Việt Nam đã thay thế Trung Quốc trở thành quốc gia xuất khẩu thành phẩm nội thất lớn nhất sang thị trường Mỹ - Ảnh: TIMBER INDUSTRY NEWS
Cụ thể, nghiên cứu của Furniture Today cho thấy Việt Nam đã xuất hơn 7,4 tỉ USD thành phẩm nội thất sang Mỹ trong năm 2020, tăng 31% so với con số 5,7 tỉ USD của năm 2019.
Để so sánh, Trung Quốc xuất khẩu 7,33 tỉ USD thành phẩm nội thất sang Mỹ trong năm 2020, giảm 25% so với con số 9,7 tỉ USD một năm trước đó.
Diễn biến tích cực này đang xảy ra trong bối cảnh lượng hàng nội thất xuất khẩu sang Mỹ giảm trong năm 2020. Cụ thể, số đơn hàng nội thất nhập khẩu vào Mỹ đã giảm 1% so với 23 tỉ USD năm 2019, còn 22,7 tỉ USD.
Bài viết của Future Today đã được Hiệp hội thương mại Mỹ tại Việt Nam (AmCham Việt Nam) chia sẻ trên Facebook hôm 4-5.
“Tuy chênh lệch giữa sản lượng xuất khẩu trên giữa Việt Nam và Trung Quốc khá khiêm tốn, vị thế của Việt Nam trên trường thế giới cho thấy quốc gia này đã trở nên quan trọng hơn trong những năm gần đây”, Future Today nhận định.
“Điều này đương nhiên bắt đầu chậm rãi từ lúc Việt Nam nổi lên như một nhà sản xuất nội thất gỗ đầy tiềm lực, sau khi các nhà sản xuất đồ nội thất phòng ngủ Trung Quốc bị áp thuế chống bán phá giá từ tháng 6-2004”, tạp chí trên viết thêm.
Future Today ghi nhận các chuyển dịch còn đáng kể hơn trong vòng 2 năm rưỡi qua, giữa lúc chính phủ Mỹ áp thuế quan bổ sung đến 25% cho gần như tất cả các mặt hàng nội thất từ Trung Quốc.
Điển hình, trong nửa đầu năm 2018, khi Trung Quốc bắt đầu chịu thuế quan bổ sung 10%, số đơn hàng xuất khẩu đồ nội thất tại đây đã giảm 1% còn 13,6 tỉ USD. Trong khi đó, số đơn hàng của Việt Nam tăng 9% từ 3,9 tỉ USD (2017) lên 4,2 tỉ USD (2018).
Tiếp đến, số đơn hàng của Trung Quốc trong năm 2019 giảm 28% còn 9,7 tỉ USD, trong khi Việt Nam tăng 35% lên khoảng 5,7 tỉ USD.
Sự thay đổi nhanh chóng ở cả hai quốc gia đã dẫn đến việc Việt Nam vượt lên Trung Quốc tại thị trường Mỹ.
“Điều này không khiến tôi ngạc nhiên. Chúng tôi không còn mua sản phẩm từ Trung Quốc, và tôi biết nhiều công ty khác cũng làm thế”, Future Today trích lời ông Fred Henjes - giám đốc điều hành hãng nội thất Riverside Furniture Corp.
Ông Henjes cũng lưu ý thêm rằng các mặt hàng nội thất phòng ngủ, phòng ăn, văn phòng tại nhà là những mặt hàng Riverside lấy chủ yếu từ Việt Nam.
Dù lượng đơn hàng tồn đọng vẫn ở mức cao, đặc biệt là vì các vấn đề hậu cần, ông Henjes cho biết việc vận chuyển các hô hàng đang dần được cải thiện.
TTO - Sau thị trường Mỹ, đến lượt thị trường Úc đang có nguy cơ gạo ngon Việt Nam bị 'hớt tay trên' trong đăng ký bảo hộ, khi một doanh nghiệp ở Úc nộp đơn xin bảo hộ nhãn hiệu gạo ST24 và ST25. Việt Nam đã thực hiện các biện pháp 'khẩn cấp'.