Thị trường rũ bỏ cảnh lình xình của các phiên trước khi lực cầu nhập cuộc đã khiến VN-Index tăng tới hơn 11 điểm cùng loạt cổ phiếu nhuộm tím cuối phiên.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 29/5, VN-Index tăng 11,22 điểm, tương đương 1,05% lên 1.074,98 điểm. Toàn sàn có 324 mã tăng, 69 mã giảm và 53 mã đứng giá.
HNX-Index tăng 2,67 điểm, tương đương 1,23% lên 220,31 điểm. Toàn sàn có 148 mã tăng, 55 mã giảm và 42 mã đứng giá. UPCoM-Index tăng 0,55 điểm lên 81,13 điểm. Riêng rổ VN30 ghi nhận 23 mã tăng giá.
Tổng giá trị khớp lệnh trong phiên đạt 16.271 tỷ đồng, tăng 22% so với phiên trước, trong đó, giá trị khớp lệnh riêng sàn HoSE đạt 13.788 tỷ đồng, tăng 26%. Tại nhóm VN30, thanh khoản đạt 3.930 tỷ đồng.
Nhận định đầu tư
Chứng khoán VCBS: Trong trường hợp tích cực, VN-Index cần phải có được thêm phiên giao dịch tăng điểm tốt để vượt thuyết phục khỏi khu vực kháng cự 1.075 trong ngắn hạn để có thể kỳ vọng vào một nhịp tăng dài hơi hơn hướng lên vùng 1.100.
Do đó, VCBS khuyến nghị các nhà đầu tư có thể tận dụng nhưng nhịp rung lắc điều chỉnh trong phiên để giải ngân và gia tăng tỉ trọng đối với những cổ phiếu thuộc các nhóm ngành thu hút được dòng tiền như chứng khoán, hóa chất, xây dựng.
Chứng khoán Yuanta: Nhóm phân tích cho rằng thị trường có thể sẽ tiếp tục đà tăng và chỉ số VN-Index có thể sẽ kiểm định lại vùng kháng cự 1.080 – 1.085 điểm trong phiên tới.
Đồng thời, đồ thị giá của chỉ số VN-Index có dấu hiệu thoát khỏi mô hình tam giác (dạng mô hình tiếp diễn) cho thấy đồ thị giá có thể sẽ tiếp tục xu hướng tăng ngắn hạn và hướng về các mức cao hơn. Ngoài ra, chỉ báo tâm lý nhà đầu tư tăng mạnh trở lại cho thấy các nhà đầu tư đã lạc quan hơn và giảm sự thận trọng.
Xu hướng ngắn hạn của thị trường chung vẫn duy trì ở mức TĂNG. Do đó, Yuanta khuyến nghị các nhà đầu tư ngắn hạn có thể tiếp tục nắm giữ danh mục hiện tại và hạn chế mở rộng quy mô danh mục, đặc biệt các nhà đầu tư ngắn hạn nên hạn chế mua đuổi nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ.
Chứng khoán TPS: VN-Index đã có một phiên tăng điểm với mức tăng lớn nhất trong gần 1 tháng trở lại đây cùng khối lượng giao dịch bùng nổ trở lại cho thấy dòng tiền đã tìm về thị trường đặc biệt là dòng tiền của nhóm khối ngoại.
Với đà tăng này, chỉ số chung một lần nữa tiến gần kháng cự quan trọng quanh mức 1.080 điểm (đỉnh liền kề và đường SMA 200 ngày). Trong trường hợp có thể thành công trở lại trên đường MA quan trọng này kể từ tháng 4/2022, thị trường sẽ gỡ bỏ được tâm lý bi quan và hướng đến các mức cao khác.
Tin vắn chứng khoán
- Lạm phát vẫn ở mức cao trong tháng 4/2023 và có thể củng cố cho quan điểm lãi suất có thể ở mức cao trong khoảng thời gian dài hơn. Chỉ số chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) – vốn theo dõi rổ hàng hóa, dịch vụ và có điều chỉnh theo sự thay đổi hành vi của người tiêu dùng – tăng 0,4% so với tháng trước đó và 4,4% so với cùng kỳ, cao hơn mức 4,2% của tháng 3/2023.
Nếu loại trừ thực phẩm và năng lượng, PCE lõi – thước đo lạm phát yêu thích của Fed – tăng 0,4% so với tháng trước, cao hơn dự báo tăng 0,3% của các chuyên gia. Nếu so với cùng kỳ, chỉ số này tăng 4,7%, cũng cao hơn dự báo 0,1 điểm phần trăm, Bộ Thương mại Mỹ cho biết.
- Theo Báo cáo của Tổng cục Thống kê, giá lương thực, thực phẩm tăng, giá điện, nước sinh hoạt tăng do thời tiết nắng nóng kéo dài là những nguyên nhân chính làm CPI tháng 5/2023 tăng 0,01% so với tháng trước đó. Bình quân 5 tháng đầu năm 2023, CPI tăng 3,55% so với cùng kỳ; lạm phát cơ bản tăng 4,83%.