Đánh vào tâm lý nghi phạm
Trao đổi với PV Dân trí, lãnh đạo Công an tỉnh Nghệ An cho biết, việc không còng tay nghi phạm lúc ra xe có mấy vấn đề then chốt.
Thứ nhất là góc độ nhân văn. Đối tượng Phú gây án và manh động cố thủ, sau đó được lực lượng chức năng, chính quyền địa phương động viên và gia đình người thân vận động, làm tư tưởng, đưa ra những chính sách khoan hồng, nhân đạo, giúp đối tượng bình tĩnh trở lại; tự ý thức được, chấp hành việc vận động đó.
Thứ hai, trong lúc đối tượng Phú đang hoảng loạn có thể có những hoang mang lo sợ; nhưng khi Phú đã bình tĩnh lại và nhận thấy cái sai, nhận thức được những lời vận động đúng đắn của lực lượng chức năng, thì cần giữ cho Phú tâm lý bình tĩnh đó.
Thứ ba, xung quanh còn có gia đình, làng xóm, con cháu, người thân của Phú nên lực lượng chức năng muốn giữ tâm thế cho Phú.
Thứ tư, nghi phạm Phú đi giữa rất nhiều lực lượng công an, được bảo vệ vòng trong vòng ngoài, lực lượng này luôn đảm bảo chắc chắn không để có biến cố xảy ra.
Cũng theo vị lãnh đạo Công an tỉnh Nghệ An, trong vụ việc nói trên, người chỉ huy sẽ tùy thuộc vào tình hình thực tế để quyết định sử dụng hoặc không sử dụng còng số 8 và các công cụ khác khi vây bắt, dẫn giải nghi phạm.
"Sau khi được công an kêu gọi, giải thích, đặc biệt là sự động viên của gia đình, nghi phạm Cao Trọng Phú hoàn toàn hợp tác, phục tùng mệnh lệnh của công an một cách tuyệt đối. Chính vì vậy, việc không còng tay nghi phạm không hề sai với quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, việc không còng tay nghi phạm giúp sau này đối tượng hợp tác hơn, thành khẩn hơn, tự tin hơn trong việc lấy lời khai. Ai cũng là con người cả, người ta bảo đánh kẻ chạy đi chứ không đánh người chạy lại", vị lãnh đạo này cho biết thêm.
Cũng theo vị lãnh đạo này, phía sau một hành vi phạm tội còn ẩn chứa rất nhiều vấn đề cần phải điều tra, làm rõ. Vì thế, việc còng tay nghi phạm hay không còn là một biện pháp nghiệp vụ nhằm phục vụ công tác điều tra sau này.
Hé lộ nguyên nhân gây án
Về nguyên nhân dẫn đến vụ án mạng đau lòng nói trên, vị lãnh đạo Công an tỉnh Nghệ An cho biết bước đầu xác định do liên quan đến vấn đề mua đất đai, làm ăn.
"Trước đây, một trong những nạn nhân bị bắn chết có làm ăn với nghi phạm Phú, nhờ mua đất tại Vinh. Sau đó, người này từng đến nhà Phú nhiều lần để đòi bìa đất, Phú hứa nhưng chưa trả. Lần này người này đưa thêm người đến để "thị uy" đòi Phú trả bìa đất và xảy ra sự việc đau lòng nói trên", vị lãnh đạo cho biết.
Trước đó, như Dân trí đã đưa tin, đầu giờ sáng 30/4, một nhóm người đi ô tô đến nhà Cao Trọng Phú (59 tuổi, ở xóm 7, xã Nghi Kim, TP Vinh, tỉnh Nghệ An).
Sau khi đôi bên lời qua tiếng lại thì tiếng súng vang lên, ngay sau đó người dân phát hiện có 2 người đàn ông nằm gục trên vũng máu trước cửa nhà Phú.
Nạn nhân được xác định là ông Đặng Ngọc Anh (66 tuổi, quê TP Vinh, hiện trú tại phường 14, quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh), ông Ngô Quang Hưng (43 tuổi, trú phường Vinh Tân, TP Vinh).
Hàng chục cán bộ, chiến sĩ công an sau đó đã được điều động đến hiện trường. Đến hơn 14h chiều ngày 30/4, được công an thuyết phục, Phú đã ra đầu thú.
Cơ quan điều tra cho biết thêm, trước đó, Phú có thời gian dài làm ăn ở Campuchia nên đã mua một khẩu súng ở bên đó rồi cất giấu nhằm phòng thân. Khi trở về Việt Nam, Phú đi làm ăn ở các tỉnh phía Nam và mới trở về quê xây nhà.
Tại hiện trường, công an thu giữ 1 khẩu súng, 1 viên đạn và nhiều vỏ đạn.
Nguyễn Phê