Ông Hồ Quang Cua cho biết, đã uỷ quyền cho luật sư tại Mỹ để nhanh chóng nộp hồ sơ, đăng ký bảo hộ thương hiệu, sở hữu trí tuệ tại thị trường Mỹ - sau động thái có 5 doanh nghiệp đang thực hiện thủ tục đăng ký nhãn hiệu gạo ST25.
Nhờ luật sư đăng ký bảo hộ thương hiệu
Văn phòng Sở hữu trí tuệ Australia (IP Australia) cho biết, một công ty ở nước này đã nộp đơn xin bảo hộ nhãn hiệu gạo ST24 và ST25.
Đó là Công ty T&L Global Foods Supply PTY LTD, địa chỉ tại 420 Victoria Rd Malaga, WA, 6090 Australia, nộp đơn ngày 22.4.
Theo dữ liệu đăng tải trên website của Văn phòng Sở hữu trí tuệ Australia (IP Australia), nhãn hiệu của doanh nghiệp thuộc nhóm "Rice; Best rice of the world" (gạo; gạo ngon nhất thế giới). IP Australia đang trong quá trình kiểm tra, thẩm định hồ sơ của doanh nghiệp.
Ngoài thị trường Úc, cũng có đến 5 doanh nghiệp nước ngoài đăng ký bảo hộ nhãn hiệu ST25 tại thị trường Mỹ. Theo Hệ thống đăng ký bảo hộ thương hiệu tại Mỹ (USPTO), có một hồ sơ sắp được chấp thuận bảo hộ thương hiệu ST25.
Về vấn đề này, ông Hồ Quang Cua - "cha đẻ" gạo ST25 - cho Lao Động biết, sáng 4.5, công ty luật ở Mỹ đã chính thức nộp đơn đăng ký bảo hộ gạo ST25.
"Tôi đã ủy nhiệm cho hãng luật này để thực hiện theo trình tự thủ tục đăng lý bảo hộ gạo ST25", ông Cua nói.
Còn ở thị trường Úc, theo ông Cua - sau khi biết được thông tin có một doanh nghiệp nộp hồ sơ đăng ký nhãn hiệu DT25, Thương vụ Việt Nam tại Úc đã vào cuộc, có động thái phản đối quyết liệt.
"Thương vụ Việt Nam tại Úc đã liên hệ với chúng tôi trao đổi thông tin, bàn giải pháp phối hợp xử lý vụ việc. Qua đó, chúng tôi thấy được thái độ đầy trách nhiệm, hết lòng hỗ trợ chúng tôi bằng khả năng tối đa", ông Cua nói và cho biết, qua sự kiện này, ông và cộng sự sẽ nhanh chóng hơn cho việc thủ tục đăng ký nhãn hiệu gạo ST24 và ST25.
Vào cuộc quyết liệt, bảo vệ thương hiệu Việt
Ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản - cho biết, các bộ ngành đã nắm được thông tin này và đã họp, thành lập tổ liên ngành, có đại diện Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Công Thương, trong đó, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) là đơn vị chủ trì, xử lý.
Ông Nguyễn Văn Bảy - Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ - cho hay, đối với gạo ST24, ST25, việc bảo hộ thương hiệu ở đây được hiểu là khi gạo của Việt Nam xuất sang các thị trường dưới các dạng túi, hoặc bao bì 2kg, 5kg, 10kg… mang nhãn hiệu của mình, khác với xuất khẩu gạo dạng hợp đồng với khối lượng hàng tấn.
"Với thị trường Úc, mỗi năm Việt Nam xuất khoảng 4-5 triệu USD gạo và cũng là thị trường rất mới của gạo Việt. Do vậy, về việc đăng ký bảo hộ thương hiệu, doanh nghiệp có thể cân nhắc, đây có phải là thị trường mà họ có thể bán được gạo mang nhãn hiệu của mình hay không? Bởi theo quy định, trong trường hợp doanh nghiệp đăng ký nhãn hiệu, nhưng không đưa sản phẩm sang sẽ đối mặt với việc chấm dứt hiệu lực, không được bảo hộ nữa", ông Bảy nói.
Cũng theo ông Bảy, hiện hồ sơ nhãn hiệu của Công ty T&L Global Foods Supply đáp ứng được yêu cầu bảo hộ không cao, do ST25 chỉ là tên gọi thông thường của sản phẩm.
Tuy nhiên, nếu không muốn thương hiệu gạo ST24 và ST25 bị phía doanh nghiệp Australia đăng ký, doanh nghiệp Việt sẽ có 2 tháng để phản đối nhãn hiệu bằng cách nộp đơn Thông báo dự định phản đối đến văn phòng IP Australia.