vĐồng tin tức tài chính 365

Thương gia gây dựng khối tài sản 20 tỉ USD và mất sạch sau 2 ngày

2021-05-02 03:10

Bill Hwang có hành trình đi lên đáng kinh ngạc và thậm chí từng sở hữu khối tài sản lên tới con số hàng chục tỉ đô. Nhưng cú rơi chóng vánh khỏi ánh hào quang của Hwang còn khiến người ta sửng sốt hơn.

Vụ sụp đổ chấn động Phố Wall

Nếu như quyết định bán hết cổ phiếu mà bản thân đang kiểm soát từ đầu tháng 3 năm nay để thu tiền về, Bill Hwang, 57 tuổi, sẽ đàng hoàng bước vào danh sách các tỉ phú đô la của thế giới. Ngoài kia có nhiều người giàu hơn Hwang, nhưng đa phần tiền của họ gắn với các hoạt động kinh doanh, bất động sản, các khoản đầu tư phức tạp, các đội bóng hoặc tranh ảnh nghệ thuật - những tài sản không dễ quy đổi thành tiền mặt.

Trong khi đó, lượng tài sản mà Hwang sở hữu nằm trong công ty quản lý tài sản tư nhân Archegos - được cho là có tổng giá trị lên tới 20 tỉ USD - lại mềm dẻo và có tính thanh khoản cực cao. Nhưng cũng chính vì yếu tố này mà chỉ trong vỏn vẹn 2 ngày, 20 tỉ USD đó đã toàn toàn “bốc hơi”.

Màn phá sản đột ngột của Archegos hồi cuối tháng 3 là một trong những thất bại lớn nhất trong lịch sử tài chính hiện đại. Trước đó chưa cá nhân nào từng mất nhiều tiền tới thế, trong thời gian nhanh đến thế. Ở đỉnh cao, có lúc tài sản của Hwang đã nhỉnh hơn mức 30 tỉ USD trong một thời gian ngắn.

Không giống vụ sụp đổ hoành tráng hồi năm 1998 của Long-Term Capital Management, một công ty đầu tư quy tụ nhiều thương gia ngôi sao của Phố Wall và cả các nhà nghiên cứu đoạt giải Nobel, Hwang là nhân vật được ít người biết tới. Chỉ một nhóm nhỏ biết về Hwang: Những người đi nhà thờ cùng ông ta, các đồng nghiệp cũ từng hoạt động trong nhiều quỹ đầu tư tư nhân cùng một nhóm nhỏ các giám đốc đầu tư của giới ngân hàng.

Hwang là một trong những “con cá voi” lớn nhất. Cá voi là tiếng lóng của dân tài chính về một nhân vật có ảnh hưởng lớn tới thị trường, nhưng lại chưa từng lộ diện. Không rõ do tính toán hay vô tình, công ty Archegos chưa từng xuất hiện trong các hồ sơ gửi tới cơ quan điều phối thị trường chứng khoán, vốn sẽ làm lộ ra tên tuổi những nhà đầu tư lớn, đang sở hữu nhiều nhất lượng chứng khoán được mua bán trên sàn giao dịch.

Trang tin Bloomberg nói rằng Hwang thường xuyên sử dụng hợp đồng hoán đổi (swap) trong giao dịch cổ phiếu. Đây là một dạng chứng khoán phái sinh, sẽ giúp nhà đầu tư giao dịch dựa trên sự tăng hoặc giảm của một mã cổ phiếu đang niêm yết trên sàn, mà không cần phải trực tiếp sở hữu cổ phiếu đó. Việc này giúp nhà đầu tư không bị lộ danh tính, cũng như lộ quy mô số tiền đã đổ vào từng mã chứng khoán là bao nhiên.

Đó là lý do vì sao trong ngày 26.3, khi giới đầu tư toàn cầu biết tin Archegos vừa phá sản do không trả nợ được các khoản vay đã được công ty dùng để tạo ra danh mục đầu tư khổng lồ lên tới 100 tỉ USD, câu hỏi đầu tiên nảy ra trong đầu họ là: “Bill Hwang là gã quái nào?”.

Ngoài đời Hwang là nhân vật cực kỳ kín tiếng, không phải dạng người thích “nổ banh nóc” hay phô trương, làm màu như trong nhiều vụ bê bối tài chính khác. Hwang không sở hữu căn hộ penhouse nhìn ra công viên Central Park ở khu Manhattan hay máy bay phản lực tư nhân.

