vĐồng tin tức tài chính 365

Lỗ hổng trong quản lý đất đai nhìn từ các đại án tham nhũng: Quan chức “nhúng chàm” vì… đất!

2021-05-04 09:25

Những năm gần đây, hàng loạt vụ tham nhũng, gây thất thoát lãng phí đất đai nói riêng và tài sản công nói chung được phát hiện, xử lý. Điều này cho thấy công cuộc phòng, chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước ta ngày càng quyết liệt và điểm “đúng huyệt” của nạn tham nhũng. Qua đó cũng rút ra những bài học về công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực tài nguyên đất đai, công sản còn nhiều kẽ hở để xảy ra tham nhũng, thất thoát, lãng phí trong quá trình thực thi các chính sách về kinh kế - xã hội.

Cán bộ cấp cao vào tù… vì đất

Thời gian qua, hàng loạt vụ sai phạm, tham nhũng của các quan chức từ Trung ương đến địa phương được phanh phui, xử lý. Điều đặc biệt là nhiều quan chức bị kỷ luật, thậm chí bắt giam đều liên quan đến sai phạm trong quản lý, sử dụng đất.

Mới đây nhất, vào cuối tháng 4.2021, TAND TP.Hà Nội đã tuyên án tại phiên tòa xét xử sơ thẩm cựu Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng và 9 đồng phạm trong vụ án "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí" và "Vi phạm các quy định về quản lý đất đai" xảy ra tại Bộ Công Thương và Thành phố Hồ Chí Minh (TPHCM). Theo đó, Tòa đã tuyên phạt cựu Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng (sinh năm 1953) 11 năm tù. Các bị cáo còn lại nhận mức án từ 30 tháng tù treo đến 9 năm tù.

Bản án sơ thẩm nhận định, Hồ Thị Kim Thoa (nguyên Thứ trưởng Bộ Công Thương) đã có hành vi đồng phạm giúp sức tích cực trong vụ án. Bà Thoa là người trực tiếp ký các văn bản hoặc tham mưu, đề xuất để bị cáo Vũ Huy Hoàng duyệt, ký các văn bản chấp thuận chủ trương cho Tổng Công ty Cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) thực hiện dự án bất động sản không phải là ngành nghề kinh doanh chính, chấp thuận cho liên kết thành lập công ty cổ phần làm chủ đầu tư dự án và chuyển giao khu đất cho công ty cổ phần không phải doanh nghiệp nhà nước. Sau khi công ty cổ phần được thành lập, bà Thoa không chỉ đạo Sabeco thực hiện dự án mà lại tham mưu cho lãnh đạo Bộ Công Thương thoái toàn bộ vốn góp của Sabeco.

Tại TPHCM trong giai đoạn 2010-2016 đã xảy ra nhiều vụ tham nhũng liên quan đến quản lý, sử dụng đất đai, việc này đã khiến nhiều cán bộ lãnh đạo thành phố và các sở ban ngành của địa phương bị kỷ luật, cách chức, thậm chí bị khởi tố. Tháng 12.2018, Cơ quan Cảnh sát điều tra khởi tố ông Nguyễn Thành Tài - nguyên Phó Chủ tịch UBND TPHCM và một số cán bộ thuộc cấp sở về tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí liên quan đến dự án tại số 8-12 Lê Duẩn (quận 1).

Về bản chất vụ án này, năm 2007, UBND TPHCM chủ trương thu hồi "khu đất vàng" tại số 8-12 Lê Duẩn để đấu thầu chọn nhà đầu tư uy tín, kinh nghiệm xây dựng khách sạn 5 sao và một phần trung tâm thương mại. Ông Nguyễn Thành Tài là người chỉ đạo, thực hiện hành vi ký nhiều văn bản quyết định và chỉ đạo các cán bộ cấp dưới tạo điều kiện và chấp thuận cho Công ty Hoa Tháng Năm của bị cáo Lê Thị Thanh Thúy được thực hiện dự án khách sạn tiêu chuẩn 5 sao và một phần trung tâm thương mại tại khu “đất vàng” trên theo hình thức chỉ định, không qua đấu thầu dự án hay đấu giá quyền sử dụng đất. Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, khu đất số 8-12 Lê Duẩn nếu thực hiện việc đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định ước sẽ thu về ngân sách trên 2.000 tỉ đồng. Vào tháng 9.2020, TAND TPHCM tuyên án với 5 bị cáo trong vụ giao, cho thuê khu đất 8-12 Lê Duẩn trái pháp luật. Nguyên Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Tài lãnh án 8 năm tù.

Còn tại Đà Nẵng, vụ việc tiếp tay cho Vũ “nhôm” thâu tóm đất công tại Đà Nẵng cũng được dư luận quan tâm. Ông Trần Văn Minh (nguyên là Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Đà Nẵng 2006 - 2011), ông Văn Hữu Chiến (nguyên là Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Đà Nẵng khóa VIII nhiệm kỳ 2011-2016) bị cáo buộc đã lạm dụng chức vụ, chỉ đạo cấp dưới xây dựng các văn bản pháp lý, nhanh chóng hoàn thành hồ sơ, thủ tục để giúp Phan Văn Anh Vũ (Vũ “nhôm) được nhận chuyển nhượng các dự án không qua đấu giá quyền sử dụng đất, với giá chuyển quyền sử dụng đất thấp hơn giá do UBND TP.Đà Nẵng quy định. Tại nhiều nhà, đất công sản khác, các vị này cũng đã sắp xếp các thủ tục pháp lý phù hợp, nhằm giảm hệ số sinh lợi, giảm giá trị công sản... để bán rẻ cho Vũ “nhôm”.

Chế tài trong Luật Đất đai quy định rất chung chung

Trên đây chỉ là một vài ví dụ trong hàng loạt vụ sai phạm về quản lý đất đai trên phạm vi cả nước trong thời gian qua. Các chuyên gia cho rằng, một số lỗ hổng trong Luật Đất đai và các văn bản dưới luật đã bị các nhóm lợi ích lợi dụng, thao túng, tự tung tự tác. Điều này cho thấy nhu cầu bức thiết cần phải sửa đổi Luật Đất đai để bịt các lỗ hổng đó.

Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh nhận định, sai phạm về đất đai chủ yếu diễn ra dưới các hình thức: Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để làm trái quy định về quản lý đất đai; nhận chuyển nhượng quyền sử dụng (QSD) đất nông nghiệp vượt hạn mức đối với hộ gia đình, cá nhân; không sử dụng hoặc sử dụng đất không đúng mục đích; không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước.

“Sai phạm về đất đai trong giai đoạn 2014-2018 vẫn diễn ra phổ biến, thường xuyên, phức tạp ở hầu hết các nội dung và các cấp quản lý, tổ chức, cá nhân sử dụng đất với các mức độ từ ít nghiêm trọng đến nghiêm trọng, thậm chí rất nghiêm trọng. Có những sai phạm kéo dài và chậm xử lý, gây hậu quả lớn về kinh tế - xã hội, điển hình như vụ việc Vũ “nhôm”, Út “trọc”…” - TS Vũ Đình Ánh nói.

Cũng theo ông Ánh, tình trạng định giá đất chưa phù hợp làm méo mó sự vận động của thị trường bất động sản cũng là nguyên nhân làm nảy sinh hàng loạt sai phạm trong quản lý tài chính về đất đai như thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất, tính giá trị doanh nghiệp nhà nước khi thực hiện cổ phần hóa.

Trong khi đó PGS-TS Nguyễn Quang Tuyến (Đại học Luật Hà Nội), cho rằng mặc dù trong thời gian qua, Nhà nước đã cố gắng sửa đổi pháp luật trong quản lý đất đai, tuy nhiên thực tế vẫn còn tồn tại bất cập. Trong đó, lỗ hổng kiểm soát quyền lực làm không hiệu quả, nhiều người được giao quản lý đất đã tự ý thu hồi đất, cấp đất, giao đất, bán đất. Tình trạng này diễn ra phổ biến tràn lan tại nhiều địa phương trên cả nước. Theo ông Tuyến, nguyên nhân là do hệ thống chính sách pháp luật đất đai của nước ta còn nhiều bất cập, chưa có được hệ thống dữ liệu đầy đủ về đất đai trong cả nước, do đó số liệu thông tin điều tra cũng có sự khác nhau. Việc thanh tra, kiểm tra, mặc dù phát hiện ra nhiều sai phạm nhưng dường như còn ít các xử lý về hình sự mà chủ yếu là xử lý hành chính, phạt tiền.

Hơn nữa, chế tài trong Luật Đất đai quy định rất chung chung, ví như sai phạm nặng hay nhẹ để xử phạt hành chính và truy cứu trách nhiệm hình sự nhưng vấn đề là hiểu thế nào là nặng hay nhẹ thì nằm ở chỗ cơ quan thực thi pháp luật. Từ thực tế này, giới chuyên gia cho rằng, cần phải sửa Luật Đất đai để ngăn chặn những sai phạm liên quan đến quản lý đất đai đang gây nhức nhối xã hội.

Xem thêm: odl.940509-tad-iv-mahc-gnuhn-cuhc-nauq-gnuhn-maht-na-iad-cac-ut-nihn-iad-tad-yl-nauq-gnort-gnoh-ol/taul-pahp/nv.gnodoal

Comments:0 | Tags:No Tag

“Lỗ hổng trong quản lý đất đai nhìn từ các đại án tham nhũng: Quan chức “nhúng chàm” vì… đất!”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools