- Vết trượt dài của cô gái hám danh
- Vết trượt tội lỗi và ma lực của tiền bẩn
- Vết trượt của một cán bộ Nhà nước trong đường dây tội phạm ma túy
Tân bảo rằng, cuộc đời mình là cả một chuỗi thăng trầm mà bản thân nhiều khi nghiệm lại thấy rằng “mọi chuyện đều do mình mà ra”…
Phạm nhân Nguyễn Mạnh Tân (SN 1984, thường trú phường Vĩnh Phúc, quận Ba Đình, TP Hà Nội) có dáng người cao to, chắc nịch, đúng “phom” của một vận động viên môn đấu kiếm chuyên nghiệp của đội tuyển quốc gia. Tân hiện đang chấp hành mức án 20 năm ở Phân trại 7, Trại giam Thủ Đức (đóng tại huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận) về tội “Mua bán trái phép chất ma túy”.
Trong câu chuyện về cuộc đời mình, Tân chia sẻ, khi đang học cấp 3 đã được Câu lạc bộ Đấu kiếm Hà Nội về tận trường chọn lựa vào tập luyện do thấy được tố chất của cậu học trò cao lớn hơn hẳn chúng bạn. Chỉ 6 tháng sau, Tân đã được đưa đi Thái Lan tham dự một giải trẻ và tại giải đấu này Tân đoạt ngay Huy chương Vàng (2002).
Phạm nhân Nguyễn Mạnh Tân chia sẻ với phóng viên. |
Về nước, Tân lập tức được gọi lên đội tuyển quốc gia. Sau đó, Tân được đưa qua Trung Quốc tập luyện hơn 1 năm. Với khả năng thiên bẩm cùng sự tập luyện hiệu quả, Tân đã đoạt Huy chương Đồng môn đấu kiếm tại giải SEA Games 22 tổ chức tại Việt Nam vào năm 2003.
Sau đó, từ năm 2003 đến 2007, Tân liên tục được đưa đi tập luyện cũng như thi đấu ở nhiều giải trong và ngoài nước, từ giải trẻ đến giải chuyên nghiệp và cũng đoạt được nhiều giải cao, đáng ghi nhận.
Tuy nhiên, sau khi lấy vợ vào năm 2004, cuộc sống thay đổi, Tân đã chọn ngã rẽ khác. “Lúc trước em một thân một mình thì theo đam mê thể thao, nhưng khi đã có gia đình thì chuyện thu nhập và cơm áo gạo tiền bắt đầu gây áp lực lên bản thân. Bởi nói thật thì thu nhập từ thể thao thời điểm ấy không đủ để em có thể lo cho gia đình riêng của mình nên em quyết định nghỉ để ra ngoài đi làm”, Tân giải thích.
Sau khi đi làm tài xế lái xe một thời gian, năm 2011, Tân vào TP Hồ Chí Minh dự tính theo nghề tiếp viên hàng không, dù bỏ ra nhiều công sức, nhưng cuối cùng cũng không được toại nguyện. “Không được như ý nên em chán nản bỏ đi chơi bời. Và trong một lần vào quán bar chơi (tháng 10/2012), em gặp một người anh“xã hội” cũng ở Hà Nội vào tên Trần Quang Hoàng (không xác định lai lịch). Người này em biết từ hồi còn ở Hà Nội và đã lôi kéo em vào con đường tội lỗi...”, Tân có vẻ chùng giọng.
Theo lời Tân thì lúc đầu Tân hoàn toàn không biết gì về việc làm phạm pháp của Hoàng và lúc đó Tân chưa hề dính líu gì tới ma túy. Khi được kêu về làm nhân viên đi thu tiền công việc liên quan đến bóng đá như lời Hoàng giới thiệu với mức lương khá cao, Tân nhận lời.
“Thời gian đầu em làm việc thấy cũng không có gì bất thường. Nhưng khoảng thời gian sau đó, khi biết mình dính vào đường dây ma túy của anh ta thì em không thể rút ra được nữa”, Tân cay đắng kể lại. Theo đó, vào khoảng tháng 12/2012, Hoàng gợi ý cho Tân thuê nhà và nói trả thêm cho Tân 10 triệu đồng mỗi tháng. Cứ thế, Tân đã trở thành một đồng phạm trong đường dây ma túy này.
Sáng 7/1/2013, Hoàng gọi điện thoại kêu Tân gặp một người tên Thông để nhận ma túy và đi giao cho khách hàng để nhận 150 triệu đồng về cho Hoàng. Đến 15h cùng ngày, Tân đi nhận gói ma túy do Thông giao… Khoảng 20h cùng ngày, tại trước nhà số 361 Tân Hòa Đông, phường Bình Trị Đông, quận Bình Tân, Tân và một người khác đã bị Công an bắt quả tang khi đang trên đường giao ma túy cho khách.
Khám xét tại nơi ở của Tân, Công an phát hiện và thu giữ thêm một khối lượng ma túy khác. Tổng số ma túy mà Tân bị bắt giữ là gần 1,4kg MDMA, Methamphetamine và Ketamine. “Với số lượng ma túy đó, đúng ra em có thể bị kết án chung thân, thậm chí tử hình. Nhưng do em thành khẩn khai báo, bản thân có thành tích thể thao, gia đình có công với cách mạng,… nên em được khoan hồng, nhận mức án 20 năm tù giam. Sau khi bản án có hiệu lực, em được đưa về Trại giam Thủ Đức để chấp hành án”, Tân cho biết.
Tân cũng cho biết, lúc đầu khi vào trại với bản án 20 năm tù, một khoảng thời gian rất dài, Tân tỏ ra chán nản và buồn bã, vì nghĩ rằng bản thân chẳng còn chút tương lai hay hy vọng nào nữa. Nhưng nhờ sự động viên của cha mẹ, anh chị em trong gia đình, cùng với những gì mắt thấy tai nghe tại trại, sự giúp đỡ của Ban giám thị, hội đồng cán bộ cũng như cán bộ quản giáo, Tân cảm thấy ấm lòng và yên tâm cải tạo.
Cũng chính vì sự nghiêm túc chấp hành nội quy của trại, chăm chỉ cải tạo, sau khi chấp hành án một năm, Tân được giao làm trưởng ban tự quản, giúp theo dõi các mặt chế độ chính sách, ăn ở, vui chơi giải trí cho phạm nhân. Bên cạnh đó, vốn là dân thể thao chuyên nghiệp nên mọi hoạt động văn nghệ, thể dục thể thao của trại dành cho phạm nhân, Tân đều tích cực tham gia…
“Điều em mong muốn nhất là sẽ chăm chỉ cải tạo tốt để được giảm án về sớm với gia đình. Đến nay em đã được giảm án hai mức là 13 tháng, 19 tháng”, Tân kể.
Nhắc tới gia đình riêng của mình, Tân có vẻ hơi chùng xuống. Tân chia sẻ, lúc đầu Tân giấu vợ con mọi chuyện xảy ra với mình. Nhưng sau bản thân suy nghĩ nhiều đến tình trạng và hoàn cảnh của mình nên Tân đã để người vợ của mình đơn phương ly hôn, sau khi Tân chấp hành án tù được khoảng 4 năm.
“Em chấp nhận ly hôn vì không thể bắt cô ấy chờ mình lâu như thế. Theo em biết thì sau đó cô ấy đã đi bước nữa. Hai đứa con em, trai 7 tuổi ở với nhà ông bà nội, còn con gái đầu 16 tuổi ở với mẹ (Hà Nội). Mấy năm trước khi con gái vào cấp 3, mẹ em mới dám đưa cháu vào trại thăm em. Điều đáng mừng là con gái em đã thấu hiểu và còn động viên em cải tạo tốt…”, Tân nói như đang tự sự.
Tân chiêm nghiệm: “Dù nói gì đi nữa, với những gì đã xảy ra thì em phải chấp nhận hậu quả từ những quyết định, việc làm của mình. Không thể trách cứ ai được cả, do đó bản thân em tự nhủ phải mạnh mẽ, cố gắng để có thể giúp chính bản thân mình đứng dậy, cố gắng cải tạo, sớm được giảm án để chuộc lỗi với cha mẹ, anh em, các con của mình, đồng thời cũng là thay lời cảm ơn sự quan tâm, giúp đỡ của Ban giám thị cũng như các cán bộ của Trại giam Thủ Đức…”.
Xem thêm: /075936-ut-man-02-na-gnam-meik-uad-neiv-gnod-nav-auc-tourt-teV/311-nit-naB/nv.moc.dnac