Bất ngờ doanh nghiệp Việt mới gia nhập thị trường cao kỷ lục
Hùng Lê
(KTSG Online) - Số doanh nghiệp thành lập mới trong bốn tháng đầu năm nay là 44.166 doanh nghiệp, tăng 17,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là số doanh nghiệp thành lập mới cao nhất trong giai đoạn bốn tháng đầu năm từ trước đến nay.
Lượng doanh nghiệp Việt mới thành lập trong 4 tháng đầu năm nay ghi nhận kỷ lục mới giữa khó khăn dịch bệnh. Ảnh minh họa: TL. |
Thông tin trên dựa trên báo cáo thống kê mới nhất của Cục Quản lý Đăng ký kinh doanh thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Tình hình phát triển doanh nghiệp khả quan
So sánh với tình hình phát triển doanh nghiệp ảm đạm do ảnh hưởng của dịch Covid-19 trong bốn tháng đầu năm 2020 (số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trong giai đoạn này giảm 13,2% so với cùng kỳ năm 2019), Cục Quản lý Đăng ký kinh doanh nhận định đây là tín hiệu hết sức tích cực.
Theo cơ quan này, sự gia tăng số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tiếp tục thể hiện xu hướng phục hồi của nền kinh tế và niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp đối với triển vọng phát triển kinh tế thời gian tới.
Bên cạnh nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp, những kết quả trên có được là nhờ các biện pháp cải thiện môi trường kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp được thực hiện mạnh mẽ trong thời gian qua.
Theo ghi nhận trong bản Báo cáo “Chương trình cải cách môi trường kinh doanh Việt Nam: Góc nhìn từ doanh nghiệp” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thực hiện, trong 11 lĩnh vực của Nghị quyết 02, lĩnh vực thành lập doanh nghiệp là lĩnh vực được đánh giá cao nhất, với 72,5% số doanh nghiệp đánh giá có sự chuyển biến tốt hoặc rất tốt. Thời gian làm thủ tục đăng ký doanh nghiệp, khởi sự kinh doanh giảm liên tục từ 2014 đến nay và sẽ tiếp tục được cải thiện nhờ các quy định mới ban hành về liên thông thủ tục hành chính. |
Cùng với lượng doanh nghiệp tăng cao, tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong cùng thời gian trên cũng tăng nhiều, Cụ thể trong bốn tháng đầu năm này đạt là 1.420.581 tỉ đồng (tăng 26,1% so với cùng kỳ năm ngoái), trong đó, số vốn đăng ký của doanh nghiệp thành lập mới là 627.721 tỉ đồng (tăng 41% so với cùng kỳ năm ngoái). Đây cũng là số vốn đăng ký mới cao nhất trong giai đoạn bốn tháng đầu năm từ trước đến nay.
Có 14.931 doanh nghiệp đang hoạt động đăng ký tăng vốn trong 4 tháng đầu năm 2021 (tăng 27,2% so với cùng kỳ năm 2020), số vốn đăng ký tăng thêm của các doanh nghiệp đang hoạt động đạt 792.860 tỉ đồng (tăng 16,4% so với cùng kỳ năm ngoái).
Nhiều yếu tố tác động
Có nhiều yếu tố tác động đến tình hình đăng ký doanh nghiệp mới ghi nhận mức kỷ lục của 4 tháng đầu năm nay. Đó là công tác chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 của Chính phủ tiếp tục đạt hiệu quả cao.
Trong quí 1- 2021, tăng trưởng GDP tăng 4,5% so với cùng kỳ năm trước, tương đương với quí 4- 2020. Tuy vẫn thấp hơn so với các năm trước đại dịch, nhưng tốc độ tăng trưởng này đã phản ánh quá trình phục hồi rất tốt của nền kinh tế.
Sản xuất của một doanh nghiệp trong nước. Ảnh minh họa: Lê Hoàng |
Khả năng ứng phó linh hoạt của các doanh nghiệp đối với tình hình dịch bệnh ngày càng cải thiện rõ rệt. Các doanh nghiệp đã chủ động lên kế hoạch ứng phó với dịch bệnh theo nhiều kịch bản khác nhau, qua đó, không chỉ duy trì được hoạt động của doanh nghiệp mà còn giúp cho nền kinh tế không bị suy giảm sâu và sẵn sàng cho quá trình phục hồi.
Theo Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, tình hình chính trị trong nước ổn định, Kỳ họp thứ 11 của Quốc hội khóa XIV đã hoàn thành toàn bộ nội dung chương trình đề ra và thành công tốt đẹp, hệ thống bộ máy nhà nước nhiệm kỳ mới đã được kiện toàn. Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã lan tỏa được tinh thần khởi nghiệp, chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp nhỏ và vừa, định hướng này rất phù hợp với bối cảnh dịch bệnh hiện nay, thúc đẩy gia tăng số lượng doanh nghiệp phát triển theo chiều sâu.
Vốn mức đăng ký bình quân trên một doanh nghiệp trong bốn tháng đầu năm 2021 đạt 14,2 tỉ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo đó, tổng số lao động đăng ký của các doanh nghiệp thành lập mới trong bốn tháng đầu năm là 340.265 lao động, tăng 7,8% so với cùng kỳ năm 2020. |
Theo báo cáo “Triển vọng Kinh tế Thế giới” được công bố ngày 8-4 vừa qua tại phiên khai mạc Hội nghị mùa Xuân của Quỹ Tiền tệ quốc tế và Ngân hàng Thế giới, nền kinh tế của Việt Nam đã có được nền tảng vững vàng khi trong năm 2020, Việt Nam đạt kết quả kinh tế khả quan hơn so với nhiều quốc gia khác trong giai đoạn đại dịch, với mức tăng trưởng GDP 2,9%, nhờ những giải pháp quyết liệt cả về kinh tế và y tế của Chính phủ.
Bên cạnh đó, báo cáo tài chính của các doanh nghiệp dẫn đầu niêm yết trên sàn chứng khoán trong năm 2020 và quí 1- 2021 đều có mức lợi nhuận tăng cao đã tạo niềm tin cho doanh nghiệp mới tham gia vào thị trường.
Tình hình kinh tế vĩ mô có nhiều chuyển biến tích cực cùng với sự hiệu quả trong công tác kiểm soát dịch bệnh, kỳ vọng về triển vọng kinh tế do việc hoàn tất ký kết Hiệp định thương mại tự do và bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và EU (EVFTA và IPA); tiến độ giải ngân và thi công các dự án đầu tư công trọng điểm được đẩy nhanh hơn; làn sóng dịch chuyển đầu tư và thương mại nhằm phân tán rủi ro từ cuộc xung đột thương mại Mỹ - Trung theo Cục Quản lý Đăng ký kinh doanh là những yếu tố đã tác động tích cực đến tình hình đăng ký doanh nghiệp tháng 4 và bốn tháng đầu năm 2021.
Nhiều lĩnh vực tăng cao
Lĩnh vực kinh doanh bất động sản có lượng doanh nghiệp thành lập tăng nhiều nhất trong bốn tháng đầu năm 2021. Ảnh minh họa: Lê Hoàng |
Theo Cục quản lý Đăng ký kinh doanh, số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng ở tất cả các ngành nghề kinh doanh.
Các lĩnh vực có mức đăng ký thành lập mới tăng mạnh là: Kinh doanh bất động sản có 2.727 doanh nghiệp (tăng 56,5%); Y tế và hoạt động trợ giúp xã hội có 329 doanh nghiệp (tăng 41,8%); Hoạt động dịch vụ khác có 433 doanh nghiệp (tăng 37,9%); Giáo dục và đào tạo có 1.282 doanh nghiệp (tăng 32,4%) và Vận tải kho bãi có 2.117 doanh nghiệp (tăng 31,1%).
Trong khi đó, các ngành có số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới chiếm tỷ lệ lớn nhất, gồm: bán buôn; bán lẻ; sửa chữa ô tô, xe máy có gần 14.700 doanh nghiệp (chiếm 33,3%); Xây dựng có 5.737 doanh nghiệp (chiếm 13%) và Công nghiệp chế biến, chế tạo có 5.649 doanh nghiệp (chiếm 12,8%).
Dù số lượng doanh nghiệp thành lập mới hiện vẫn tập trung chủ yếu ở quy mô vốn từ 0 - 10 tỉ đồng với 39.147 doanh nghiệp (chiếm 88,6%, tăng 15,9% so với cùng kỳ năm ngoái), nhưng số doanh nghiệp ở quy mô trên 100 tỉ đồng trong bốn tháng đầu năm nay cũng đang cho thấy chiều hướng tăng cao đạt 644 doanh nghiệp (chiếm 1,5%, tăng 52,2% so với cùng kỳ năm ngoái).
Ngoài ra, theo cơ quan quản lý đăng ký kinh doanh, số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong bốn tháng đầu năm 2021 cũng tăng 8% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 19.256 doanh nghiệp.
Một số lĩnh vực có số lượng doanh nghiệp quay trở lại hoạt động gia tăng mạnh khi kết thúc bốn tháng đầu năm nay như kinh doanh bất động sản tăng 25,4 %, đạt gần 600 doanh nghiệp; sản xuất phân phối, điện, nước, gas tăng 17%, đạt 158 doanh nghiệp.
Có một điểm chú ý khác đó là lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19 như dịch vụ việc làm; du lịch; cho thuê máy móc thiết bị, đồ dùng và các dịch vụ hỗ trợ khác giờ số doanh nghiệp lĩnh vực này quay trở lại hoạt động khá nhiều (có 1.095 doanh nghiệp, chiếm 5,7%, tăng 16,4% so với cùng kỳ năm ngoái.
Hay lĩnh vực khoa học, công nghệ; dịch vụ tư vấn, thiết kế; quảng cáo và chuyên môn khác có 1.340 doanh nghiệp quay trở lại, chiếm 7%, tăng 13,5%.
Tuy nhiên, vẫn có một số lĩnh vực số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động giảm như Tài chính, ngân hàng và bảo hiểm (174 doanh nghiệp, giảm 13% so với cùng kỳ năm ngoái); Nông nghiệp, lâm nghiệp và thuỷ sản (256 doanh nghiệp, giảm 12%); Nghệ thuật, vui chơi và giải trí (163 doanh nghiệp, giảm 3%) và Khai khoáng (168 doanh nghiệp, chiếm 0,9%, giảm 0,6% so với cùng kỳ năm ngoái).
Xem thêm: lmth.cul-yk-oac-gnourt-iht-pahn-aig-iom-teiv-peihgn-hnaod-ogn-tab/378513/nv.semitnogiaseht.www