“Tôi lớn lên trong một gia đình mục sư. Chúng tôi đã từng nghèo khổ”, Hwang từng nói tại một đoạn video ghi lại lúc ông ta đi lễ nhà thờ ở New Jersey vào năm 2019. “Tôi phải thú nhận với các bạn rằng hiện không nghèo khổ lắm. Nhưng tôi sống ở mức thấp hơn vài bậc so với khả năng hiện có”.

Có thể nói Hwang là ví dụ đầy thú vị về một người đàn ông rất chăm đi lễ nhà thờ, luôn mang trong mình động lực “phải cho đi”, phải làm từ thiện và chia sẻ của cải với người khác nhưng lại thích cảm giác rủi ro như chơi cờ bạc trong công việc.

Hwang thường chia sẻ về việc ông ta luôn chia đều thời gian cho 3 đam mê chính: Gia đình, hoạt động kinh doanh và hoạt động từ thiện, thông qua quỹ Grace & Mercy có tổng giá trị 500 triệu USD. “Tôi luôn cố đầu tư theo lời chỉ bảo của Chúa và sức mạnh của Người. Theo một cách thức nào đó thì đây là lối đầu tư không sợ hãi. Tôi không run sợ trước cái chết hay tiền bạc”.

Giới quan sát đánh giá vụ Archegos xảy ra có một phần lỗi lớn do sự thiếu trách nhiệm từ phía các ngân hàng, quỹ đầu tư. Ảnh AFP
Giới quan sát đánh giá vụ Archegos xảy ra có một phần lỗi lớn do sự thiếu trách nhiệm từ phía các ngân hàng, quỹ đầu tư. Ảnh AFP

Trưởng thành từ lò luyện “sao đầu tư”

Bill Hwang tên thật Sung Kook Hwang. Năm 1982, ông di cư từ Hàn Quốc tới Mỹ và đổi tên sang Bill để dễ hòa nhập vào xã hội mới. Hwang theo học tại Đại học California ở Los Angeles và sau đó lấy bằng Thạc sĩ Quản trị kinh doanh ở Đại học Carnegie Mellon.

Năm 1996, sau thời gian ngắn làm giao dịch viên ở hai công ty chứng khoán, ông ta trở thành chuyên viên phân tích ở quỹ đầu cơ lừng danh Tiger Management (quỹ Hổ) của Julian Robertson - một nhà đầu tư nổi tiếng tài năng trong ngành.

Làm việc ở Tiger giúp Hwang có cơ hội học hỏi từ “những người giỏi nhất” như Robertson. Rất nhiều đồng nghiệp của Hwang, cũng là các “hổ non” vì là học trò của Robertson giống ông ta, về sau đã thành lập hàng loạt quỹ đầu cơ thành công như Viking Global Investors, Coatue Management hay Tiger Global Management.

Hwang từng nói rằng ông học được một kinh nghiệm quý từ đây: Phải chấp nhận thua lỗ là một phần của cuộc chơi. Đã có lúc Tiger mất tới 2 tỉ USD do đầu tư trái chiều thị trường vào đồng yen Nhật, nhưng Robertson vẫn không mất bình tĩnh và chấp nhận lỗ thay vì cố tìm cách cứu vãn quyết định sai.

Khi Tiger đóng cửa vào năm 2001, chính Robertson đã khuyên Hwang mở quỹ đầu tư riêng và đề nghị giúp Hwang bằng cách bơm vốn ban đầu. Động lực đó khiến Hwang thành lập quỹ Tiger Asia Management.

Ban đầu Hwang định tạo ra sự khác biệt thông qua việc chỉ đầu tư vào các công ty châu Á, cụ thể là những doanh nghiệp đang làm ăn ở các thị trường nội địa tại Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản. Đồng nghiệp cũ nói Hwang luôn tập trung vốn của Tiger Asia vào chỉ vài mã cổ phiếu và thường chia đều các khoản đầu tư. Hwang cũng có thói quen giữ kín những tính toán của mình, đặc biệt luôn che giấu thông tin về các khoản đầu tư lớn với chính nhóm phân tích thị trường của ông ta.

Tuy nhiên những điều này không khiến những người góp vốn cho Tiger Asia phiền lòng, khi mà tính toán của Hwang thường mang lại trái ngọt. Nhiều vụ đầu tư thắng khiến lượng tài sản Tiger Asia nắm giữ có lúc đã tăng tới 10 tỉ USD.

Năm 2008, Tiger Asia tiến hành bán khống một lượng lớn cổ phiếu của Volkswagen AG. Bán khống là thuật ngữ trong lĩnh vực chứng khoán, tại đó nhà đầu tư sẽ vay một số cổ phiếu nhất định (được dự báo sắp giảm giá) rồi lập tức bán đi với kỳ vọng sẽ mua lại chúng sau đó với giá thấp hơn (và ăn khoản lãi do chênh lệch giá mua bán).

Vấn đề là quyết định của Hwang diễn ra ngay trước có khi tin Volkswagen sắp sáp nhập với hãng xe sang Posche. Chỉ trong vòng 2 ngày, tin này khiến cổ phiếu Volkswagen tăng giá gấp 4 lần và Hwang buộc phải chấp nhận rằng quyết định sai của ông đã gây thua lỗ.

Kết thúc năm, tài sản của Tiger Asia giảm mất 23%, khiến nhiều nhà đầu tư rút tiền bỏ đi. Họ tức giận vì một quỹ đầu tư từng chỉ chú tâm tới các công ty châu Á nay lại chơi trò đỏ đen với cổ phiếu ở châu Âu! Hwang nỗ lực thay đổi tình hình bằng cách sử dụng chiêu trò không hợp lệ. Năm 2012, sau nhiều năm điều tra, Ủy ban Giao dịch chứng khoán Mỹ (SEC) cáo buộc Tiger Asia đã có hành động giao dịch nội gián và cố tình can thiệp để điều chỉnh giá 2 cổ phiếu ngân hàng Trung Quốc.

SEC tuyên bố Hwang đã vượt qua ranh giới khi nhận thông tin mật về hoạt động của 2 ngân hàng trên và dùng nó để ra quyết định đầu tư với các cổ phiếu liên quan, qua đó thu lời bất chính. Hwang sau đó đã dàn xếp giải quyết vụ việc, nhưng không phủ nhận hay khẳng định mình làm gì sai. Công ty Tiger Asia của ông ta chấp nhận đã có hành động gian lận, phải nộp phạt một số tiền không nhỏ.

Sau bê bối Hwang đóng cửa Tiger Asia. Ông ta đổ 200 triệu USD còn lại vào Archegos.

Siêu lợi nhuận và siêu rủi ro

Những người biết rõ về hoạt động đầu tư của Hwang trong mấy năm đầu ông ta điều hành Archegos chia sẻ với Bloomberg rằng tiền của công ty chủ yếu chảy vào các mã cổ phiếu công nghệ như Amazon (nền tảng mua sắm trực tuyến), Expedia Group (công ty mua sắm du lịch trực tuyến) và LinkedIn (mạng xã hội nghề nghiệp mà Microsoft mua vào năm 2016).

Những tính toán đúng, cộng với khoản tiền đầu tư lớn đặt vào mã cổ phiếu của Netflix đã khiến Archegos thu lời gần 1 tỉ USD trong năm 2016. Hwang dường như tin rằng cổ phiếu công nghệ là hướng đầu tư đúng đắn. Và ông ta tiếp tục thắng liên tục. Tới năm 2017, Archegos đã có số tiền vốn lên tới khoảng 4 tỉ USD.

Cần biết rằng luật Mỹ không cho phép các nhà đầu tư cá nhân mua cổ phiếu bằng vốn vay từ ngân hàng, nếu như khoản vay chiếm tỉ lệ lớn hơn 50% tổng số tiền dùng để mua cổ phiếu. Tuy nhiên quy định này lại không áp dụng với các quỹ đầu cơ hay công ty quản lý tài sản tư nhân như Archegos.

Những người quen thuộc hoạt động của Archegos cho biết công ty đã đều đặn nâng cao tỉ lệ tiền vay trong các giao dịch mua cổ phiếu. Ban đầu tỉ lệ này chỉ khoảng “2x”, có nghĩa cứ mỗi 1 triệu USD tiền vốn, công ty sẽ vay ngân hàng thêm 1 triệu USD nữa. Tới cuối tháng 3 vừa qua, tỉ lệ đã là “5x” và trong một số trường hợp còn hơn thế.

