Du lịch văn hóa là một trong 13 ngành công nghiệp văn hóa được xác định trong Chiến lược các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Trong đó, hiệu quả của quảng bá du lịch qua phim ảnh là điều dễ nhận thấy.
Con đường nhanh nhất, hiệu quả nhất
Thực tế, sự kết hợp giữa điện ảnh và du lịch đã mang lại những hiệu quả bất ngờ. Cơn sốt về vẻ đẹp của Việt Nam trong tác phẩm của Netflix là "A Tourist’s Guide to love - Hành trình tình yêu của khách du lịch" đã tạo hiệu ứng rất tốt cho du lịch Việt Nam.
Hình ảnh Việt Nam xuất hiện trên đường phố Mỹ thông qua trailer phim tại Quảng trường Thời Đại - Time Square (New York) và tại góc đại lộ Sunset và Shelbourne. Nam diễn viên chính của bộ phim Scott Ly hào hứng bày tỏ hy vọng người nước ngoài sẽ muốn đến Việt Nam du lịch sau khi xem bộ phim này.
Du khách tìm đến Ninh Bình ngày càng nhiều sau bộ phim “Kong: Skull Island” năm 2017
Trước "A Tourist’s Guide to love", nhiều bộ phim nước ngoài đã được quay tại Việt Nam như: "Người tình" ("L’Amant", 1991), "Đông Dương" ("Indochine", 1992) của điện ảnh Pháp, sau đó là "Người Mỹ trầm lặng" ("The Quiet American", 2002), "Kong: Đảo đầu lâu" ("Kong: Skull Island", 2017) của điện ảnh Mỹ… đã mang nhiều du khách quốc tế đến Việt Nam.
Với điện ảnh trong nước, bà Nguyễn Thị Thu Hà, Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh, cho biết sau khi bộ phim "Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh" chinh phục khán giả, Phú Yên, nơi được chọn làm bối cảnh chính trong phim, đã trở thành một điểm đến của nhiều du khách, lượng du khách đến Phú Yên tăng 30% so với trước đó. "Chuyện của Pao" với hình ảnh núi non hùng vĩ, sông nước thơ mộng, con người nồng hậu của Hà Giang cũng đã khiến địa điểm này trở thành một điểm tham quan của nhiều du khách.
Trong khi đó, sự đóng góp của "Mắt biếc" với ngành du lịch Huế là điều không bàn cãi. Rất nhiều người đã tìm đến bối cảnh phim tại cố đô Huế để ghi lại những hình ảnh của mình. Những địa điểm các đạo diễn chọn làm bối cảnh trong phim đã thôi thúc du khách tìm đến, góp phần tạo nên làn sóng du lịch.
Theo đánh giá của các chuyên gia, điện ảnh có rất nhiều lợi thế trong phát triển du lịch, đặc biệt là độ phủ sóng rộng rãi, trong khi kinh phí quảng bá thấp hơn nhiều so với các hoạt động xúc tiến khác. Một tác phẩm điện ảnh nổi tiếng hoàn toàn có thể trở thành địa danh của điện ảnh và du lịch.
Ông Hà Văn Siêu, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, nhấn mạnh hoạt động điện ảnh đã tác động tích cực đến nhiều điểm đến. Mối quan hệ qua lại giữa du lịch và điện ảnh đã và đang tạo ra những giá trị mới. Thực tế, cả Việt Nam và thế giới đều cho thấy những bộ phim thành công đã góp phần giúp địa điểm quay phim thành những điểm đến hấp dẫn. Ngược lại, du lịch cũng giúp tạo cảm hứng cho các nhà làm phim.
Tạo sức hút với các đoàn làm phim quốc tế
Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) Tạ Quang Đông thừa nhận hiệu ứng từ một số bộ phim tạo nên những điểm đến có sức hút khó cưỡng là một thực tế. Kinh nghiệm của nhiều quốc gia trên thế giới cho thấy phim ảnh và âm nhạc là con đường để quảng bá hình ảnh đất nước, con người nhanh nhất, hiệu quả nhất. Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Tạ Quang Đông, sự gắn kết giữa điện ảnh và du lịch ở Việt Nam thời gian qua vẫn chỉ là sự ngẫu nhiên, những cái "bắt tay" thật chặt và hiệu quả đến nay vẫn chưa có.
Nói thêm về việc Việt Nam có nhiều lợi thế phát triển du lịch với rất nhiều danh thắng nhưng việc quảng bá các danh thắng Việt Nam ra ngoài biên giới quốc gia chưa đầy đủ, Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL cho rằng chúng ta cần có nhiều cơ chế, chính sách hơn nữa nhằm tạo sức hút với các đoàn làm phim trong nước và quốc tế.
Đó là cơ sở vật chất hiện đại, chính sách ưu đãi như hỗ trợ địa điểm, lưu trú, đơn giản hóa các thủ tục cấp phép, ưu đãi các đoàn làm phim được vay vốn với lãi suất thấp… "Cần thúc đẩy mạnh mẽ hơn sự gắn kết thương hiệu điện ảnh Việt Nam với du lịch" - ông Tạ Quang Đông nhấn mạnh.
Theo ông Tạ Quang Đông, Luật Điện ảnh đã tạo điều kiện thu hút các đoàn làm phim đến khai thác các bối cảnh - từ việc đơn giản hóa thủ tục hành chính xin cấp phép bối cảnh quay tại Việt Nam đến phê duyệt kịch bản. Để tăng thêm sức hút với các đoàn làm phim nước ngoài, cơ quan quản lý chỉ phê duyệt những nội dung cảnh quay tại Việt Nam.
"Để không lãng phí tiềm năng, cần tăng cường các giải pháp quảng bá để thu hút các đoàn làm phim quốc tế. Bên cạnh đó, cũng có rất nhiều nhà làm phim, các đạo diễn tài năng trong nước cần được tạo điều kiện thuận lợi để ngày càng cho ra đời nhiều hơn những bộ phim thu hút người xem" - ông Tạ Quang Đông nói.
Ông Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội - cho rằng sự chuyển đổi mô hình phát triển kinh tế thông qua văn hóa thật sự khích lệ những người yêu văn hóa - nghệ thuật Việt Nam. Điều này sẽ khuyến khích các nghệ sĩ đóng góp công sức cho sự phát triển đất nước bằng chính tài năng của mình.
Ông Bùi Hoài Sơn nhấn mạnh tài năng sáng tạo chính là nguồn lực quan trọng nhất của một đất nước. Ngoài việc đầu tư cho các hạt nhân trong ngành công nghiệp điện ảnh, cần tạo ra một môi trường phù hợp với sự phát triển của các ngành công nghiệp văn hóa bằng hệ thống các chính sách và cơ sở hạ tầng phù hợp.
Khẳng định tầm quan trọng và hiệu quả kết nối giữa điện ảnh và du lịch, trong tháng 6 tới, Bộ VH-TT-DL sẽ phối hợp với tỉnh Khánh Hòa tổ chức "Diễn đàn liên kết các thương hiệu du lịch". Nhiều đại biểu trong nước và quốc tế là các nhà sản xuất, đạo diễn, diễn viên, người làm chương trình… sẽ tham dự diễn đàn này cùng đại diện lãnh đạo nhiều tỉnh, thành trong cả nước.
Điểm nhấn của diễn đàn là 2 hội thảo với các nội dung về cơ chế, chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho các đoàn làm phim, kinh nghiệm quốc tế thúc đẩy kết nối điện ảnh - du lịch. Khánh Hòa cũng sẽ đưa ra nhiều chính sách nhằm kích cầu, thu hút các đoàn làm phim.
Theo đánh giá của các chuyên gia, với việc mở rộng cửa cùng nhiều cơ chế ưu đãi cho các đoàn làm phim quốc tế cùng những lợi thế sẵn có về thiên nhiên, con người, Việt Nam hoàn toàn có cơ hội trở thành một phim trường quốc tế trong thời gian tới.
Đề xuất cấp thị thực ngay tại cửa khẩu
Sau khi Báo Người Lao Động phản ánh các bài viết "Bàn giải pháp thu hút khách quốc tế" xung quanh Nghị quyết 82/NQ-CP của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững, ông Hoàng Nhân Chính - Trưởng Ban Thư ký, Hội đồng Tư vấn du lịch (TAB) - cho biết đã có văn bản góp ý dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, Xuất cảnh, Quá cảnh, Cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.
Theo đó, để phục hồi du lịch Việt Nam cần giải pháp trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn, TAB đề xuất xem xét bổ sung quy định miễn thị thực đơn phương 30 ngày trên cơ sở đề xuất của Bộ VH-TT-DL cho khách tham gia một số loại hình du lịch đặc biệt như du lịch golf, du lịch bằng máy bay chuyên cơ hoặc các sự kiện đặc biệt như tham dự giải đấu thể thao, diễn đàn, hội chợ du lịch cấp quốc gia...
Bên cạnh đó, hiện nay xu hướng đi du lịch cá nhân ngày càng nhiều, việc yêu cầu du khách phải có đơn xin cấp thị thực tại cửa khẩu quốc tế làm phát sinh thêm dịch vụ, gây phiền toái và chưa phù hợp với thông lệ quốc tế. Vì vậy, TAB đề xuất xem xét cấp thị thực tại cửa khẩu với thời hạn tạm trú 30 ngày và có giá trị một lần trên cơ sở xét duyệt nhân sự tại chỗ cho cả khách lẻ đi du lịch tự do và khách du lịch theo đoàn.
L.Giang
Đẩy mạnh phát triển du lịch nông thôn
UBND TP Cần Thơ vừa ban hành kế hoạch về việc triển khai thực hiện chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới đến năm 2025. Theo đó, đến năm 2025, TP Cần Thơ phấn đấu có ít nhất một điểm du lịch nông thôn được công nhận, gắn với lợi thế về nông nghiệp, văn hóa, làng nghề hoặc môi trường sinh thái của địa phương; 50% cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch nông thôn được công nhận đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch; đẩy mạnh phát triển du lịch nông thôn gắn với quá trình chuyển đổi số; ít nhất 50% điểm du lịch nông thôn được công nhận, số hóa và kết nối trên trang quảng bá, xúc tiến du lịch bằng công nghệ số...
Mục tiêu chung của chương trình nhằm hướng tới đẩy mạnh phát triển du lịch nông thôn gắn với phát huy tiềm năng, lợi thế về nông nghiệp, làng nghề, văn hóa và môi trường sinh thái của các địa phương.
C.Tuấn
Xem thêm: mth.55412421292503202-hna-neid-gnab-hcil-ud-neirt-tahp/et-hnik/nv.moc.dln