Chỉ số VN-Index đã tăng 17% trong 3 tháng kết thúc ngày 30/4, đánh bại mọi thị trường lớn trong khu vực, và gần như gấp đôi mức tăng của S&P 500 Index.
Các nhà đầu tư nước ngoài đã rút ròng khoảng 842 triệu USD kể từ đầu năm, nhưng tình hình có thể sẽ thay đổi.
Theo EPFR, các quỹ đầu tư cổ phiếu Việt Nam đã nhận được dòng vốn kỷ lục trong tuần thứ 3 của tháng 4 trong bối cảnh các quỹ đầu tư thị trường mới nổi bị rút tiền mạnh nhất kể từ tháng 1. Một trong những nhân tố đáng chú ý là Vietnam ETF có trụ sở tại Đài Loan đã huy động được hơn 350 triệu USD.
Lợi tức bền vững của các nhà đầu tư nước ngoài có thể thúc đẩy thị trường tăng trưởng hơn nữa, vốn đã được hỗ trợ rất mạnh mẽ từ nhà đầu tư cá nhân (giống như nhiều thị trường khác trên thế giới).
Lãi suất ngân hàng lao dốc đã khiến người Việt mở thêm 400.000 tài khoản giao dịch chứng khoán trong năm 2020, mức cao kỷ lục. Chỉ trong 3 tháng đầu năm nay, họ mở thêm 258.000 tài khoản nữa, giúp doanh thu theo ngày của Sở giao dịch Chứng khoán TP HCM (HOSE) lên cao nhất mọi thời đại.
Chứng khoán Việt Nam đang vượt trội so với mặt bằng châu Á
Chất xúc tác cuối cùng cho thị trường chứng khoán Việt Nam có thể là khi các nhà đầu tư nước ngoài đảo ngược vị thế bán ròng cổ phiếu.
Theo nhận định của CTCP Chứng khoán SSI, các nhà đầu tư cá nhân Việt nam thường mô phỏng hành vi của các nhà đầu tư nước ngoài khi tìm kiếm lĩnh vực ưa thích.
Theo HSBC Holdings, Việt Nam là thị trường "có thể đầu tư". Lượng tiền mặt trong nước dồi dào đã khiến cho khối lượng giao dịch tăng gấp bốn kể từ cuối năm 2019, dựa trên chỉ số trung bình cộng 50 ngày.
Việt Nam hiện có 11 cổ phiếu vốn hóa trên 5 tỷ USD, so với chỉ 2 vào năm 2015. Vingroup ở vị thế dẫn đầu, công ty đang khởi động kế hoạch đầy tham vọng là bán xe sang thị trường Mỹ.
Chứng khoán Việt Nam tăng trưởng trong bối cảnh lạc quan về triển vọng kinh tế. Hoạt động sản xuất trong tháng 4 đã tăng mạnh nhất từ tháng 11/2018, theo chỉ số PMI.
Việt Nam đang có vị thế tốt khi cả Mỹ và Trung Quốc đều đang dẫn đầu sự hồi phục sau đại dịch. Việt Nam cũng đã hưởng lợi từ việc dịch chuyển sản xuất trong giai đoạn căng thẳng thương mại Mỹ - Trung.
"Chúng tôi đánh giá tích cực về Việt Nam trong nhiều năm. Họ hưởng lợi rõ ràng từ căng thẳng thương mại Mỹ - Trung và việc xử lý dịch bệnh của họ là một trong những ví dụ điển hình trên toàn cầu", Jeff Gill, nhà quản lý quỹ đầu tư 10,9 tỷ USD – London Investment Management cho biết.
Một phần của vấn đề có thể là do các nhà đầu tư nước ngoài đã "vung tay quá trán". Khối ngoại bán ròng 876 triệu USD trong năm ngoái, tương đương giá trị bán kể từ đầu năm nay. Điều này thuận theo làn sóng bán cổ phiếu trên khắp các thị trường mới nổi châu Á.
Nhưng theo ông Vũ Bằng – nguyên Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, động thái này chỉ là tăng lượng nắm giữ tiền mặt của các nhà đầu tư nước ngoài, vốn đã gia tăng đáng kể so với thời điểm cuối năm 2020. Ý ông Vũ Bằng là dòng tiền ngoại trong trạng thái chờ, chứ chưa rút hẳn khỏi thị trường chứng khoán.
Giá trị bán ròng của các nhà đầu tư nước ngoài với cổ phiếu Việt Nam
Chứng khoán Việt Nam cũng phải đối mặt với việc chưa thể nâng hạng thành thị trường mới nổi, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước dự kiến sẽ giải quyết vấn đề này vào cuối năm nay. Các nhà đầu tư cũng cho rằng giới hạn tỷ lệ sở hữu nước ngoài có thể cản trở khả năng phát triển hơn nữa của thị trường.
Các nhà quản lý tiền tệ từ Sempione Sim SpA, Asia Frontier Capital cho đến London Investment Management cho biết họ đang bận rộn tìm kiếm cổ phiếu tiềm năng.
Họ đồng quan điểm về triển vọng kinh tế vững chắc, mức định giá tương đối hấp dẫn, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài gia tăng và thu nhập tăng trưởng lành mạnh, đồng thời thể hiện niềm tin vào Chính phủ trong việc kiểm soát dịch bệnh...
Federico Parenti, giám đốc quỹ đầu tư tại Sempione Sim (Milan) đánh giá: "Tôi thấy Việt Nam là một câu chuyện tăng trưởng hấp dẫn và ổn định trong ngắn hạn, trung hạn và cả dài hạn".
Giá trị thanh khoản trên thị trường chứng khoán Việt Nam