Trao đổi với Lao Động trong ngày 1.5, GS.TS Võ Tòng Xuân cho rằng dịch COVID-19 hiện nay là thời cơ để Việt Nam lập lại thị trường lúa gạo thế giới mới.
Thời cơ chín muồi để vươn lên vị thế số 1
“Cùng với Thái Lan và Ấn Độ, Việt Nam tạo thành “tam giác cường quốc” cung cấp lúa gạo thế giới”- GS.TS Võ Tòng Xuân mở đầu buổi trao đổi. Tuy nhiên, do ảnh hưởng dịch COVID-19, hai quốc gia Thái Lan, Ấn Độ đang gặp vấn đề về việc gieo trồng lúa nên chắc chắn sẽ giảm khả năng cung cấp gạo trong năm 2021 và thậm chí hơn thế nữa.
Theo GS Xuân, thông tin cập nhật cho thấy Ấn Độ đang rất khó khăn trong cuộc chiến với dịch COVID-19 và nhiều khả năng khó khăn này sẽ còn kéo dài. Trong khi đó, Thái Lan vừa đối mặt với dịch COVID-19 vừa bất lợi so với lúa gạo Việt. Do phần lớn diện tích trồng lúa ở đây là giống dài ngày nên thông thường mỗi năm chỉ sản xuất một vụ.
“Trong khi đó, vài năm gần đây, họ mới bắt đầu quan tâm nghiên cứu giống lúa ngắn ngày, nhưng đến nay họ chưa có được gạo dẻo, có mùi thơm như Việt Nam”- GS Xuân nhấn mạnh.
Theo GS Xuân, vì thế, ở góc độ thuần nông nghiệp, đây là thời cơ chín muồi để Việt Nam lập lại thị trường và mặt bằng giá gạo trên thị trường toàn cầu. Bởi nhiều quốc gia lo sợ dịch COVID-19 sẽ tăng cường tranh thủ nhập khẩu gạo với giá cao, trong khi đó 2 cường quốc đối thủ của chúng ta lại đang trục trặc. Nói cách khác, đây là thời cơ chín muồi để Việt Nam vươn lên vị trí số xuất khẩu lúa gạo số 1 thế giới.
Nhiều tiềm năng mới
Không chỉ rộng mở khả năng xác lập vị thế mới trên bản đồ thị phần lúa gạo thường niên, nhiều chuyên gia còn đưa ra khả năng lúa gạo Việt còn có thể mở rộng ra những thị trường tiềm năng mới. Ông Trần Anh Thư – Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, người có nhiều năm gắn bó với lĩnh vực lúa gạo, đã đưa ra nhiều dữ liệu đáng mừng. Theo những thông tin cập nhật, do những tác động ngày càng gay gắt từ Biến đổi khí hậu toàn cầu- nước biển dâng, đã gây ra nạn thiếu nước tưới trên nhiều diện tích trồng lúa mì- thức ăn chính thức của nhiều quốc Châu Âu... với hậu quả là bị thất thu nặng, thậm chí là không còn trồng được trên một số diện tích nhất định. Điển hình là ở Úc....
Điều này đã đặt người dân tại một số quốc gia từng xem lúa mì là lương thực chính, xem xét và chuyển hướng sang sử dụng lúa gạo như một cách thay thế mới.
Trong khi đó, theo GS.TS Võ Tòng Xuân, hiện một số quốc gia, vùng lãnh thổ trồng lúa để sử dụng quốc nội như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc)... lại đang gặp vấn đề về nguồn nhân lực. Cuộc phát triển công nghiệp cùng với trào lưu đô thị hóa đã từng bước đưa nông dân, nhất là những người có kỹ năng trồng lúa, ly hương - mà việc rầm rộ tuyển dụng lao động làm nông thời gian gần đây là mình chứng. Điều này không chỉ khiến cho nông thôn khan hiếm lao động nông nghiệp, mà còn dồn đẩy chất lượng sản xuất lúa gạo tại các quốc gia này vào tình thế khó giữ được năng suất, chất lượng như trước.
“Đây cũng chính là cơ hội cho lúa gạo Việt Nam thâm nhập”- ông Thư nhấn mạnh.
Mở cửa đón vận hội
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, vấn đề đáng quan tâm hiện nay là cần có cơ chế, chính sách mang tính mở cửa để đón vận hội mới với hành động mới. GS.TS Võ Tòng Xuân, bày tỏ băn khoăn: "Thời gian qua, chúng ta thường đánh rơi cơ hội xuất khẩu gạo vào "thời điểm vàng" tương tự như hiện nay. Mà lý do cơ bản nhất là nỗi ám ảnh mang tên “An ninh lương thực”.
Theo nhiều chuyên gia, nhà quản lý, điều này không sát với thực tế, không phù hợp với quy luật kinh tế và cần loại trừ. Có như thế và phải như thế mới mở được cánh cửa vận hội cho lúa gạo Việt Nam vươn ra biển lớn, tăng lợi nhuận vốn ít ỏi của người trồng lúa. Ông Trần Anh Thư, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang chia sẻ: "Với diễn biến thời tiết, khí hậu như hiện nay, Việt Nam không lo thiếu gạo”.
Theo tính toán trên cơ sở diện tích, sản lượng và dân số, chỉ mất 3 tháng, ĐBSCL sản xuất ra lượng lúa gạo đủ để cân đối cả nước trong 3 năm”- ông Thư nhấn mạnh. Trong khi đó, tại ĐBSCL, nhiều nơi sản xuất 2-3 vụ lúa trong năm. Thậm chí, theo ông Lê Thanh Tùng – Cục phó Cục Trồng trọt, Bộ NNPTNT, do địa hình nằm dọc hạ lưu sông Mekong nên gần như ĐBSCL có lúa gạo quanh năm. Hơn thế nữa, với hệ thống giao thông như hiện nay, chỉ 4 tiếng đồng hồ là có thể điều tiết trong vùng, đáp ứng mọi nhu cầu người tiêu dùng. Vì thế theo các chuyên gia, nên thay đổi tư duy lo sợ cái gọi là "an ninh lương thực" làm ảnh hưởng đến xuất khẩu gạo, để mạnh dạn mở cửa vận hội cho lúa gạo Việt đón cơ hội vàng.