vĐồng tin tức tài chính 365

Không phải cứ trả lương cao là giữ được bác sĩ giỏi

2021-05-02 08:52

Không phải cứ trả lương cao là giữ được bác sĩ giỏi

An Dư

(KTSG) -  Một bác sĩ vừa nghỉ ở bệnh viện công chia sẻ, thu nhập ở bệnh viện công của anh thuộc hàng tốp, gần như cao nhất (100-200 triệu đồng/tháng), tuy nhiên, “tôi vẫn nộp đơn nghỉ việc sang tư nhân vì ở bệnh viện công... khó làm việc”, anh nói.

Bệnh viện Quận 2 TPHCM. Ảnh: HOÀNG TÂN

Cần môi trường làm việc tốt

Việc hơn 200 nhân viên, trong đó có nhiều bác sĩ ở Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) lần lượt xin nghỉ việc cho thấy bài toán phát triển bệnh viện công trong thời buổi tự chủ tài chính, trong đó sự đồng thuận của nhân sự để không chảy máu chất xám, nghệ thuật quản trị bệnh viện, có vai trò rất quan trọng.

Khi muốn thay đổi,
tái cấu trúc bệnh viện, người lãnh đạo nếu không định hướng rõ ràng, không minh bạch thông tin thì sẽ tạo ra tâm lý sốc, bất mãn cho nhiều nhân viên.

Chuyện chảy máu chất xám không chỉ xảy ra ở Bệnh viện Bạch Mai, mà nhiều năm nay tình hình bác sĩ bỏ bệnh viện công sang bệnh viện tư làm việc, hay bệnh viện tư sang bệnh viện công và bệnh viện công sang bệnh viện công diễn ra ngày một mạnh mẽ hơn.

Cách đây vài tháng, tại TPHCM, một bệnh viện tư lớn ra đời đã gây xôn xao trong giới y khoa với chính sách thu hút nhiều bác sĩ đầu ngành, tiếng tăm lớn từ bệnh viện công về làm việc, trong đó Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM mất một lượng lớn bác sĩ cho nơi này.

Một bác sĩ chuyên khoa tim mạch của Bệnh viện Đại học Y dược khi được hỏi vì sao lại từ bỏ một môi trường làm việc thu nhập khá cao, bệnh viện danh tiếng, cho biết trước đây khoa tim mạch có 8 bác sĩ cùng làm việc rất tốt, nay chia ra làm hai khoa tim mạch người lớn và tim mạch nhi, nhân sự mỗi khoa chỉ còn 4 người, khó làm việc và cực quá, anh thấy mình không còn phù hợp nên đành dứt áo ra đi.

PGS.BS. Nguyễn Hoài Nam, Trưởng Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM, cho rằng sự chuyển dịch lao động giữa các cơ sở y tế hiện nay là bình thường, đòi hỏi các nhà quản trị bệnh viện tự giữ nhân viên của mình bằng nhiều cách, không chỉ có lương cao mà phải có sự đồng thuận giữa lãnh đạo với nhân viên, giữa nhân viên với nhân viên; cần phải có môi trường làm việc tốt, cơ sở vật chất khang trang, đời sống an sinh, phúc lợi xã hội tốt; phải có văn hóa làm việc tốt.

Phải cùng nhìn về một hướng

Trong Sự ra đi của nhiều bác sĩ khỏi bệnh viện công có không ít trường hợp là do không chịu đựng được cơ chế ràng buộc.

Theo vị lãnh đạo mới của Bệnh viện Bạch Mai, chỉ trong hai năm gần đây, trong quá trình tái cấu trúc bệnh viện, thực hiện cơ chế tự chủ về tài chính, tổng doanh thu của bệnh viện năm 2020 giảm gần 2.000 tỉ đồng so với năm 2019 (giảm 26%). Để cải cách, nâng cao đời sống nhân viên, bệnh viện phải tăng giá viện phí, đẩy mạnh dịch vụ...

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Hoài Nam, việc cải cách của lãnh đạo có thể đã gây sốc và chưa có sự đồng thuận của nhân viên trong bệnh viện, gây ra sự cố khủng hoảng nhân sự.

Tại TPHCM, nhiều bệnh viện đã tái cấu trúc thành công như Bệnh viện Từ Dũ, Bệnh viện Hùng Vương, Bệnh viện Quận 2, Bệnh viện Quận Thủ Đức, Bệnh viện Răng Hàm Mặt TPHCM... Đời sống nhân viên được nâng cao, điển hình như báo cáo của Bệnh viện Răng Hàm Mặt TPHCM vào năm 2017 cho biết lương nhân viên thấp nhất là 10,5 triệu đồng/tháng và cao nhất là 65 triệu đồng/tháng.

Tuy nhiên, việc tái cấu trúc ở một số bệnh viện do chú trọng phát triển kinh tế, núp bóng xã hội hóa để tư lợi đã khiến lãnh đạo không ít bệnh viện phải hầu tòa.

Là chuyên gia nhiều năm trong việc cải tiến chất lượng bệnh viện, thạc sĩ Huỳnh Bảo Tuân, giảng viên Đại học Bách khoa TPHCM, nhận định khi muốn thay đổi, tái cấu trúc bệnh viện, người lãnh đạo nếu không định hướng rõ ràng, không minh bạch thông tin thì sẽ tạo ra tâm lý sốc, bất mãn cho nhiều nhân viên. Hiện nay, một số bệnh viện thay đổi phương pháp quản lý nhân sự, như áp dụng đánh giá KPI. Việc này đòi hỏi bác sĩ, điều dưỡng phải đánh giá công việc hàng ngày, hàng tuần và mất nhiều thời gian công sức cho việc báo cáo.

Cạnh tranh giữa các cơ sở y tế ngày càng khốc liệt đã tạo áp lực lên lãnh đạo bệnh viện, buộc họ phải linh hoạt xoay chuyển, thích nghi theo yêu cầu của thị trường nhưng lại bị nhiều quy định ràng buộc. Trong sự ra đi của nhiều bác sĩ khỏi bệnh viện công có không ít trường hợp là do không chịu đựng được cơ chế ràng buộc. Dù sao bệnh viện công vẫn là nơi tốt để nâng cao trình độ chuyên môn. Bác sĩ chọn ra đi thường là những người đã có trình độ chuyên môn cao, được nhiều nơi săn đón.

Theo các chuyên gia, trong quá trình tái cấu trúc bệnh viện, nhà quản trị bệnh viện cần tinh tế. Đặc biệt, lãnh đạo cần tránh việc phớt lờ ý kiến xây dựng, góp ý của nhân viên cấp dưới, không nên bảo thủ, quyết định đột ngột theo cảm tính gây sốc cho nhân viên. Cải cách bệnh viện phải trải qua từng bước một.

Giữ chất xám bằng tạo cơ hội phát triển

Bệnh viện Quận 2 TPHCM đã thực hiện chính sách tự chủ về tài chính từ nhiều năm nay, đưa bệnh viện từ bệnh viện cấp quận lên bệnh viện hạng 1 của thành phố từ đầu năm 2020.

Mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận khoảng 2.700-3.000 bệnh nhân ngoại trú và 300 bệnh nhân nội trú. Bệnh viện đã phát triển được nhiều chuyên khoa thành mũi nhọn như: tim mạch, lão học, tiêu hóa, gan mật, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD), nội tiết, phẫu thuật thần kinh sọ não, lồng ngực mạch máu, chấn thương chỉnh hình, sản phụ khoa...

Khi được hỏi về chính sách phát triển và thu hút chất xám, bác sĩ Trần Văn Khanh, Giám đốc Bệnh viện Quận 2, chia sẻ ngoài chế độ lương theo bậc ngạch, bệnh viện cũng có thu nhập tăng thêm cho nhân viên bằng cách phát triển dịch vụ, cải cách thủ tục hành chính, đầu tư công nghệ thông tin, cơ sở vật chất khang trang, sạch đẹp, trang thiết bị y tế đầy đủ để phục vụ công tác chẩn đoán và điều trị.

Để tạo nên danh tiếng của bệnh viện, Bệnh viện Quận 2 cũng mời các bác sĩ ở bệnh viện tư có trình độ cao về làm chuyên gia khám chữa bệnh. Mời các thầy là giáo sư, tiến sĩ đã về hưu quy tụ về bệnh viện Quận 2 để cống hiến. Khi có một nhân viên xin nghỉ việc, bệnh viện cũng phải tìm hiểu tâm tư để điều chỉnh kịp thời. Xây dựng phần mềm giao tiếp, ứng xử với người bệnh, thân nhân và giữa nhân viên với nhau.

Nhân viên Bệnh viện Quận 2 luôn có cơ hội được đào tạo chuyên môn, được ứng dụng nghiên cứu khoa học và cải tiến môi trường làm việc năng động. Các thầy cô lớn vừa làm chuyên môn vừa đào tạo cho đàn em để tạo sự gắn kết thầy trò, gắn kết lãnh đạo với nhân viên.

Xem thêm: lmth.ioig-is-cab-coud-uig-al-oac-gnoul-art-uc-iahp-gnohk/718513/nv.semitnogiaseht.www

Comments:0 | Tags:No Tag

“Không phải cứ trả lương cao là giữ được bác sĩ giỏi”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools