Ngày 30-5, Thủ tướng đã ban hành quyết định phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án "Tuyến đường sắt đô thị thí điểm thành phố Hà Nội, đoạn Nhổn - ga Hà Nội" (còn gọi là metro Nhổn - ga Hà Nội).
Theo đó, xét đề nghị của UBND TP Hà Nội, ý kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Thủ tướng quyết định điều chỉnh thời gian thực hiện dự án metro Nhổn - ga Hà Nội từ năm 2009 - 2027.
Điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án thành 34.826 tỉ đồng (tăng thêm 1.916 tỉ đồng, trong đó vốn đối ứng ngân sách TP Hà Nội tăng gần 3.896 tỉ đồng, vốn vay ODA giảm gần 1.980 tỉ đồng).
Thủ tướng giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với UBND TP Hà Nội và các cơ quan liên quan khẩn trương hoàn chỉnh thủ tục điều chỉnh các hiệp định vay vốn với các nhà tài trợ cho dự án metro Nhổn - ga Hà Nội.
UBND TP Hà Nội có nhiệm vụ thực hiện thủ tục lập, thẩm định và phê duyệt điều chỉnh dự án bảo đảm tổng mức đầu tư, vốn vay ODA, vốn ngân sách đối ứng của TP Hà Nội không vượt mức vốn được phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án;
Chịu trách nhiệm về các chi phí phát sinh do gia hạn thời gian thực hiện, nguồn vốn thực hiện dự án trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, trường hợp không hoàn thành đúng thời hạn, chịu trách nhiệm bố trí các nguồn vốn khác để thực hiện các hạng mục chưa hoàn thành…
- Tham khảo thêm
Dự án metro Nhổn - ga Hà Nội dài 12,5km, trong đó 8,5km đi trên cao, 4km đi ngầm, 8 ga trên cao, 4 ga ngầm, 1 depot. Dự án khởi công ngày 25-9-2010 với mục tiêu cuối năm 2015 hoàn thành, đưa vào sử dụng giai đoạn 1.
Do nhiều nguyên nhân khiến dự án metro Nhổn - ga Hà Nội chậm trễ. Lần gần đây nhất vào tháng 12-2018 Thủ tướng đã điều chỉnh tiến độ dự án.
UBND TP Hà Nội từng điều chỉnh tiến độ khai thác đoạn trên cao của metro Nhổn - ga Hà Nội vào tháng 4-2021, khai thác toàn tuyến vào cuối năm 2022 nhưng mục tiêu này đã vuột qua.
Theo Ban quản lý đường sắt đô thị Hà Nội (MRB), metro Nhổn - ga Hà Nội là dự án lớn và phức tạp, được áp dụng công nghệ và tiêu chuẩn mới của nước ngoài, trong quá trình thực hiện, dù đã và đang không ngừng nỗ lực, dự án vẫn gặp phải những khó khăn nhất định dẫn đến phải điều chỉnh.
Trong đó các lý do được đặt ra là giải phóng mặt bằng phức tạp kéo dài; sự phối hợp giữa tư vấn, chủ đầu tư và các sở ngành liên quan chưa hiệu quả; năng lực của nhà thầu Hancorp (gói thầu CP05 - công trình kiến trúc depot) còn hạn chế;
Các vướng mắc liên quan đến sự khác biệt giữa quy định của hợp đồng FIDIC và pháp luật Việt Nam; quy định, thủ tục giao kế hoạch vốn ODA của Việt Nam và quy định của các nhà tài trợ chưa kịp thời;
Các vướng mắc quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức, đơn giá, giá vật tư, thiết bị chuyên ngành đường sắt đô thị; do ảnh hưởng nghiêm trọng bởi đại dịch COVID-19.
UBND TP Hà Nội vừa báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc xin điều chỉnh thời gian đưa vào khai thác, vận hành đoạn trên cao dự án metro Nhổn - ga Hà Nội vào tháng 8-2023, thay vì cuối năm 2022 như kế hoạch yêu cầu.