Xe đạp trong dự án thí điểm cho người dân chạy thử - Ảnh: M.L
Giữa tháng 4, UBND TP.HCM đã thống nhất triển khai dự án xe đạp công cộng (dự án Mobike) ở quận 1 trong thời gian 12 tháng. Nhà đầu tư sẽ tự bỏ chi phí, vận hành để thực hiện.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Đỗ Bá Dân - chủ tịch hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn Trí Nam (đơn vị thí điểm) - cho biết sẽ có 43 vị trí đặt xe đạp trên các tuyến đường ở quận 1. Người dùng tải ứng dụng Mobike trên điện thoại rồi quét tìm xung quanh để biết điểm trạm nào còn xe ở vị trí gần nhất, và dùng ứng dụng quét mã code mở khóa xe.
Để bắt đầu sử dụng dịch vụ, người dùng nạp tiền trước qua tài khoản ngân hàng, thẻ tín dụng hoặc nộp trực tiếp. Sau khi sử dụng, có thể trả xe tại bất kỳ trong số 43 trạm đã được thiết lập.
* Thưa ông, sau khi được TP cho phép thí điểm, dự kiến khi nào xe đạp sẽ chính thức vận hành?
- Dự kiến xe đạp công cộng sẽ vận hành chính thức vào ngày 2-9. Trước ngày vận hành, công ty sẽ tổ chức chạy thử từ 10 - 20 ngày trong tháng 8 năm nay. Hiện công ty đang nhập 500 xe đạp về nước, trong đó 400 xe đưa ra chạy và 100 xe dự phòng. Trường hợp nhu cầu người dân sử dụng nhiều, công ty sẽ kiến nghị TP bổ sung thêm.
Trong tuần này, công ty sẽ trình kế hoạch để tiến hành đo vẽ các vị trí ô để xe và bắt đầu thi công. Mỗi trạm có 10 - 20 xe đạp, mỗi xe đều được gắn khóa thông minh, có tính năng định vị GPS, gắn biển và được đưa vào hệ thống quản lý để thuận tiện cho bảo trì, bảo dưỡng. Trên xe có trang bị đèn để đi ban đêm, đảm bảo chắc chắn bền bỉ phù hợp với thời tiết tại TP.
* Về mức giá thuê sử dụng xe đạp ra sao?
- Trong giai đoạn đầu, dự kiến công ty sẽ phối hợp với các bạn sinh viên tham gia hỗ trợ cài đặt, hướng dẫn cho người dùng biết cách thanh toán thuê xe tại các trạm. Mức giá thuê xe đạp được áp dụng 5.000 đồng/30 phút. Công ty đang xây dựng thêm khung thời gian thuê theo ngày, đồng thời có các chính sách khuyến mãi nhằm khuyến khích người dân tham gia. Chẳng hạn như người đi thường xuyên sẽ có gói rẻ hơn nhằm tạo thói quen cho người dùng.
* Lần đầu tiên thực hiện ở khu vực trung tâm TP, ông kiến nghị gì cho việc phát triển xe đạp của TP?
- Quan trọng nhất là việc thí điểm phải thành công. Khi làm thành công, chúng ta mới nghĩ đến hướng phát triển rộng hơn. Trước đây, khi chúng tôi đề xuất đề án, có nhiều người nói khó có thể thành công nhưng đó là quan điểm của mọi người. Tuy nhiên, theo tôi, mình phải làm và phải có bước đi để tìm ra kết quả. Nếu chưa làm mà cứ nghĩ thất bại thì đến bao giờ xe đạp mới phổ biến ở TP được.
Xe đạp có mục tiêu sẽ kết nối các loại hình giao thông có khối lượng lớn như xe buýt, metro; kết nối giữa các trung tâm thương mại, giữa các phố đi bộ với nhau... Khi đã coi xe đạp như một loại phương tiện công cộng, trong hoạch định giao thông tới đây TP cần chú ý tới đường sá, bến bãi cho loại hình này. Khi xe đạp công cộng phát triển nhiều, nhu cầu sử dụng xe cá nhân ở khu vực trung tâm sẽ giảm đi. TP sẽ có khoảng không gian để tổ chức lại giao thông.
Các tuyến đường có trạm xe đạp
Theo Sở Giao thông vận tải TP.HCM, 43 vị trí làm trạm để xe đạp trong thời gian thí điểm nằm trên vỉa hè các tuyến đường thuộc quận 1, TP.HCM: Hàm Nghi, Nguyễn Huệ, Võ Văn Kiệt, Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Phạm Hồng Thái, Nguyễn Thị Nghĩa, Phạm Ngũ Lão, Lê Duẩn, Nguyễn Thị Minh Khai, Phạm Ngọc Thạch, Tôn Đức Thắng, Công xã Paris, Lê Thánh Tôn, Nguyễn Văn Thủ, Nguyễn Đình Chiểu, Lê Thị Hồng Gấm, Lê Lợi, Trần Hưng Đạo, Cách Mạng Tháng 8, Thủ Khoa Huân, Lê Văn Hưu, Nguyễn Du, góc đường Điện Biên Phủ - Hai Bà Trưng.
TTO - Chiều 18-12, Sở Giao thông vận tải TP.HCM cho biết lãnh đạo UBND TP đã đồng ý chủ trương thí điểm mô hình xe đạp công cộng Mobike tại một số khu vực ở trung tâm TP.
Xem thêm: mth.30584058030501202-gnod-taoh-oav-gnoc-gnoc-pad-ex-aud-es-1202-9-gnaht/nv.ertiout