Để bảo hiểm nhân thọ thôi dở dở ương ương
TS. Võ Đình Trí (*)
(KTSG) - Bắt đầu xuất hiện ở Việt Nam từ năm 1996, tính ra đến nay bảo hiểm nhân thọ (BHNT) cũng đã bước sang tuổi 25. Ấy vậy mà thị trường dù có tăng trưởng sau mỗi năm, thì cái nhìn của người dân về BHNT còn rất nhiều dè dặt. Trong khi đó, doanh nghiệp BHNT và người làm trong ngành bảo hiểm cũng phải chịu cảm giác bị gò bó, ức chế.
Phát triển mà vui không trọn vẹn.
Năm 2020, tốc độ tăng doanh thu của ngành BHNT là 19,6%. Nếu tính bình quân của năm năm giai đoạn 2015-2020 thì tốc độ tăng trưởng trung bình là 27,31%/năm. Nếu ở các ngành khác, sau 20 năm mà tốc độ tăng trưởng doanh thu trung bình hằng năm ở mức 20-30% thì quả là một con số đáng mơ ước.
Các chỉ số khác để thấy được sự phát triển của ngành BHNT còn thể hiện qua số lượng hợp đồng khai thác mới, số lượng hợp đồng đang có hiệu lực, tổng dự phòng nghiệp vụ, và số tiền bảo hiểm đã chi trả. Cụ thể, theo Niên giám Thị trường bảo hiểm Việt Nam 2019 của Bộ Tài chính, số lượng hợp đồng khai thác mới trong năm 2019 là 2,7 triệu hợp đồng, tổng số phí bảo hiểm gốc là 34.453 tỉ đồng - tương ứng với tổng số tiền bảo hiểm khoảng 1 triệu tỉ đồng. Số tiền các doanh nghiệp BHNT chi trả trong năm 2019 là 22.854 tỉ đồng và tổng dự phòng nghiệp vụ đến cuối năm 2019 của toàn ngành là 267.564 tỉ đồng.
Phát triển như vậy nhưng cái nhìn của người dân và doanh nghiệp đối với BHNT còn nhiều dè dặt. Nhiều trường hợp khách hàng tham gia BHNT không được tư vấn đầy đủ, tham gia sản phẩm không phù hợp với nhu cầu, đến khi phát hiện đành chậc lưỡi phóng lao thì phải theo lao. Có những trường hợp người tham gia bảo hiểm bị từ chối chi trả vì vi phạm nguyên tắc trung thực tuyệt đối, dẫn đến những tranh chấp, không chỉ cả hai bên đều bị thiệt mà hình ảnh của ngành BHNT cũng bị xấu xí hơn. Rồi cũng có những trường hợp doanh nghiệp BHNT quá cứng nhắc hay lạm quyền, tiếng xấu đồn xa.
Thị trường tăng trưởng về số lượng hợp đồng, doanh thu phí bảo hiểm nhưng nhu cầu tham gia bảo hiểm xuất phát từ sự chủ động của khách hàng là một vấn đề lớn, vì qua đó thấy được thị trường phát triển là do cầu hay cung (thị trường phát triển do cầu là chính mới bền vững). Rất nhiều trường hợp tham gia BHNT ở Việt Nam là qua kênh đại lý cá nhân, với số lượng khoảng 900.000 người, xuất phát từ sự ủng hộ hay cả nể. Bên cạnh đó, những năm gần đây kênh phân phối BHNT qua ngân hàng được đẩy mạnh, đã có nhiều phàn nàn từ việc bị ép mua BHNT khi vay vốn ngân hàng.
Tại anh, tại ả
Đến nay chỉ có một doanh nghiệp 100% vốn trong nước, còn lại là 100% vốn nước ngoài hay có yếu tố nước ngoài trong tổng số 18 doanh nghiệp BHNT đang hoạt động.
Những năm đầu phát triển của thị trường BHNT, thị trường vốn ở Việt Nam vẫn còn sơ khai vì đến năm 2000 thị trường chứng khoán mới ra đời. Lượng vốn nhàn rỗi trong dân lúc này có thêm một kênh mới, đáp ứng nhu cầu tích lũy và bảo vệ tài chính trước những rủi ro lớn liên quan đến sức khỏe, tính mạng. Nhưng giai đoạn 2004-2014, lạm phát của Việt Nam ở mức cao, trung bình của giai đoạn này là 9,9%/năm, vì như năm 2011 lên đến 18,67%. Bên cạnh đó, thị trường chứng khoán cũng đã có một số bước phát triển nhất định, hút một phần vốn trong nền kinh tế.
Các doanh nghiệp BHNT trong suốt một thời gian dài có khá nhiều thuận lợi và dễ dàng trong việc đầu tư, vì chỉ cần mua trái phiếu chính phủ hay gửi tiền tại các tổ chức tín dụng. Hoạt động đầu tư mang lại hiệu quả cao, gánh luôn chi phí kinh doanh chính vì nhiều doanh nghiệp BHNT muốn tăng thị phần, mở rộng thị trường, thậm chí bằng mọi giá.
Nhưng cũng vì muốn phát triển nhanh, chạy theo các KPI kể từ lãnh đạo cao nhất đến đại lý bên dưới nên nhiều quy định, nguyên tắc đều bị doanh số lấn át. Nhiều trường hợp khách hàng ký hợp đồng sau khi được tư vấn qua loa, chiếu lệ; đại lý cấu kết với khách hàng hay tạo nhóm với nhau để trục lợi các chính sách khen thưởng theo doanh số của doanh nghiệp BHNT (mà thị trường hay gọi là làm game).
Nhưng rồi các chính sách khuyến khích phát triển thị trường BHNT không hoặc chưa thực hiện để tạo điều kiện cho thị trường phát triển bền vững. Thông thường, BHNT là kế hoạch tài chính dài hạn, các chính sách thuế liên quan đến thu nhập cá nhân phải có tính khuyến khích.
Các kênh phân phối BHNT phải được hoàn thiện và ngày càng chuyên nghiệp, lấy một ví dụ như kênh đại lý bảo hiểm độc lập, hoặc tư vấn bảo hiểm độc lập, hay bancassurance (bán bảo hiểm qua kênh ngân hàng). Ngoài ra, hoạt động đầu tư, sử dụng vốn nhàn rỗi từ dự phòng nghiệp vụ cần được nới lỏng hơn (dĩ nhiên có giám sát) từ phía cơ quan quản lý cũng như tính hiệu quả của bộ phận đầu tư của doanh nghiệp BHNT cần được nâng cao.
Cụ thể về hoạt động đầu tư, cho đến nay phần lớn các khoản đầu tư của các doanh nghiệp BHNT ở Việt Nam vẫn là trái phiếu chính phủ (50,16% năm 2019), tiếp đến là tiền gửi ở các tổ chức tín dụng (34,68% năm 2019), cổ phiếu, chứng chỉ quỹ hay trái phiếu doanh nghiệp không có bảo đảm (7,29% năm 2019), và trái phiếu doanh nghiệp có bảo đảm (5,07% năm 2019).
Để so sánh, như ở thị trường Mỹ, cũng năm 2019 thì trái phiếu doanh nghiệp không có bảo đảm, trái phiếu doanh nghiệp có bảo đảm và cho vay có bảo đảm là ba danh mục lớn nhất, tương ứng 42%, 14% và 7%, tỷ lệ tiền gửi các tổ chức tín dụng là rất thấp.
Quỹ đạo đúng của BHNT
Đặc trưng của BHNT là đảm bảo cho các rủi ro trong một thời gian dài, hoặc tích lũy, hoặc cả hai. Khi thị trường tài chính ngày càng phát triển, mỗi dịch vụ càng phải tập trung vào thế mạnh riêng của mình, và BHNT cũng phải vậy.
Mặc dù các doanh nghiệp BHNT có sản phẩm kết hợp đầu tư, nhưng kinh nghiệm và hiệu quả đầu tư rất khó cạnh tranh được với các quỹ đầu tư chuyên nghiệp, các công ty quản lý tài sản lớn. Vậy mới có trường hợp các doanh nghiệp BHNT là khách hàng, ủy thác đầu tư cho các nhà đầu tư chuyên nghiệp hơn. Còn không, các doanh nghiệp BHNT phải đầu tư rất nhiều cho bộ phận đầu tư để tăng sức cạnh tranh.
