- Mất kết nối, bi kịch của con người hiện đại?
- Người bạn tốt nhất của con người
- Hành trình của con người tới “bộ gen hoàn hảo”
ANTG GT-CT mở chuyên mục “Người Việt hôm nay cần gì?” ngõ hầu muốn góp một tiếng nói trong quá trình hoàn thiện xã hội Việt Nam hiện đại, để chỉ ra những tập quán xấu mà người Việt cần xóa bỏ và những tập quán tốt cần hướng đến. Chuyên trang không chỉ có ý kiến của học giả, nhà bình luận... mà rất mong nhận được ý kiến của bất cứ người dân nào luôn đau đáu với sự phát triển của dân tộc. Mọi bài vở tham gia xin gửi về địa chỉ email: antg.gtct@gmail.com.
Bình thường tôi nghĩ, liệu mình có thể bảo ai đó nên thay đổi gì đó, khi chính bản thân mình, dù luôn muốn, vẫn rất khó thay đổi?
Tuy nhiên, cái sự cảm thấy cần thay đổi nó diễn ra hằng ngày, thậm chí nhiều lần trong ngày. Và thay đổi mình dẫu có muốn quyết liệt thế nào cũng chỉ là một phần, mong người khác thay đổi mới là điều chính yếu. Mong một lời nói nhẹ nhàng, một cử chỉ tử tế, mong thay đổi vận may, kiểu như bỗng nhiên được tăng lương hay trúng xổ số... Đại khái những cái mong thay đổi bên ngoài mình ấy nhiều không kể xiết.
Một người đã thế, nói gì đến sự thay đổi của cả một tập hợp người rất lớn có chung tên gọi là “người Việt”. Xưa nay ở xứ này, có vẻ như tất cả đều thuộc lòng câu nói: “Giang sơn dễ đổi, bản tính khó dời”, chẳng cần biết câu đó của ai (thì tôi cũng vậy, tôi người Việt mà). Tập hợp người ấy có gần trăm triệu cá thể, có mỗi sự tỏ ra khác biệt là thống nhất, còn chẳng ai giống ai. Đây không hề là chuyện nói bừa, chỉ cần lên mạng xã hội, xem bất kỳ một cuộc tranh luận nào, như cuộc tranh luận về Giải B cuộc thi thơ Báo Văn nghệ năm 2019-2020 vừa rồi chẳng hạn, bài “Mẹ tôi chửi kẻ trộm”, khoảng hơn 1 triệu kết quả trong 0,4 giây, toàn là tranh cãi. Mà tranh cãi chỉ là cách nói cho nó mỹ từ việc chửi thôi, chứ thật ra căng thẳng lắm.
Nói chung, một việc nho nhỏ cũng khiến dân mạng tranh cãi cả tuần không chán. Đầu tiên người ta bảo đấy không phải thơ. Rồi có người bảo lại đấy là thơ chứ còn gì nữa. Rồi có người bảo đấy không phải chửi. Ơ, cứ phải cay nghiệt đem cả tam đại người ta ra rủa xả mới là chửi à? Cứ thế, hòn đất ném đi hòn chì quăng lại. Càng nghe càng thấy rằng nói chung ai thích gì viết nấy, chẳng ai đọc ai, đến bài thơ gốc có vẻ như người ta cũng không đọc. Mỗi ngày câu chuyện càng đi xa. Song, kết quả rốt cuộc vẫn thế, nghĩa là chẳng có kết quả gì. Tranh cãi cốt cho vui, khi nào vui hơi quá thì bắt buộc người ta nặng lời. Tưng bừng nhất là khi ai cũng nghĩ mình cần phải lên tiếng. Ai lên mạng xã hội cũng thấy cần phải xưng danh. Nhường cơm sẻ áo chẳng khó, chứ nhường lời thì không. Nhất định không! Động đến quan điểm, đặc biệt quan điểm càng vô bổ càng được bảo vệ thì người hiền dịu cũng trở nên cương cường. Thật quái lạ!
Nói nữa sẽ có người bảo, người Việt mình nó thế - một phiên bản câu “cái nước mình nó thế”.
Viết từ nãy đến giờ, chẳng có cách gì hơn để chứng minh mình đúng là... người Việt. Nhưng, đúng là người Việt vậy đấy, luôn phải bày tỏ quan điểm và luôn phải bảo vệ quan điểm đến lúc thắng mới thôi. Đất nước chiến tranh hàng nghìn năm, binh đao trận mạc liên miên, máu lửa rồi cũng bị chìm xuống, chứ những cuộc khẩu chiến lâu lâu xới lại, bao nhiêu năm có khi vẫn rôm rả như thường. Chúng ta nói về nhau bằng một cái nhún vai, như cách các cụ ngày xưa nói về nhau. Quãng đâu gần 2 thập niên trước, nhà nghiên cứu Vương Trí Nhàn đã từng sưu tầm và biên soạn cuốn “Người xưa cảnh tỉnh - Thói hư và tật xấu người Việt trong con mắt các nhà trí thức nửa đầu thế kỷ XX”.
