vĐồng tin tức tài chính 365

Ước mơ một làng du lịch cộng đồng không rác thải

2021-05-04 03:16

Ước mơ một làng du lịch cộng đồng không rác thải

Nhân Tâm

(KTSG Online) - Mười ba doanh nghiệp cùng người dân làng chài Tân Thành, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam cam kết phát triển khu vực Tân Thành trở thành làng du lịch cộng đồng bền vững, lấy kinh tế tuần hoàn làm điểm tựa.

Sau khi được bàn giao cơ sở phục hồi tài nguyên và hướng dẫn phân loại (ảnh 1), các doanh nghiệp tại làng chài Tân Thành phải có trách nhiệm vận động và cùng nhau thu gom chất thải rắn (ảnh 2, 3) trước khi chất thải được phân loại đưa đi tái chế thành các sản phẩm hữu dụng (ảnh 4, 5 và 6). Ảnh: Nhân Tâm

Tập kết, phân loại, tái chế chất thải rắn

Chị Phạm Thị Hải Nguyên (tên thường gọi là Jenny) - chủ của Sea'lavie Boutique Resort & Spa - tự hào khoe cửa hàng chuyên các mặt hàng tái chế mang tên “Refill Station” mới vừa đi vào hoạt động ngay trong khuôn viên resort của mình.

Với khẩu hiệu “Làm ơn, giữ cho biển của chúng ta sạch bóng rác thải nhựa!”, tại Refill Station, khách hàng có thể đem đến tặng những hộp, chai nhựa hoặc thủy tinh mình không còn dùng đến nữa. Những hộp này được làm sạch và dành cho những khách hàng khác nếu cần khi mua nước rửa chén được làm từ vỏ trái cây tại đây. Vải tái chế, xà phòng tái chế…cũng được bán tại đây.

Refill Station nằm trong khu vực biển Tân Thành, nơi đang diễn ra Chợ phiên làng chài Tân Thành hai ngày cuối tuần do chị Jenny cùng một vài doanh nhân sáng lập với một muốn tạo ra một cộng đồng du lịch làng chài, với mục tiêu gắn kết với cộng đồng địa phương và tôn vinh giá trị bền vững để phát triển.

Mục tiêu của nhóm doanh nhân này tiến thêm một bước quan trọng khi ngày 3-5-2021, họ nhận bàn giao cơ sở phục hồi tài nguyên từ Hiệp hội Du lịch Quảng Nam, Green Youth Collective và Reform Plastic (hai đơn vị sau chuyên thu gom và tái chế, sản xuất chất thải rắn thành các sản phẩm gia dụng).

Cơ sở này sẽ là điểm tập kết các loại chất thải rắn được phân loại, bao gồm tất cả đồ nhựa, giấy, kim loại và chất thải nguy hại. Theo định kỳ, thành viên từ Green Youth Collective và Reform Plastic đến cơ sở này để thu gom và chuyển về cơ sở tái chế hiện được đặt tại trung tâm xử lý rác thải Hội An.

Cửa hàng Refill Station của doanh nhân Jenny trong làng chài Tân Thành nhận thu gom chai nhựa không dùng đến và bán các sản phẩm tái chế. Ảnh: Nhân Tâm

“Chúng tôi phải mất 2 tháng để xây dựng lòng tin, thuyết phục mọi người tại đây quyên góp tiền, công sức, vật chất… để xây dựng nên cơ sở này. Đó là thách thức, nhưng cuối cùng cũng thành công vì mọi người hiểu được giá trị của nó”, chị Jenny kể.

Chị Hà Lương, chủ Salt Pub & Restaurant, chia sẻ thêm cùng nhau xây dựng cơ sở này quan trọng, nhưng duy trì và phát triển cùng với thay đổi nhận thức của mọi người cũng quan trọng không kém và cũng là một thách thức lớn. “Chúng tôi muốn gửi đi thông điệp rằng chúng tôi làm du lịch nhưng cố gắng hết sức bảo vệ môi trường”, chị Hà Lương, thành viên của cộng đồng du lịch làng chài Tân Thành, chia sẻ.

Tại buổi bàn giao, chị Vũ Mỹ Hạnh, đại diện cho đơn vị thu gom và tái chế, chia sẻ với các doanh nghiệp và cư dân tại Tân Thành một số phương pháp thu gom hiệu quả. “Chúng ta sẽ thử nghiệm trong vòng 3 tháng việc thu gom và đánh giá mức độ tham gia của từng doanh nghiệp và hộ dân tại đây, sau đó rút ra những bài học kinh nghiệm để sau này tiến tới trao giấy chứng nhận không rác thải nhựa cho các cơ sở tuân thủ các điều kiện về xử lý rác thải nhựa”, chị Hạnh cho biết.

Từ chợ phiên đến hợp tác xã du lịch cộng đồng

Cũng trong sáng nay, cộng đồng du lịch làng chài Tân Thành cùng với Hiệp hội Du lịch Quảng Nam đã khai trương nhà cộng đồng Tân Thành. Đây sẽ là nơi để các tiểu thương giới thiệu và bán các sản phẩm của mình trong tuần bên cạnh tham gia chợ phiên cuối tuần.