Ở các thị trường phát triển, BHNT phát triển dựa vào các sản phẩm bảo vệ rủi ro thuần túy, như tử kỳ hay trọn đời, cùng với các loại hình bảo hiểm sức khỏe dài hạn. Các sản phẩm bảo hiểm gắn kèm với các khoản vay dài hạn như mua nhà, mua ô tô chỉ thuần túy là bảo vệ rủi ro.
Trong khi đó ở dòng bảo hiểm tích lũy thì những chính sách khuyến khích trong thuế thu nhập cá nhân là một trong những động lực chính: tiền trích vào quỹ BHNT được giảm trong cơ sở tính thuế và thuế trên lợi nhuận từ vốn được hưởng thuế suất thấp sau một thời gian nhất định (như ở Pháp là sau tám năm).
Hiện nay ở Việt Nam, cấu trúc doanh thu của các doanh nghiệp BHNT vẫn dựa vào các dòng sản phẩm liên kết đầu tư và bảo hiểm hỗn hợp, lên đến 87% doanh thu phí, còn bảo hiểm tử kỳ chỉ ở mức 10,39%. Nếu tỷ lệ này tiếp tục duy trì và danh mục đầu tư của doanh nghiệp BHNT không đổi, chứng tỏ hoặc người tham gia thiếu sự am hiểu về tài chính, hoặc do bên tư vấn không trung thực với khách hàng.
Như vậy, để thị trường BHNT phát triển đúng quỹ đạo, cần có sự chuyển biến lớn từ phía chính sách và các doanh nghiệp BHNT.
Thứ nhất, chính sách cần hướng đến việc sử dụng các khoản vay để hình thành các tài sản có giá trị đối với người dân như nhà ở, ô tô. Nhưng muốn như vậy thì phải làm sao để bảng lương hàng tháng phản ánh sát thực thu nhập thực tế của người lao động, vì bên cho vay căn cứ vào thu nhập trên giấy tờ chính thức để tính toán giá trị khoản vay. Bảo hiểm cho khoản vay có thể nói là bắt buộc không chính thức, nhưng không được vượt quá mục đích bảo vệ rủi ro.
Thứ hai là chính sách cần khuyến khích BHNT ở góc độ tích lũy tài chính dài hạn, mà cái này thì chỉ có thể điều chỉnh qua các quy định về thuế thu nhập cá nhân, liên quan đến giảm trừ cơ sở tính thuế hay giảm thuế khi có sinh lợi từ BHNT.
Thứ ba, các doanh nghiệp BHNT cần phát triển những sản phẩm cạnh tranh thuần về bảo vệ rủi ro, nhất là cạnh tranh được với các sản phẩm bảo hiểm sức khỏe của các công ty bảo hiểm phi nhân thọ. Các hoạt động đầu tư bên cạnh các chính sách ưu đãi về thuế (nếu có) thì cũng cần cạnh tranh trong hiệu quả đầu tư.
Thứ tư, các doanh nghiệp BHNT cần tập trung phát triển các kênh phân phối chuyên nghiệp, như bancassurance hiện nay là một chiến lược đúng, phát triển kênh phân phối là đại lý tổ chức, đại lý độc lập, bên cạnh các kênh truyền thống như đại lý độc quyền, môi giới. Số lượng đại lý cá nhân khi đó sẽ ít hơn nhưng sẽ chuyên nghiệp hơn, và những người này bao phủ hơn trong các dịch vụ cung cấp, mở rộng ra là tài chính cá nhân hơn là chỉ có bảo hiểm như hiện nay.
Cuối cùng, nhưng cũng quan trọng không kém là nhận thức và hiểu biết của người dân về BHNT, về tài chính cá nhân. Nếu các chính sách và các doanh nghiệp BHNT chưa thay đổi kịp, thì người tiêu dùng cần khôn ngoan để lựa chọn sản phẩm phù hợp nhất với mình, khi sự chuyển động của thị trường đủ lớn, ắt hẳn chính sách và doanh nghiệp sẽ phải chạy theo.
(*) Trường Đại học Kinh tế TPHCM, IPAG Business School Paris, và AVSE Global
Xem thêm: lmth.gnou-gnou-od-od-ioht-oht-nahn-meih-oab-ed/618513/nv.semitnogiaseht.www