Quyết định của lực lượng thi hành án làm khổ dân
Ông Đinh Ngọc Chính bức xúc về việc ông không phải là người phải thi hành án nhưng lại bị Chi cục Thi hành án dân sự (THADS) Q.4 (TP.HCM) ra quyết định ngăn chặn đối với căn nhà của hai vợ chồng ông. Ông Chính đã tìm nhiều cách để đề nghị cơ quan này hủy bỏ lệnh ngăn chặn, nhưng bất thành.
Theo ông Chính, cách đây 10 năm, khi đó ông còn là người đại diện theo pháp luật của Công ty TNHH MTV miền Nam T.B.H (viết tắt Công ty T.B.H). Thời điểm đó, Công ty T.B.H có tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa với Công ty TNHH H.H (viết tắt Công ty H.H) nên đã bị kiện ra tòa.
Năm 2013, TAND Q.4 ra quyết định công nhận thỏa thuận của các đương sự. "Người đại diện theo pháp luật của bị đơn Công ty T.B.H đồng ý thanh toán cho nguyên đơn Công ty H.H 370 triệu đồng", quyết định của tòa nêu.
Đến năm 2018, ông Chính nghỉ hưu nên đã chấm dứt hợp đồng lao động với Công ty T.B.H. Bỗng dưng 4 năm sau, kể từ ngày nghỉ hưu, ông nhận được quyết định của Chi cục THADS Q.4 về việc tạm dừng đăng ký, chuyển quyền sử dụng, thay đổi hiện trạng căn nhà của vợ chồng ông đang sinh sống tại Q.4.
"Tôi làm thuê cho Công ty T.B.H, chứ không liên quan gì đến khoản nợ của công ty. Thời điểm đó, tôi chỉ là người đại diện pháp luật cho công ty để thỏa thuận với Công ty H.H, chứ không phải là người gánh nợ thay. Dựa vào đâu mà cơ quan thi hành án lại ngăn chặn căn nhà của vợ chồng tôi?", ông Chính bức xúc.
"HẾT QUYỀN KHIẾU NẠI"
Sau đó, ông Chính liên hệ với cơ quan thi hành án để yêu cầu gỡ bỏ lệnh ngăn chặn căn nhà của vợ chồng ông. Cho rằng bản án tòa tuyên chưa rõ ràng, nên tháng 8.2022, Chi cục THADS Q.4 có công văn đề nghị tòa giải thích quyết định thỏa thuận về số tiền 370 triệu đồng giữa hai công ty.
Ngay sau đó, TAND Q.4 trả lời "người phải thi hành án là Công ty T.B.H", tức không phải ông Chính. Mặc dù tòa đã giải thích rõ ràng như trên, nhưng Chi cục THADS Q.4 vẫn không gỡ lệnh ngăn chặn, khiến cuộc sống của gia đình ông thêm khó khăn.
Ông Chính bị tai nạn giao thông, sức khỏe yếu, đi lại khó khăn. Hằng tháng vẫn phải tới bệnh viện để lấy thuốc uống. Để mưu sinh, vợ chồng ông Chính sống nhờ vào việc giữ xe cho chung cư.
Trước đó, ông Chính đã phải thế chấp cả căn nhà, nay đến kỳ đáo hạn nhưng không có tiền trả, buộc phải thế chấp lại. Tuy nhiên, vì vướng quyết định ngăn chặn của cơ quan thi hành án nên ngân hàng đã từ chối yêu cầu này.
Quá bức xúc về việc làm của cơ quan thi hành án nên ông Chính đã làm đơn khiếu nại. Tuy nhiên, Chi cục trưởng Chi cục THADS Q.4 lại ra thông báo không thụ lý với lý do "thời hiệu khiếu nại đã hết". Bởi theo cơ quan này, thời hiệu khiếu nại chỉ có 10 ngày, kể từ ngày ông Chính nhận được quyết định ngăn chặn, nhưng mãi hơn tháng 4 sau ông mới khiếu nại.
Hết cách, ông Chính tiếp tục gửi đơn đến nhiều nơi nhưng cũng chỉ nhận được phiếu chuyển đơn. "Tôi đâu phải là người phải thi hành án. Việc ngăn chặn sai gây thiệt hại lớn cho tôi và gia đình. Giờ tôi không biết phải làm sao", ông Chính tỏ ra bất lực.
"CHI CỤC THADS Q.4 NGĂN CHẶN NHÀ SAI PHÁP LUẬT"
Để tìm hiểu về vụ việc trên, PV Báo Thanh Niên đã liên hệ tới lãnh đạo Cục THADS TP.HCM.
Lý giải về việc cấp dưới ngăn chặn căn nhà của ông Chính, Phó cục trưởng Cục THADS TP.HCM Nguyễn Huy Hoàng thông tin kết quả xác minh cho thấy Công ty T.B.H chưa giải thể, không có tài sản. Theo quyết định của tòa án Q.4, thì người đại diện pháp luật của công ty này đồng ý thanh toán cho Công ty H.H số tiền là 370 triệu đồng.
Từ những cơ sở trên, chấp hành viên đã tiến hành làm việc và xác minh điều kiện thi hành án của ông Đinh Ngọc Chính với tư cách là cá nhân phải thi hành án. Tuy nhiên, theo quyết định của tòa án Q.4 và văn bản giải thích bản án, thì Công ty T.B.H là người phải thi hành án, có nghĩa vụ thanh toán cho Công ty H.H số tiền là 370 triệu đồng.
"Chi cục THADS Q.4 đã ra biện pháp ngăn chặn căn nhà của vợ chồng ông Chính là không phù hợp với quy định của pháp luật về THADS", vị lãnh đạo Cục THADS TP.HCM khẳng định.
Ông Huy Hoàng cũng cho biết thêm chấp hành viên đã ban hành quyết định chấm dứt việc tạm dừng đăng ký, chuyển quyền sở hữu, sử dụng, thay đổi hiện trạng căn nhà của vợ chồng ông Đinh Ngọc Chính
(còn tiếp)
Trao đổi với Báo Thanh Niên, luật sư Lê Văn Hoan (Đoàn luật sư TP.HCM) phân tích có thể cơ quan thi hành án đã hiểu sai chủ thể phải thi hành án từ pháp nhân thành cá nhân.
Quyết định của tòa án nêu: "Người đại diện theo pháp luật của bị đơn Công ty T.B.H đồng ý thanh toán cho nguyên đơn Công ty H.H 370 triệu đồng". Nghĩa là ông Chính đại diện cho pháp nhân, chứ không phải cá nhân ông. Người đại diện pháp nhân có thể thay đổi khi doanh nghiệp đăng ký thay đổi người đại diện. Họ thực hiện giao dịch trên cơ sở quyền, nghĩa vụ pháp nhân thì pháp nhân chịu trách nhiệm.
"Chỉ khi nào cá nhân ông Chính đứng ra cam kết trả nợ, thì lúc này ông ấy mới là người phải thi hành án", luật sư Hoan nhấn mạnh.
Cũng theo luật sư Hoan, nếu cho rằng quyết định ngăn chặn gây ra thiệt hại, thì ông Chính có quyền yêu cầu bồi thường theo điều 7 luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước. Theo đó, người bị thiệt hại do hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ gây ra có thể làm đơn yêu cầu cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hoặc có thể khởi kiện tại tòa án.