Jenny cùng với các doanh nhân khác đã xây dựng nên nhà cộng đồng để hỗ trợ các tiểu thương cũng như tạo ra nơi trao đổi hàng hóa với mục đích nhân văn. Ảnh: Nhân Tâm

Bên cạnh đó, nhà cộng đồng cũng là nơi tiếp nhận quyên góp các sản phẩm của nhà hảo tâm, từ sách, báo cũ đến áo, quần hay vật phẩm cũ, không dùng đến nữa để tặng những người cần đến hoặc có hoàn cảnh khó khăn. 

“Nhà cộng đồng này ra đời nằm trong kế hoạch phát triển cộng đồng du lịch làng chài Tân Thành để nơi đây không chỉ có chợ phiên mà còn nhiều hoạt động khác, hướng tới hình thành hợp tác xã du lịch làng chài Tân Thành bền vững”, anh Lê Quốc Việt, chủ Santa Sea Villa Hội An và cũng là thành viên cộng đồng doanh nghiệp tại đây, nói và chia sẻ thêm nhóm doanh nghiệp mong muốn xây dựng chợ phiên và cộng đồng trở thành điểm du lịch văn hóa mới lạ, độc đáo, giàu bản sắc biển, làng chài của Hội An.

Ra đời từ tháng 9 năm ngoái dưới sự quản lý của UBND thành phố Hội An và sự bảo trợ của Hiệp hội Du lịch Quảng Nam, chợ phiên họp thứ 7 và Chủ nhật hàng tuần, từ 8g sáng đến 8g tối với tổng số người bán duy trì thường xuyên là 40 và hoạt động theo đúng tiêu chí xanh, sạch, thân thiện môi trường, có bản sắc, nhận diện riêng.

Những sản phẩm tại đây được "gia công" lại từ những đồ bỏ đi và trở thành sản phẩm hoàn toàn mới, phục vụ cộng đồng. Ảnh: Nhân Tâm

Khi đã dần hình thành thương hiệu cộng đồng, theo anh Việt, việc hình thành hợp tác xã du lịch cộng đồng sẽ thành hiện thực một ngày không xa với những bước đi bài bản, bao gồm ra mắt sản phẩm du lịch cộng đồng, đăng ký là sản phẩm OCOP Quảng Nam, xây dựng sản phẩm điểm đến chung, các hoạt động trải nghiệm, sử dụng chéo các dịch vụ, cùng quảng bá dưới 1 thương hiệu chung và riêng để tiết kiệm nguồn lực và chi phí và cùng triển khai bán hàng đến các thị trường mục tiêu muốn hướng tới, ví dụ: hãng lữ hành, khách lẻ, khách MICE…

“Mỗi nhà tự hoàn thiện, trang trí cơ sở mình và mở cửa thành điểm tham quan, check in, sử dụng dịch vụ chung cho khách cũng như tạo ra/ bán các đặc sản ẩm thực đặc trưng để tăng nhận diện và tính hấp dẫn của nơi này”, anh Việt nói và chia sẻ khi khu vực làng chài này “sáng đèn” sẽ phần nào đó giúp giảm áp lực khách quá tải tại phố cổ Hội An khi du lịch trở lại bình thường.

“Chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ kỹ thuật, tư vấn và thậm chí kinh phí lập website để phát triển mô hình du lịch cộng đồng nơi đây”, ông Hà Thanh Hải, Chuyên gia cao cấp phát triển doanh nghiệp du lịch của Chương trình Du lịch bền vững Thụy Sĩ (SSTP), chia sẻ. “Du lịch cộng đồng muốn thành công phải gắn kết bền vững với cộng đồng và thu chi tài chính phải minh bạch”.

Mười ba doanh nghiệp cam kết biến khu vực làng chài Tân Thành trở thành hợp tác xã du lịch cộng đồng làng chài Tân Thành bên vững trong tương lai. Ảnh chụp lúc chưa có ca Covid-19 mới trong cộng đồng. Ảnh: Nhân Tâm

Bền vững cũng là từ mà anh Phan Xuân Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam nhắc đến khi nói đến hướng phát triển của cộng đồng du lịch làng chài Tân Thành. “Đến một ngày nào đó ngành du lịch bắt buộc phải hướng đến phát triển sâu, bền vững và góp phần phục dựng tài nguyên”, anh Thanh nói và chia sẻ thêm hiệp hội sẽ đồng hành và hỗ trợ để biến nơi đây thành điểm đến du lịch cộng đồng bền vững được chứng nhận đầu tiên tại Việt Nam.

Xem thêm: lmth.iaht-car-gnohk-gnod-gnoc-hcil-ud-gnal-tom-om-cou/579513/nv.semitnogiaseht.www

Comments:0 | Tags:No Tag

“Ước mơ một làng du lịch cộng đồng không rác thải”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools