Các thiết bị điều khiển từ xa (remote) của nhiều mẫu tivi thông minh tại Việt Nam đều có nút bấm giúp truy cập nhanh đến một số ứng dụng, chương trình phổ biến như Netflix, YouTube...
Tuy nhiên, với thực trạng tin giả, nội dung xấu, độc tràn lan trên YouTube trong thời gian qua, các nút bấm này lại vô tình trở thành công cụ "tiếp tay" lan truyền hành vi vi phạm pháp luật.
Không được tiếp tay cho tin giả, nội dung xấu...
Tại cuộc họp báo tháng 5-2023 của Bộ Thông tin và Truyền thông, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm cho biết đã yêu cầu các nhà sản xuất tham vấn ý kiến của cơ quan quản lý trước khi tích hợp nút truy cập nhanh đến ứng dụng truyền hình trên điều khiển tivi thông minh.
"Nút tắt nào hướng người xem đến ứng dụng vi phạm pháp luật, bộ sẽ yêu cầu gỡ nút, không kích hoạt nội dung và không được cài ứng dụng đó trên tivi thông minh", ông Lâm cho biết.
Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) cũng cho biết đã làm việc với năm nhà sản xuất tivi phổ biến tại Việt Nam gồm Samsung, Sony, LG, Casper, TCL và yêu cầu các nhà sản xuất này không cài đặt sẵn ứng dụng vi phạm pháp luật trên sản phẩm của mình.
Đặc biệt là không cài đặt nút truy cập nhanh đến các ứng dụng đang lan truyền các thông tin giả, nội dung xấu, độc.
Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 29-5, đại diện Công ty điện tử LG Việt Nam khẳng định "hoàn toàn đồng ý và ủng hộ việc ngăn chặn những thông tin, nội dung xấu, giả, độc hại" của cơ quan chức năng Việt Nam.
Theo vị này, các thiết bị điều khiển từ xa tivi thông minh của hãng hiện nay đều không tích hợp nút bấm trực tiếp YouTube mà chỉ có các nút bấm trực tiếp chương trình như FPT Play, Disney, Netflix...
"Nếu có vấn đề về nội dung của các đối tác, LG sẽ chờ thông tin chính thức về việc chỉ đạo, xử lý của các bên của cơ quan ban ngành và kết quả thực hiện từ đơn vị phát hành nội dung.
LG cũng sẽ xem xét tình hình, nếu cần sẽ đàm phán thêm với đối tác về các vấn đề an toàn nội dung để luôn chấp hành theo quy định của cơ quan chức năng và pháp luật", vị này cho biết.
Trước đó, năm 2019 Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã yêu cầu Samsung, LG, Sony và TCL vô hiệu hóa tính năng truy cập nhanh vào ứng dụng xem phim Netflix với điều khiển từ xa trên các sản phẩm tivi thông minh.
Trong thực tế, dù chính thức cung cấp dịch vụ tại thị trường Việt Nam nhưng Netflix vẫn chưa chấp hành nghiêm quy định của Việt Nam về quản lý nội dung và dịch vụ.
Trong khi đó, việc tích hợp cố định nút truy cập ứng dụng dịch vụ Netflix trên điều khiển từ xa vô hình trung đã quảng bá rộng rãi cho dịch vụ này.
Cần hệ thống phát hiện tự động nội dung xấu, độc...
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Huỳnh Long Thủy, tổng giám đốc Công ty Vieon (cung cấp nền tảng dịch vụ giải trí), cho rằng bên cạnh ngăn chặn bằng cách gỡ bỏ hoặc vô hiệu hóa chức năng truy cập nhanh các nút tắt trên điều khiển từ xa, cơ quan chức năng còn có thể yêu cầu các nhà mạng chặn truy cập đến các ứng dụng, dịch vụ vi phạm pháp luật, kể cả các ứng dụng xuyên biên giới.
Đặc biệt, cần có một sự công bằng cho các kênh truyền hình, nền tảng trong nước đúng pháp luật.
"Chúng ta có hệ thống kênh truyền hình thiết yếu nhưng người dân bình thường chưa chắc đã biết nó nằm đâu trên các tivi thông minh. Trong khi các nền tảng xuyên biên giới đang vi phạm pháp luật lại dễ dàng tìm thấy trên điều khiển tivi.
Do đó, cơ quan chức năng cần tạo điều kiện, thậm chí yêu cầu các hãng sản xuất tivi tại Việt Nam có thể đưa các kênh truyền hình thiết yếu cũng như các nền tảng trong nước xuất hiện trên điều khiển tivi để người dân dễ tiếp cận", ông Thủy đề xuất.
Theo ông Vũ Ngọc Sơn, giám đốc công nghệ Công ty an ninh mạng NCS, YouTube đã từng bị chặn truy cập tại một số nước như Đức, Brazil, Thái Lan, Pakistan... nhằm bắt buộc nhà cung cấp dịch vụ toàn cầu này phải gỡ bỏ các video có nội dung vi phạm pháp luật hoặc không phù hợp với văn hóa bản địa.
Sau khi xử lý các nội dung vi phạm, YouTube mới được cho phép cung cấp dịch vụ trở lại. Vì vậy, theo ông Sơn, việc đưa ra một lệnh cấm cho một dịch vụ không tuân thủ pháp luật là hoàn toàn khả thi.
Tuy nhiên, ông Sơn cho rằng điều quan trọng là sau khi xử lý các video vi phạm, nhà cung cấp dịch vụ phải đảm bảo không tái diễn các vụ việc tương tự trong tương lai.
Điều này đòi hỏi nhà cung cấp dịch vụ phải có biện pháp kỹ thuật để chủ động ngăn chặn, loại bỏ các video xấu độc, đồng thời phải cung cấp cơ chế để nhanh chóng xử lý video theo yêu cầu của cơ quan quản lý.
"Phía cơ quan quản lý cũng cần xây dựng hệ thống giám sát, kiểm tra, phát hiện tự động các nội dung xấu độc để thông báo cho nhà cung cấp dịch vụ sớm nhất", ông Sơn đề xuất.
Phải có giấy phép cung cấp dịch vụ
Theo nghị định của Chính phủ về quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ phát thanh, truyền hình có hiệu lực từ đầu năm 2023, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truyền hình theo yêu cầu trên mạng Internet, trong đó có dịch vụ xuyên biên giới, thuộc nhóm phải có giấy phép cung cấp dịch vụ phát thanh, truyền hình trả tiền.
Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết đã có văn bản yêu cầu các dịch vụ xuyên biên giới như Netflix, Apple, Amazon, Tencent và IQIYI có kế hoạch thực hiện thủ tục đề nghị cấp giấy phép.
Tivi phải cài app báo chí chính thống
Chia sẻ tại cuộc họp báo thường kỳ tháng 5 của Bộ Thông tin và Truyền thông, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm cho biết Bộ Thông tin và Truyền thông đã nhận thức rõ thực trạng trên nhiều ứng dụng xem truyền hình được cài đặt sẵn trên giao diện trang chủ màn hình và cả các ứng dụng được tích hợp thành phím bấm trên điều khiển tivi thông minh là những ứng dụng chưa tuân thủ đầy đủ, thậm chí vi phạm pháp luật Việt Nam.
Theo ông Lâm, khi làm việc với các nhà sản xuất tivi lớn, Bộ Thông tin và Truyền thông đề nghị các doanh nghiệp này tham vấn ý kiến của cơ quan quản lý nhà nước về phát thanh, truyền hình và báo chí trước khi tích hợp bất cứ phím nào trên điều khiển tivi.
Nếu phím nào hướng người dùng, người xem đến những ứng dụng xem vi phạm pháp luật, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ yêu cầu dừng tích hợp, gỡ bỏ, không kích hoạt nội dung đó, không được cài ứng dụng đó trên nền tảng tivi thông minh.
"Ngược lại, các nhà sản xuất tivi cũng cần cài những ứng dụng liên quan đến báo chí chính thống, tạo điều kiện cho người xem truy cập bằng việc tích hợp sẵn phím cứng trong các phiên bản tivi sản xuất sắp tới để bấm xem được truyền hình, phát thanh, báo chí ở Việt Nam một cách dễ dàng, thuận tiện", ông Lâm nói.
Bộ Thông tin và Truyền thông cũng cho biết đang phối hợp với VTV và VOV để xây dựng, hoàn thiện các nền tảng truyền hình và phát thanh số quốc gia.
Trong đó, nền tảng VTVgo đã được nâng cấp, không còn chỉ là ứng dụng truyền hình số của VTV mà trở thành nền tảng số của truyền hình ở Việt Nam.
Từ ngày 19-1, VTVgo đã tích hợp đầy đủ bảy kênh truyền hình thiết yếu quốc gia và đang tích hợp với tốc độ rất nhanh các kênh truyền hình địa phương lên trên đó để thành nền tảng số quốc gia duy nhất về truyền hình.
Đầu năm 2023, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã có văn bản yêu cầu các doanh nghiệp nhập khẩu, sản xuất và phân phối tivi thông minh tại Việt Nam phải tuân thủ các quy định mới của nghị định 71 về quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ phát thanh, truyền hình.
Cụ thể, các doanh nghiệp rà soát tính pháp lý của các ứng dụng xem truyền hình đang cài đặt sẵn trên trang chủ màn hình sản phẩm hoặc đã tích hợp thành phím bấm trên điều khiển để đảm bảo không vi phạm các quy định của pháp luật Việt Nam.
Bên cạnh đó, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã đề nghị các doanh nghiệp sản xuất tivi có kế hoạch sẵn sàng cài đặt trên trang chủ màn hình và tích hợp phím bấm truy cập ứng dụng xem truyền hình số quốc gia trên tivi thông minh khi cơ quan có thẩm quyền chính thức phê chuẩn và công bố.
THANH HÀ