vĐồng tin tức tài chính 365

Nhà của cá

2021-05-04 12:44

Nhà của cá

Lê Quang Trạng

(KTSG) - Có đứa trẻ thích chơi cá, lần nào ra chợ gặp bầy rồng rồng nhỏ cũng đòi mẹ mua bằng được. Bỏ cá vào trong keo thủy tinh, niềm vui của nó dường như dồn vào mấy con rồng rồng mới được mua về. Mẹ đứa nhỏ thấy cũng hay, không cần dắt đi xa, chỉ cần ở nhà cho chơi với cá, mẹ sẽ huyên thuyên kể về bầy rồng rồng là đút được hết chén cơm.

Niềm vui của mẹ là nhìn đứa con ăn hết cơm, không quấy khóc. Niềm vui của đứa con là có thêm người bạn đang nhìn mình từ trong cái keo. Nhưng “niềm vui” chỉ bơi được hai ngày là lờ đờ, phơi bụng, không chơi nữa. Đứa nhỏ khóc cả ngày. Với nó, con cá là người bạn.

Ông nội đọc sách thánh hiền, hay dạy đứa cháu rằng “nhân chi sơ, tánh bổn thiện”. Ông nói, ước gì ai cũng xem cá là bạn thì chắc rằng sẽ có thái độ nhân nghĩa với dòng sông. Sẽ không có cảnh những bầy rồng rồng chia lìa cá mẹ, bị bán ở chợ. Những con cá bơi tung tăng, như lời mẹ đứa trẻ nói với nó, thực chất là đang vùng vẫy trong tuyệt vọng, để đấu tranh cho cuộc sinh tồn mà cánh cửa lòng nhân từ với thiên nhiên hầu như đã khóa. Và đứa trẻ là người có chiếc chìa khóa ấy.

Nhiều năm sau, đứa trẻ vẫn giữ được chiếc chìa khóa trong tay. Nhưng quá nhiều cánh cửa khóa trái dọc theo dòng sông mẹ. Những bầy cá con mà đứa trẻ thả về sông để đi tìm mẹ, vẫn không làm cho “bạn bè” tuổi thơ nó nhiều hơn. Những con cá rồng rồng trong ơ cá kho tiêu vẫn mãi là một dấu vết kéo dài trong ký ức. Mỗi lần ngồi trước bến sông nhìn con nước, đứa trẻ không tìm được bóng cá đớp mống thân quen nào. Chúng dần ít đi hay chúng sợ những “người bạn” ở trên bờ?

Khi đứa trẻ ngày nào trở thành một thanh niên, thói quen thả cơm nơi bến sông đã bắt đầu hiệu nghiệm. Những con cá thiên nhiên rủ nhau về. Cứ mỗi chiều khi nghe tiếng chân người trên cây cầu bắc xuống bến sông, là bầy cá lại rủ nhau ngớp, như mừng vui khi gặp lại người bạn có bàn tay ấm mùi nhân nghĩa. Những chén cơm thừa hay bởi tấm lòng, đã dẫn dụ đàn cá sông về ngày một đông. Nhìn cá về rộ mé sông mà nghe tâm hồn mát lành, phơi phới.

Người ta nói “cứu vật, vật trả ơn”. Chàng thanh niên khi cứu giúp, nuôi lấy bầy cá sông ắt cũng không chờ đợi một ngày nhận hàm ơn từ chúng. Chỉ là từ lúc tuổi thơ, đã xem sông là mẹ và xem những bầy cá là bạn bè. Nên khi mở lòng mời, “bạn bè” sẽ đến đông đủ vui chơi. Cũng như tính cách người ở miệt sông, có gì thơm thảo thì gọi lên, bạn đến chung vui.

Cá sông không biết uống rượu, nhưng sự kết giao của cá thì không thua gì người. Người biết nói chuyện nghĩa nhân, nhưng lâng lâng giữa mâm nhậu là rủ nhau đi “nổ” cá. Người ta coi ổ cá là một cái “chợ rọng” tươi ngon, đâu biết rằng cá coi đây là nhà. Khái niệm nhà của cá cũng không khác gì khái niệm nhà của người. Nhà là nơi người ta (và cá) quay về để tìm được tình thương yêu và sự bình an. Nhưng một cú nổ, những con cá trốn sâu đến mấy cũng chết tươi nổi bụng lên mặt nước, mà hồn vẫn còn run rẩy dưới lòng sông mẹ.

Chàng thanh niên năm đó không biết phải làm sao bảo vệ “bạn” mình, khi nhiều người xung quanh cứ nghĩ rằng thiên nhiên là gia tài chung, không của riêng ai. Chim trời cá nước, ai bắt được nấy ăn.

Ở tuổi sáu mươi, tôi - đứa trẻ năm xưa, về quê nghỉ hưu, xin phép chính quyền địa phương rào lại một phần bờ sông ở sau nhà; thả những bầy lục bình trong đó, ngăn không cho lưới điện và trái thuốc giăng vào ngôi nhà mình vừa xây cho cá. Ngồi trước sông, tôi gõ lên mặt cầu bến gọi cá ơi, những người bạn tôi ơi... Dẫu biết thiên nhiên đã dần “sợ” con người, nhưng tôi vẫn không thôi hy vọng, một “bạn” cá nào đó năm xưa còn sót lại sẽ nghe được, và hiểu rằng tôi vẫn không bao giờ bội ước với dòng sông.

Không biết bầy cá sẽ biệt tăm, hay đáp lời bằng một vài tiếng trở về ăn mống? Nhưng tôi tin, những đứa trẻ năm xưa như tôi, đã đến lúc bảo vệ được bạn mình. Ở một cái tuổi nào đó, thời điểm nào đó, người ta mới hiểu được, chỉ cần thấy con cá có nhà, là lòng mình sẽ có nơi an trú. Và phải chăng, “nhà” của cá cũng là “nhà” của người! 

Xem thêm: lmth.ac-auc-ahn/638513/nv.semitnogiaseht.www

Comments:0 | Tags:No Tag

“Nhà của cá”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools