Nhân viên hay đối tác?
Kinh tế Sài Gòn
(KTSG) - Chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH) có thành công hay không tùy thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó số lượng người tham gia là một trong những yếu tố quan trọng. Đáng tiếc, đến cuối năm 2020 mới chỉ có gần 33,5% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH.
Khoảng 66,5% (tức gần 32 triệu người) còn lại chưa tham gia. Thuyết phục số người chưa tham gia BHXH đồng ý đóng góp một tỷ lệ thu nhập nhất định, để sau này khi nghỉ hưu được nhận một khoản tiền cố định hàng tháng, là điều khó vì đa số những người chưa tham gia là lao động tự do, lao động cho gia đình. Người làm công cho doanh nghiệp khi đóng 8% tiền lương hàng tháng vào quỹ hưu trí cho mình sau này còn được hưởng thêm mức đóng 14% vào quỹ này từ chủ doanh nghiệp.
Tuy nhiên trong lực lượng lao động đang làm việc cho các doanh nghiệp, có một loại lao động chưa được áp dụng chính sách BHXH bởi sự mơ hồ giữa hình thức lao động tự do hay nhân viên của doanh nghiệp. Đó là những người đang ngày đêm thực hiện các dịch vụ ngày càng rất quan trọng cho xã hội, từ giao hàng đến giao thức ăn, từ chuyên chở hành khách bằng ô tô đến chở khách bằng xe gắn máy.
Do dịch bệnh phải giãn cách xã hội, rồi do kẹt xe, mưa nắng hay ngập úng, càng ngày càng có nhiều người chuyển qua mua sắm trên mạng, từ các món hàng nhỏ đến cả các món đắt tiền, từ các bữa ăn nấu sẵn đến dịch vụ đi chợ giùm...
Cả triệu người như thế đang là lực lượng lao động chính thức và không thể thiếu của nhiều doanh nghiệp dịch vụ, nhưng họ vẫn bị xem là “đối tác” nên doanh nghiệp sử dụng họ tránh các khoản đóng góp mà mọi doanh nghiệp bình thường khác phải đóng cho nhân viên của mình.
Trong các khoản đóng góp này, quan trọng nhất là 14% quỹ lương đóng vào quỹ hưu trí của từng nhân viên mà lẽ ra họ phải được hưởng. 14% này sẽ làm động lực rất lớn để người lao động tự nguyện đóng góp 8% hình thành quỹ BHXH cho họ. Đó là chưa kể các khoản đóng góp khác mà doanh nghiệp phải nộp cho nhân viên của mình như bảo hiểm thất nghiệp.
Luật lệ các nước đang thay đổi trước các hình thức lao động mới trong nền kinh tế. Nhiều nước đã chính thức xem người lao động chạy xe công nghệ, giao hàng, giao thức ăn là nhân viên của công ty tổ chức dịch vụ chứ không chấp nhận khái niệm “đối tác” hay “nhà thầu độc lập” nữa. Luật Lao động nước ta cũng đã điều chỉnh, để trong phần lớn trường hợp người lái xe công nghệ cho các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ được xem là người lao động của doanh nghiệp, được ký hợp đồng lao động, được đóng bảo hiểm xã hội.
Trong thực tế hầu như chưa có người lao động theo các hình thức kể trên được doanh nghiệp đồng ý đóng các khoản BHXH như luật quy định. Hiện nay đang có những thảo luận rất sôi nổi nhằm cải thiện những luật lệ, quy định liên quan đến BHXH để chính sách này trở thành tấm lưới bảo hộ người dân khi họ đến tuổi nghỉ hưu.
Dĩ nhiên, các thay đổi liên quan đến số năm đóng BHXH tối thiểu, nhận tiền hưu trí một lần hay nhận từng tháng... thu hút sự chú ý của công luận hơn cả. Nhưng lực lượng lao động theo dạng “đối tác” nói trên cũng là một số lượng lớn người lao động có tiềm năng tham gia BHXH rất cao. Cần nhanh chóng nghiên cứu để buộc doanh nghiệp đang sử dụng họ tham gia chính sách BHXH như những doanh nghiệp khác. Điều này vừa mang lại sự công bằng cũng như động lực phát triển bền vững cho chính các doanh nghiệp đó.
Xem thêm: lmth.cat-iod-yah-neiv-nahn/608513/nv.semitnogiaseht.www