"Đối với Kosovo, cuộc tập trận coi như xong", Hãng tin AFP dẫn lời đại sứ Mỹ tại Pristina, ông Jeffrey Hovenier, thông báo việc loại Kosovo khỏi cuộc tập trận Defender 23 ngày 30-5. Cuộc tập trận do Bộ chỉ huy châu Âu của Mỹ lãnh đạo, dự kiến diễn ra từ tháng 4 đến tháng 6, với sự tham gia của hơn 20 quốc gia.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken chỉ trích Thủ tướng Kosovo Albin Kurti về quyết định bổ nhiệm một loạt thị trưởng người sắc tộc Albania tại những khu vực có đông người Serbia sinh sống, "làm gia tăng căng thẳng không cần thiết".
Việc này khiến xung đột bạo lực leo thang ở miền bắc Kosovo thời gian qua. Mới đây, ngày 29-5, đụng độ giữa người biểu tình Serbia với cảnh sát Kosovo và Phái bộ gìn giữ hòa bình do Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đứng đầu tại Kosovo (KFOR) ở thị trấn Zvecan khiến hơn 30 binh sĩ NATO, 52 dân thường bị thương.
Serbia sau đó đặt quân đội trong trạng thái sẵn sàng chiến đấu cao và cảnh báo sẽ hành động nếu người sắc tộc Serbia ở Kosovo bị tấn công lần nữa.
"Chúng tôi kêu gọi tất cả các bên lập tức có hành động hạ nhiệt", Ngoại trưởng Mỹ Blinken nhấn mạnh khi chỉ trích hành động bạo lực "không thể chấp nhận được" nhắm vào lực lượng gìn giữ hòa bình.
Trong khi đó, Liên minh châu Âu cũng kêu gọi giảm căng thẳng ngay lập tức và cảnh báo sẽ có biện pháp phản ứng. NATO cũng tuyên bố sẽ tăng cường thêm 700 binh lính tới Kosovo.
Kosovo là quốc gia với dân số chủ yếu là người Albania. Nước này từng là một tỉnh của Serbia, nhưng đơn phương tuyên bố độc lập năm 2008 sau khi lực lượng NATO do Mỹ dẫn đầu đẩy lùi các lực lượng Serbia khỏi Kosovo vào năm 1999. Đến nay, Serbia không công nhận và vẫn coi đây là một phần lãnh thổ của mình.
TTO - Ngày 6-12, Tổng thống Kosovo Vjosa Osmani tuyên bố đất nước của bà sẽ nộp đơn xin trở thành thành viên của Liên minh châu Âu (EU) vào cuối năm nay, cam kết đàm phán với Serbia để giải quyết những khác biệt còn tồn tại.