Ông nói thói xấu lớn nhất của người Việt là rất sợ nói về thói xấu của mình. Câu ấy ngẫm ra chưa đúng một nửa, vì cái vế quan trọng hơn, là rất rất thích nói về thói xấu của người khác, mới là thứ quan trọng hình thành nên tính cách người Việt. Cuốn sách nói gì thì nói vẫn đúng là một minh chứng cho sự nói về thói xấu của người khác với vẻ khách quan bề trên. Nào cụ Phan Kế Bính trong “Việt Nam phong tục” bảo dân ta ăn ở luộm thuộm, nhếch nhác. Cụ Nguyễn Văn Tố nói “thiếu tinh thần cầu học”; cụ Trần Chánh Chiếu bảo “Ăn xổi ở thì, chưa lo làm đã lo phá”, cụ Phan Khôi “Khiêm nhường giả kiêu căng thật”...
Cuốn “Người xưa cảnh tỉnh - Thói hư và tật xấu người Việt trong con mắt các nhà trí thức nửa đầu thế kỷ XX” lúc mới ra cũng gây xôn xao vì động đến lĩnh vực “Người Việt xấu xí”. Người Việt vốn giỏi tự trào nên sự xôn xao ấy cũng kéo dài được một thời gian.
Công nhận các cụ thế kỷ trước toàn nói đúng, chỉ có điều, cảnh tỉnh bao nhiêu thì người Việt hình như vẫn thế? Trăm năm nữa sách tái bản, lại cảnh tỉnh thì vẫn thế. Cái gì đã thuộc về tính cách xem ra bền vững hơn cả sông núi. Người Việt đi khắp nơi trên thế giới, thay đổi mấy rồi cũng vẫn bảo tồn cái gene cứ nói xấu nhau là vui. Điều này chẳng cần ví dụ, vào mạng xã hội hàng ngày là thấy.
Nhưng, bởi người Việt, hay bản thân tôi, thấy cần thay đổi. Và chê trách thì cũng nên đưa ra giải pháp nào đó theo mình là hợp lý. Nên tôi nghĩ đầu tiên, sau khi vui vì kể xấu ai đó (quả thật cũng vui), có lẽ cần làm điều gì đó giống như tự vấn. Tự vấn là điều người Việt rất ít làm.
Trong một cuốn phim, là phim tài liệu của Mỹ, tôi xem trên Netflix gần đây, có tên là “Đừng đùa với mèo” - một cái tên hoàn toàn không liên quan đến nội dung phim. Chỉ là từ một vài clip bạo hành với mèo một cách kinh khủng, mà một nhóm người chơi Facebook, tạm gọi là thám tử mạng, quyết tâm truy tìm kẻ thủ ác. Họ làm ráo riết, cộng đồng mạng cũng như ở nước mình, cũng sẵn sàng lao vào chửi rủa, đến mức một cá nhân cũng đưa clip giết mèo bị tình nghi và stress đến mức tự sát. Nhưng, thám tử mạng tin rằng đối tượng họ kiếm tìm, theo dõi, lật qua lật lại hàng vạn lần trên những manh mối nhỏ nhoi có được, là một kẻ sát nhân tiềm ẩn, một kẻ giết người hàng loạt mắc bệnh ái kỷ.
Họ đưa những nghi vấn, cáo buộc cùng rất nhiều hình ảnh để truy tìm cho cảnh sát Canada, nơi kẻ giết mèo được tìm ra. Cảnh sát im lặng. Cho đến khi kẻ ác ra tay thực sự, giết người tàn bạo. Lúc ấy, những cảnh báo của những thám tử mạng mới được quan tâm và được mời cộng tác. Họ giúp cảnh sát cho đến khi hung thủ bị bắt giữ và kết án. Chuyện đó mất nhiều hơn một năm trời. Nhẽ ra khi tòa tuyên án xong, họ phải vui vì giúp cảnh sát làm được điều cần làm. Nhưng rồi, một trong những người đứng đầu nhóm bàng hoàng tự hỏi, họ làm thế có thật sự đúng không? Những truy đuổi và tìm kiếm của họ trên mạng có phải là một trong những nguyên nhân thúc đẩy kẻ sát nhân bệnh hoạn quyết tâm thực hiện tội ác hay không?
Và cuối phim, họ hỏi người xem, rằng sao các bạn không tắt máy tính sớm hơn? Đến lúc ấy, một người chỉ là xem phim như tôi cũng chợt thấy bàng hoàng và ân hận, vì đã xem. Thế cũng là để khuyến khích một kẻ thích nổi tiếng đến mức bệnh hoạn làm những điều ác rồi.
Người ta có thay đổi được điều gì trong tính cách không, nếu không thể tự vấn mình?
Hà PhạmXem thêm: /357836-hnim-nav-ut-eht-gnohk-ueN/yat-oS/nv.moc.dnac.tcgtna