Hiện Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và các chủ đầu tư đã hoàn thành đàm phán giá, ký hợp đồng mua bán điện (PPA) với 40/48 dự án điện mặt trời, điện gió đã gửi hồ sơ đàm phán.
Điện mặt trời Phù Mỹ được bán điện toàn bộ dự án
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online sáng 31-5, đại diện Tập đoàn Bamboo Capital (BCG) cho biết do có hồ sơ pháp lý dự án rõ ràng, đáp ứng đầy đủ các quy định, Nhà máy điện mặt trời Phù Mỹ của BCG tại Bình Định đã "về đích" khi trở thành dự án chuyển tiếp được công nhận vận hành thương mại (COD) sớm nhất trong các dự án chuyển tiếp.
Theo vị này, việc khẩn trương đàm phán và huy động các nhà máy điện năng lượng tái tạo chuyển tiếp sẽ giúp tăng công suất cho hệ thống điện quốc gia, nhất là trong giai đoạn cao điểm mùa khô.
Được khởi công vào tháng 5-2020, Nhà máy điện mặt trời Phù Mỹ có quy mô lớn nhất khu vực miền Trung với công suất 330MW, tổng mức đầu tư hơn 6.500 tỉ đồng.
Ngày 31-12-2020, Nhà máy điện mặt trời Phù Mỹ đã đưa vào khai thác thương mại 216MW trên tổng công suất 330MW, với giá 7,09 cent/kWh trong 20 năm.
Sau hơn 2 năm chờ cơ chế giá cho các dự án chuyển tiếp, 114MW còn lại của Nhà máy điện mặt trời Phù Mỹ đã chính thức được công nhận vận hành thương mại vào ngày 30-5.
Với tổng công suất 330MW, Nhà máy điện mặt trời Phù Mỹ tạo ra sản lượng điện khoảng 520 triệu kWh/năm, tương đương mức sử dụng của 200.000 hộ dân, đồng thời giúp giảm phát thải khoảng 146.000 tấn CO2.
Theo EVN, đến hết ngày 30-5, đã có 5 nhà máy điện mặt trời được công nhận vận hành thương mại. Trong đó, có 3 dự án đã được công nhận vận hành thương mại một phần hoặc toàn nhà máy, với tổng công suất 216,22MW, bao gồm: Thiên Tân 1.2, Thiên Tân 1.3, Trung Nam.
Tuy nhiên, đây đều là những phần nhà máy đã vận hành thương mại từ trước năm 2021, do chưa có giá điện nên phải ngừng mua, đến nay huy động lại.
Riêng 2 nhà máy của BCG đã được công nhận vận hành thương mại đầu tiên trong nhóm các dự án chuyển tiếp. Cả 5 nhà máy điện tái tạo đã vận hành thương mại kể trên đều là các dự án điện mặt trời.
Sắp có hàng chục dự án hòa lưới
Theo EVN, tính đến 19h30 ngày 30-5, có 59/85 dự án điện tái tạo chuyển tiếp với tổng công suất hơn 3.389MW đã gửi hồ sơ cho Công ty Mua bán điện để đàm phán giá, hợp đồng mua bán điện.
Trong đó, có 48 dự án đã đề nghị giá tạm bằng 50% giá trần của khung giá theo quyết định 21.
Hiện EVN và chủ đầu tư đã hoàn thành đàm phán giá và ký tắt hợp đồng mua bán điện với 40/48 dự án. EVN cũng đã có văn bản trình Bộ Công Thương xem xét, thông qua đối với 40/48 chủ đầu tư dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp đề xuất giá tạm.
Như vậy, sau khi Bộ Công Thương xem xét, hàng chục dự án này sẽ đẩy điện lên lưới và mức giá bán điện sẽ tạm tính bằng phân nửa mức giá trần của quyết định 21.
Hiện có 19 dự án đã được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền nghiệm thu công trình hoặc một phần công trình, 26 dự án đã được cấp giấy phép hoạt động điện lực toàn nhà máy hoặc một phần nhà máy và 20 dự án đã có quyết định gia hạn chủ trương đầu tư.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, chủ đầu tư một dự án điện gió cho biết hiện các doanh nghiệp vẫn thiếu nhiều hồ sơ để đàm phán, trong đó gặp khó trong thủ tục gia hạn chủ trương đầu tư, giấy phép hoạt động điện lực…
Trong khi đó, theo EVN, hiện nhiều chủ đầu tư các dự án điện tái tạo vẫn thiếu các thủ tục như chấp thuận kết quả nghiệm thu công trình, giấy phép hoạt động điện lực, quyết định gia hạn chủ trương đầu tư…
Chỉ có 3/43 dự án điện gió, mặt trời chuyển tiếp được công nhận vận hành thương mại (COD) với tổng công suất 216,22 MW, còn lại 40 dự án dù đã có giá tạm nhưng vẫn thiếu nhiều hồ sơ.