Nhưng vì sao các ngân hàng và quỹ đầu tư tài chính lại đồng ý cho Hwang vay nhiều tiền tới vậy? Một trong những lý do là Hwang sử dụng rất nhiều hợp đồng hoán đổi. Trong một hợp đồng hoán đổi điển hình, ngân hàng sẽ cho phép khách hàng tham gia mua bán một loại tài sản nhất định, như cổ phiếu, bằng tiền của họ. Trong khi khách hàng là bên được lãi hoặc chịu lỗ khi tài sản lên hoặc xuống giá, quyền sở hữu tài sản luôn thuộc về ngân hàng. Trong hồ sơ kê khai về quyền sở hữu cổ phiếu gửi lên cơ quan quản lý, cũng chỉ có phía ngân hàng được nêu tên.

Bởi mỗi ngân hàng chỉ biết về chi tiết hợp đồng hoán đổi của riêng họ với Hwang nên họ không nhìn thấy được hết các khoản đầu tư của ông ta. Rằng Hwang đang vay rất nhiều tiền từ nhiều ngân hàng để đầu tư cho chỉ vài mã chứng khoán. Cổ phiếu của ViacomCBS là một ví dụ. Tới cuối tháng 3, Archegos đã mua hàng chục triệu cổ phiếu này thông qua một loạt hợp đồng hoán đổi lập ra với các ngân hàng, quỹ đầu tư tài chính gồm Morgan Stanley, Goldman Sachs, Credit Suisse và Wells Fargo & Co.

Tất cả các bên này đều không biết Hwang còn dùng tiền từ nơi khác để đầu tư vào Viacom. Tuy nhiên Hwang vẫn làm mọi thứ theo đúng quy định của luật pháp Mỹ. Không có chứng cứ nào cho thấy ông ta phá luật. Không ai nghi ngờ gì, hoặc cảm thấy có dấu hiệu đáng báo động trong hoạt động của công ty, khi nó liên tục lãi. Và mức tiền vay của Hwang trong mỗi khoản đầu tư vào năm 2017 chỉ ngang bằng so với các quỹ phòng hộ khác có chung chiến lược đầu tư giống ông ta (tỉ lệ 2x hoặc 2,5x - ngưỡng an toàn).

Vấn đề nằm ở chỗ lối đầu tư của Hwang có tỉ lệ rủi ro rất lớn. Nhiều người khác khi áp dụng chiến lược đôn giá một mã cổ phiếu bằng cách mua nhiều giống ông ta thường giảm rủi ro bằng cách bán khống cùng một mã đó (số lượng mua bán sẽ khác nhau tùy tính toán của mỗi người). Như thế, khi mã chứng khoán bất ngờ giảm điểm không như tính toán, họ cũng không bị thiệt hại quá nặng. Hwang thì không hoặc thực hiện rất ít giao dịch bán khống.

Tại một thời điểm nào đó cách đây vài năm, các khoản đầu tư của Hwang bắt đầu dịch chuyển từ nhóm cổ phiếu công nghệ sang hướng khác. Cụ thể, ông ta bỏ tiền nhiều hơn vào các tập đoàn truyền thông như ViacomCBS và Discovery. Ông ta còn bỏ tiền vào 4 cổ phiếu Trung Quốc gồm GSX Techedu, Baidu, Iqiyi và Vipshop. Tất cả các ngân hàng làm ăn với ông ta đều liên tục mua vào rất nhiều những cổ phiếu này.

Một ví dụ là cổ phiếu Vipshop. Hồ sơ gửi tới cơ quan điều hành chứng khoán trong ngày 30.6.2020, Morgan Stanley mới chỉ sở hữu 5,22 triệu cổ phiếu này. Tới ngày 31.12 con số đã biến thành 44,6 triệu.

Mức tiền vay trong các khoản đầu tư của Hwang cũng ngày càng tăng lên và ông ta không có ý định giảm bớt tỉ lệ. Credit Suisse và Morgan Stanley đã làm ăn với Archegos trong nhiều năm, bất chấp quá khứ từng gặp vấn đề với nhà chức trách của Hwang. Tuy nhiên Goldman đã cảnh giác và cấm cửa ông ta.

Quý IV/2020 là một năm thành công với Hwang. Trong khi chỉ số S&P 500 tăng trưởng 12%, 7/10 mã cổ phiếu mà Archegos bỏ tiền đầu tư đã tăng hơn 30% giá trị. Trong đó Baidu, Vipshop và Farfetch tăng tới 70% giá trị.

Kết quả này khiến Archegos trở thành một trong những khách hàng được thèm khát và chiều chuộng bậc nhất ở Phố Wall. Và khi các khoản đầu tư liên tục sinh lời, Hwang càng có thêm tiền để đổ vào thị trường, cũng như uy tín để vay được nhiều vốn hơn. Goldman cuối cùng cũng phải nhảy vào cuộc, khi đưa Hwang ra khỏi danh sách đen và ký hợp đồng coi Archegos là một khách hàng vào cuối năm 2020. Không ai ngờ rằng chỉ vài tuần sau, tất cả đã kết thúc chóng vánh.

Lỗi từ phía ngân hàng

Sự kiện đầu tiên dẫn tới màn sụp đổ hoành tráng của Archegos bắt đầu từ 4 giờ chiều ngày 22/3. Viacom, trong nỗ lực tích tụ vốn để đương đầu với sự cạnh tranh khủng khiếp từ các đối thủ như Apple TV, Disney+, HBO và Netflix, thông báo công ty sẽ bán ra lượng cổ phiếu và các khoản nợ có thể quy đổi với tổng giá trị lên tới 3 tỉ USD.

4 tháng trước đó cổ phiếu của công ty, nhờ nỗ lực mua vào liên tục của Hwang, đã tăng gấp 3 lần giá trị ban đầu. Trong bối cảnh ấy, bán cổ phiếu để có thêm vốn sản xuất các nội dung mới dường như là lựa chọn hợp lý. Ít nhất là hợp lý với ban lãnh đạo Viacom, xét tới việc cổ phiếu của công ty đã tăng giá liên tục.

Nhưng ngay sau khi tin tức được tung ra vào cuối phiên giao dịch ngày 22.3, giá cổ phiếu của Viacom đã tụt mất 9% vào ngày hôm sau và lên tới 23% vào ngày tiếp theo. Các khoản đầu tư khổng lồ của Hwang vào Viacom đột nhiên trở thành lỗ nặng, qua đó đe dọa tới hợp đồng hoán đổi mà ông ta lập với cánh ngân hàng.

Theo quy trình thông thường, vào cuối các phiên giao dịch mỗi ngày, Archegos sẽ kiểm tra lại toàn bộ tài khoản trong những hợp đồng hoán đổi. Nếu giá trị của cổ phiếu trong hợp đồng tăng lên, ngân hàng có liên quan sẽ trả tiền cho Archegos. Nhưng nếu cổ phiếu tụt giá, Archegos sẽ phải nộp thêm tiền ký quỹ cho phía ngân hàng để gia cố lớp đệm chống rủi ro. Tuy nhiên Archegos không có khả năng tăng thêm tiền ký quỹ cho vụ Viacom.

Vài ngân hàng đã liên lạc, kêu gọi Hwang bán cổ phiếu Viacom. Ông ta chắc chắn sẽ lỗ, nhưng Archegos sẽ vẫn sống sót và có thể tiếp tục kinh doanh. Tuy nhiên Hwang không chấp nhận việc bị lỗ. Bài học kinh doanh mà Hwang thu được từ thời còn ở Tiger dường như đã bị ông ta quên mất.

Bước sang ngày 25.3, các ngân hàng cho Hwang vay tiền đã tổ chức nhiều cuộc họp khẩn cấp với nhau. Họ thấy rằng Hwang dường như đã sử dụng một phương thức đầu tư quá rủi ro. Theo đó, cứ mỗi 20 triệu USD tiền vốn, ông ta lại vay thêm 85 triệu USD từ phía ngân hàng để giao dịch cổ phiếu. Trong số 105 triệu USD này, ông ta đầu tư hết 100 triệu USD và chỉ để có 5 triệu USD tiền ký quỹ phòng ngừa rủi ro!

Nhưng do Hwang đổ quá nhiều vốn vào Viacom nên tiền ký quỹ không đủ để bù lại khoản lỗ khổng lồ, hình thành từ việc mã cổ phiếu này tụt giá mạnh. Tệ hơn, khoản lỗ đã ăn cả vào tiền vốn ban đầu của Hwang. Các ngân hàng lúc này đối mặt với tình huống ngàn cân treo sợi tóc. Nếu cổ phiếu Viacom tăng trở lại, tất cả các bên liên quan đều an toàn. Nhưng nếu chỉ một ngân hàng nhụt chí và bán hết cổ phiếu Viacom mà họ đã mua theo các hợp đồng hoán đổi, hành động này sẽ kéo giá cổ phiếu xuống sâu hơn nữa và gây thiệt hại khổng lồ.

Credit Suisse lựa chọn việc chờ giá tăng trở lại. Nhưng chiều 25.3, không hề báo gì cho các ngân hàng khác, Morgan Stanley đã quyết định tự cứu mình trước. Công ty lặng lẽ bán giảm giá tất cả cổ phiếu có tổng giá trị 5 tỉ USD nằm trong nhiều hợp đồng hoán đổi với Archegos, cho một nhóm quỹ đầu tư. Sáng hôm sau, ngay trước khi Sàn giao dịch chứng khoán New York mở cửa vào lúc 9h30 sáng, Goldman cũng bán sạch các cổ phiếu của Baidu, Tencent Music Entertainment Group và Vipshop với tổng trị giá 6,6 tỉ USD. Tiếp đó, công ty bán nốt số cổ phiếu Viacom, Discovery, Farfetch, Iqiyi và GSX Techedu với tổng trị giá 3,9 tỉ USD.

Khi màn bán tháo này kết thúc, Goldman, Deutsche Bank AG, Morgan Stanley và Wells Fargo là các bên đã thoát ra khỏi khủng hoảng gần như nguyên vẹn. Bên gánh thiệt hại nặng nhất là Credit Suisse (mất 4,7 tỉ USD) và Nomura (mất 2 tỉ USD). Công ty Archegos mất toàn bộ tài sản ước tính 20 tỉ USD và phải tuyên bố phá sản.

Vụ Archegos đã khiến người ta không khỏi rùng mình khi nhớ lại cuộc khủng oảng nợ xấu nhà đất ở Mỹ cách đây 14 năm. Lần đó, cũng như trong vụ này, sự cố đã xuất hiện do các ngân hàng cho phép thực hiện nhiều khoản vay thiếu trách nhiệm. Trong vụ nợ xấu nhà đất, do giá nhà liên tục tăng nên nhiều ngân hàng đã bỏ qua việc đánh giá rủi ro. Chỉ tới khi con nợ ngừng trả tiền, cánh ngân hàng mới nhận ra thực tế nghiệt ngã: Họ cho vay quá nhiều nên thiệt hại tới từ tình trạng người đi vay vỡ nợ là không thể cứu vãn.

Điều may mắn nhất từ vụ sụp đổ của Archegos là nó không đánh sụp cả thị trường chứng khoán. Và điều tồi tệ nhất là sự kiện hoàn toàn có thể ngăn chặn được, nếu các ngân hàng kinh doanh có trách nhiệm hơn. Nếu họ hạn chế số tiền mà Hwang được phép vay, cũng như yêu cầu ông ta nêu rõ hơn hoạt động làm ăn, hẳn bê bối đã không xảy ra.

Cơ quan điều phối Mỹ cũng có trách nhiệm. Rõ ràng, hoạt động giao dịch cổ phiếu ở Mỹ vẫn có những vùng xám nhất định. Luật của Châu Âu quy định rõ rằng bất kỳ bên nào nếu thực hiện một khoản đầu tư có thể ảnh hưởng tới nền kinh tế đều phải nêu rõ về hoạt động đầu tư. Tuy nhiên Mỹ không có quy định như thế và đó là lý do để những con cá voi như Hwang thoải mái ẩn mình dưới làn nước, và chỉ thu hút sự chú ý khi đã gây ra tai họa.

Xem thêm: odl.300309-yagn-2-uas-hcas-tam-av-dsu-it-02-nas-iat-iohk-gnud-yag-aig-gnouht/nahn-hnaod-peihgn-hnaod/nv.gnodoal

Comments:0 | Tags:No Tag

“Thương gia gây dựng khối tài sản 20 tỉ USD và mất sạch sau 2 ngày”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools