân loại hơn là cấm tiệt nó chỉ vì có vài cảnh nhạy cảm và câu chửi thề mà ngày thường chẳng ai là không nói", luật sư chốt lại.
Ngày 6/12/1933, chủ tọa đưa ra phán quyết làm nức lòng độc giả toàn cầu: Ulysses không phải truyện khiêu dâm, được phép lưu hành, xuất bản tại Mỹ.
Cùng ngày thẩm phán công bố quyết định của mình, tin tức đã được gửi đến James Joyce ở Paris. "Như vậy là một nửa thế giới nói tiếng Anh đã đầu hàng. Nửa còn lại sẽ theo sau", ông nói.
Một trăm cuốn Ulysses đã được xuất bản vào tháng 1/1934 để có được bản quyền của Mỹ. Đây là lần xuất bản hợp pháp đầu tiên của tác phẩm ở bất kỳ quốc gia nói tiếng Anh nào.
Tạp chí Time đưa James Joyce lên trang bìa. Trong bài viết đi kèm, Time viết "Tuần trước, một du khách bền bỉ, nổi tiếng thế giới nhưng bị ruồng bỏ từ lâu, đã hạ cánh an toàn và bình yên trên bờ biển Mỹ. Tên anh ấy là Ulysses".
Chính phủ quyết định kháng cáo. Trong phiên phúc thẩm, để đánh vào cảm xúc của chủ tọa, bên công tố viên đã dành nhiều thời gian đọc to 25 đoạn tục tĩu trong tác phẩm. Song tòa đánh giá Ulysses là "đóng góp rất đáng chú ý cho nền văn học" và những phần bị cho là khiêu dâm tục tĩu "không đủ để lên án" nó.
Lần hai thua kiện, song chính phủ Mỹ không kháng cáo lên Tòa Tối cao. Vụ án chính thức được đóng lại. Tác giả và nhà xuất bản cảm thấy được giải phóng.
Vụ kiện mang tên United States v. One Book Called Ulysses - Nước Mỹ kiện một cuốn sách mang tên Ulysses, sau này trở thành phiên tòa nổi tiếng nhất lịch sử ngành xuất bản Mỹ.
James Joyce đã đề tặng trong cuốn sách gửi cho luật sư Morris Ernst: "Gửi Morris Ernst, người bảo vệ dũng cảm và làm nên chiến thắng của cuốn sách này ở Mỹ, kính tặng ngài để ghi nhận một cách kính trọng, James Joyce, ngày 5/10/1934".
Hơn 100 năm sau khi ra đời, Ulysses vẫn thống trị trong mọi bảng xếp hạng những cuốn sách hay nhất mọi thời đại, là một trong những tác phẩm quan trọng nhất của văn học chủ nghĩa hiện đại.
Người hâm mộ James Joyce và Ulysses trên toàn thế giới hằng năm đều làm lễ kỷ niệm linh đình vào ngày 16/6, mốc thời gian diễn ra câu chuyện trong tiểu thuyết, lấy tên là Bloomsday - Ngày rực rỡ.
Hải Thư (Theo The Guardian, Irish Central, British Library)
Xem thêm: lmth.4260164-mad-ueihk-cam-nag-ib-sessylu-coh-nav-cat-teik-ohc-nao-iaig-neik-uv/ten.sserpxenv