Theo đó, cơ quan này đưa ra hai phương án tăng lương hưu và trợ cấp hằng tháng. Cụ thể:
Phương án 1, tăng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng được thực hiện từ ngày 1-7-2021, mức tăng 10%
Mức tăng trên theo Bộ LĐ-TB&XH nhằm bù đắp trượt giá để duy trì giá trị khoản lương hưu, trợ cấp của người thụ hưởng do tác động bởi yếu tố lạm phát và chia sẻ một phần thành quả từ phát triển kinh tế của năm 2019 và 2020, do trong năm 2020 không thực hiện điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội.
“Nếu thực hiện theo phương án trên, đối tượng được điều chỉnh từ nguồn ngân sách nhà nước và quỹ bảo hiểm ước hơn 3 triệu người, dự kiến kinh phí tăng thêm trong 6 tháng cuối năm 2021 trên 189 ngàn tỉ đồng…”- Bộ LĐ-TB&XH cho hay.
Người dân nhận lương hưu hàng tháng. Ảnh: V.LONG
Phương án 2, tăng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng được thực hiện từ ngày 1-1-2022 với mức tăng 15%.
Mức tăng này có số đối tượng được điều chỉnh từ nguồn ngân sách nhà nước và quỹ bảo hiểm xã hội ước khoảng 3,1 triệu người. Dự kiến kinh phí tăng thêm trong năm 2022 là trên 215 ngàn tỉ đồng.
Sau khi phân tích các ưu, nhược điểm, Bộ LĐ-TB&XH chọn phương án hai, vì không quá tạo ra áp lực cho ngân sách nhà nước khi tình hình dịch bệnh COVID-19 vẫn diễn ra phức tạp.
Tuy nhiên, trong góp ý của mình, Bộ Tư Pháp cho rằng Nghị quyết số 128/2020 của Quốc hội chưa bố trí nguồn kinh phí để thực hiện việc điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng năm 2021 cũng như năm 2022. Do đó, hai phương án trên còn thiếu cơ sở, căn cứ và chưa đủ điều kiện đảm bảo về nguồn lực tài chính để bảo đảm thi hành sau khi nghị định được ban hành.
Cạnh đó, dịch COVID-19 vẫn đang tiếp diễn, ngân sách nhà nước khó khăn và mức lương của cán bộ, công chức, viên chức chưa được điều chỉnh. “Nên Bộ LĐ-TB&XH cần đánh giá thêm tác động của chính sách, làm rõ căn cứ, cơ sở và nguồn lực tài chính đảm bảo thi hành khi Nghị định được ban hành” Bộ Tư pháp nêu ý kiến.
Ông Lê Đình Quảng, Phó Trưởng ban Quan hệ Lao động - Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, cho rằng nên ủng hộ phương án nào có lợi hơn cho người về hưu.
Với phương án tăng lương hưu từ 1-7-2021 có tính đáp ứng kịp thời khó khăn chung của người lao động, nhưng tỉ lệ lại thấp. Nếu đợi đến năm 2022 thì người lao động được hưởng mức cao hơn là 15%, nhưng lại chậm hơn 6 tháng. “Thức tế nếu có điều kiện, nên tăng từ 1-7 với mức 15% là hợp lý, nhưng rõ ràng để cân đối được ngân sách trong bối cảnh hiện nay là hơi khó…”- ông Quảng cho hay.
Tám đối tượng được xem xét tăng lương hưu, trợ cấp xã hội 1. Cán bộ, công chức, công nhân, viên chức và người lao động; quân nhân, công an nhân dân và người làm công tác cơ yếu đang hưởng lương hưu hằng tháng. 2. Cán bộ xã, phường, thị trấn quy định tại Nghị định số 92/2009, Nghị định số 121/2003 và Nghị định số 09/1998 của Chính phủ đang hưởng lương hưu, trợ cấp hằng tháng. 3. Người đang hưởng trợ cấp mất sức lao động hằng tháng; người đang hưởng trợ cấp hằng tháng theo Quyết định số 91/2000, Quyết định số 613/2020 của Thủ tướng Chính phủ; công nhân cao su đang hưởng trợ cấp hằng tháng. 4. Cán bộ xã, phường, thị trấn đang hưởng trợ cấp hằng tháng theo Quyết định số 130/1975 của Hội đồng Chính phủ và Quyết định số 111/1981 của Hội đồng Bộ trưởng. 5. Quân nhân đang hưởng chế độ trợ cấp hằng tháng theo Quyết định số 142/2008, Quyết định số 38/2010 của Thủ tướng Chính phủ. 6. Công an nhân dân đang hưởng trợ cấp hằng tháng theo Quyết định số 53/2010 của Thủ tướng Chính phủ. 7. Quân nhân, công an nhân dân, người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân, công an nhân dân đang hưởng trợ cấp hằng tháng theo Quyết định số 62/2011 của Thủ tướng Chính phủ. 8. Người đang hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hằng tháng. |