Hình ảnh các gia tộc kinh doanh hàng đầu của Ấn Độ thường xuất hiện trên các phương tiện truyền thông cùng với việc kí kết các hợp đồng trị giá nhiều hàng tỷ USD và các thương vụ thâu tóm doanh nghiệp đình đám, nhưng thỉnh thoảng họ còn được lên báo vì một chủ đề hoàn toàn khác. Đó là cuộc chiến tranh giành tài sản trị giá nhiều tỷ USD giữa các thành viên.
Hồi tháng 3, dư luận Ấn Độ chứng kiến đỉnh điểm của một trong những thước phim truyền hình xấu xí diễn ra trong phòng xử án giữa tỷ phú Ratan Tata, 83 tuổi, chống lại người họ hàng và cựu "môn đồ" Cyrus Mistry, chủ tịch điều hành đầu tiên của tập đoạn với tổng trị giá thị trường 106 tỷ USD.
Sau 4 năm làm chủ tịch, ông Mistry đã bị cách chức vào năm 2016. Tuy nhiên, thay vì ra đi một cách lặng lẽ, người đàn ông 52 tuổi quyết định kiện "người thầy" ra tòa, tuyên bố mình bị sa thải vô lý. Tuy nhiên, Tòa án Tối cao Ấn Độ đưa ra phán quyết rằng quyết định cách chức ông ta vì thành tích kém cỏi là hợp pháp.
Phán quyết này đã trở thành một sự kiện nóng, khi hàng triệu người Ấn Độ ngồi dán mắt vào TV của họ theo dõi những khúc quanh trong câu chuyện tranh chấp kéo dài nhiều năm giữa Tata và Mistry. Cùng lúc đó, hầu hết các nhà quan sát chỉ thở phào nhẹ nhõm khi cuộc tranh chấp, vốn gây chú ý toàn cầu không mong muốn cho quốc gia Nam Á tỷ dân, đã đi đến hồi kết.
Ông Cyrus Mistry, cựu chủ tịch Tập đoàn Tata Group
Những cuộc chiến gia tài gay cấn
Mối thù giữa các thành viên gia tộc lừng lẫy khác của Ấn Độ cũng ồn ào không kém. Theo Viện nghiên cứu Credit Suisse, quốc gia này đứng thứ ba trên toàn cầu với 111 công ty có tổng vốn hóa thị trường là 839 tỷ USD vào năm 2018.
"Các doanh nghiệp gia đình, bao gồm cả doanh nghiệp gốc Ấn Độ trong hệ thống dữ liệu của chúng tôi, tiếp tục chứng kiến tốc độ tăng trưởng và lợi nhuận tăng cao bất chấp những khó khăn từ đại dịch COVID-19," Mihir J. Doshi, Giám đốc điều hành kiêm Giám đốc điều hành quốc gia tại Credit Suisse Ấn Độ, tuyên bố trong một thông cáo báo chí.
Có lẽ vụ đối đầu nổi tiếng nhất thuộc gia tộc giàu nhất Ấn Độ, Mukesh Ambani, với khối tài sản ròng 91 tỷ USD với tư cách là giám đốc điều hành của Reliance Industries và em trai ông là Anil, chủ tịch Tập đoàn Reliance ADA.
Sau khi ông bố Dhirubhai Ambani - người sáng lập đế chế kinh doanh Reliance - qua đời mà không để lại di chúc vào năm 2002, Mukesh với tư cách là anh trai cả được đề cử vào ghế chủ tịch và giám đốc điều hành của Reliance Industries trong khi Anil tiếp quản quyền phó chủ tịch. Nhưng hai người đã xung đột liên tục trong 4 năm sau đó cho đến khi bà mẹ đã dàn xếp một thỏa thuận ngừng tranh chấp vào năm 2006.
Ông Dhirubhai Ambani, bên trái, cùng 2 con trai, Mukesh, bên phải, và Anil Ambani.
Theo đó, đế chế Reliance bị chia nhỏ, với ông Mukesh nắm quyền tại Reliance Industries và Anil tiếp quản các bộ phận viễn thông, quyền lực, giải trí và dịch vụ tài chính. Tuy nhiên, trong những năm kể từ khi phân chia tài sản bằng nhau, vận may của hai anh em đã đi theo những quỹ đạo khá khác nhau.
Theo Danh sách người giàu toàn cầu năm 2021 của Hurun, ông Mukesh Ambani hiện là người giàu thứ 8 trên thế giới với khối tài sản 83 tỷ USD .
Trong khi đó,người em trai - từng là một trong những người giàu nhất thế giới - đang ngập trong nợ nần do làm ăn thất bát. Năm ngoái, các luật sư của Anil khi tranh luận tại một tòa án Anh đã tuyên bố giá trị tài sản ròng của ông ta bằng 0, mặc dù đã có nhiều nghi ngờ về tuyên bố này. Vụ kiện này do ba ngân hàng Trung Quốc đứng đơn, kiện ông Anil 680 triệu USD tiền lệ phí sau khi bị cáo buộc vi phạm đảm bảo cá nhân đối với khoản vay tái cấp vốn khoảng 925 triệu USD.
Sự đối đầu giữa những anh chị em ruột trong tập đoàn Hinduja có trụ sở tại Anh càng làm trầm trọng tính phức tạp trong hoạt động điều hành công ty và tính pháp lý. Đế chế trị giá 11 tỷ USD trải dài trên khắp 38 quốc gia được điều hành bởi 4 anh em người Ấn Độ - Srichand, Gopichand, Prakash và Ashok - và có cổ phần trong các lĩnh vực ô tô, dịch vụ tài chính, CNTT, truyền thông, cơ sở hạ tầng, năng lượng, hóa chất và y tế.
Vào năm 2014, hai người con trai đã ký một lá thư tuyên bố rằng tài sản do một người nắm giữ là thuộc về tất cả 4 anh em, và mỗi thành viên sẽ chỉ định những người khác làm người thi hành công việc của mình. Nhưng Srichand, 84 tuổi, con trai trưởng, muốn bức thư đó được tuyên bố là vô hiệu và tài sản của gia đình được chia theo mong muốn của ông và con gái Vinoo - một đề xuất không nhận được sự tán thành của các thành viên khác trong gia đình.
Một cuộc chiến pháp lý khác giữa thành viên trong gia đình đã phá huỷ dòng tộc Bajaj vốn gắn bó thân thiết, do ông Rahul Bajaj, 82 tuổi, lãnh đạo, từ năm 2002 sau khi một số anh em trai, em họ và những người con quyết định muốn giành tài sản cho mình.
Tranh cãi về tương lai của tập đoàn - một trong những doanh nghiệp lâu đời nhất và lớn nhất của Ấn Độ hoạt động các lĩnh vực bao gồm các phương tiện vận chuyển, bảo hiểm, đường, thép và thiết bị điện gia dụng - tiếp tục cho đến năm 2006 khi vấn đề cuối cùng được dàn xếp với sự hỗ trợ của Uỷ ban Luật doanh nghiệp do chính phủ điều hành.
Đau đầu giải pháp kế thừa các doanh nghiệp khổng lồ
Theo các chuyên gia pháp lý, phần lớn tranh cãi giữa các doanh nghiệp thuộc sở hữu gia đình tại Ấn Độ có thể tránh được với việc lập kế hoạch kế tục doanh nghiệp rõ ràng. Tuy nhiên, một báo cáo năm 2018 từ Edelweiss Private Wealth Management, một trong những công ty quản lý tài sản lớn nhất Ấn Độ và Campden Family Connect, cho thấy chỉ 19% trong số 78 gia đình Ấn Độ với giá trị tài sản ròng trung bình là 645 triệu USD đã chính thức đồng thuận với những thỏa thuận như vậy.
Các nhà quan sát cho biết cũng có thể tránh được xích mích trong gia đình bằng cách tăng cường vai trò của các thành viên hội đồng quản trị độc lập hoặc nhờ các cố vấn độc lập từ bên ngoài gia đình.
Theo các nhà hoạt động, việc bổ sung phụ nữ vào vị trí lãnh đạo cũng có thể giúp tránh xung đột và cho rằng New Delhi đang bị suy yếu do sự vắng mặt của phụ nữ trong các cấp lãnh đạo cao nhất tại doanh nghiệp.
Theo báo cáo quản trị công ty do các công ty nộp vào năm 2018, chỉ 118 trong số 500 công ty hàng đầu được niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán Quốc gia Ấn Độ năm 2018 có thành viên hội đồng quản trị độc lập là nữ.
“Theo truyền thống, các gia đình có xu hướng muốn các doanh nghiệp được truyền lại cho những người thừa kế là nam giới,” luật sư Girish Patnaik có trụ sở tại Mumbai cho biết. “Điều này tạo ra một xu hướng nguy hiểm không chỉ làm tổn hại đến sự phát triển và tính toàn diện của doanh nghiệp mà còn tước đi cơ hội bình đẳng của những phụ nữ tài năng.”