Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc tổng kết thi hành Luật Đất đai.
Văn bản nêu rõ ngày 29-12-2020, Trưởng Ban Chỉ đạo tổng kết thi hành Luật Đất đai và xây dựng dự án Luật Đất đai (sửa đổi) đã ban hành Quyết định về kế hoạch tổng kết thi hành Luật Đất đai, xây dựng dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Trong đó có phân công cụ thể cho các bộ, ngành, địa phương triển khai tổng kết thi hành Luật Đất đai.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu việc tổng kết thi hành Luật Đất đai phải được thực hiện nghiêm túc. Ảnh minh họa: VGP
Để công tác tổng kết thi hành Luật Đất đai đảm bảo đúng tiến độ và chất lượng, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương khẩn trương tổ chức tổng kết thi hành Luật Đất đai, gửi báo cáo tổng kết về Bộ TN&MT theo đúng kế hoạch của Ban Chỉ đạo. Theo đó, UBND các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương hoàn thành trước 15-5; các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ hoàn thành trước 30-6.
Bộ TN&MT chủ động rà soát các nội dung công việc để phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan triển khai hoạt động và báo cáo theo đúng kế hoạch đã được phê duyệt.
Theo kế hoạch, việc tổng kết thi hành Luật Đất đai tập trung các nội dung cơ bản như: Đánh giá chồng chéo, mâu thuẫn và không thống nhất giữa Luật Đất đai năm 2013 với luật chuyên ngành có liên quan; kết quả tổ chức thực hiện các quy định của pháp luật về đất đai.
Ngoài ra, việc tổng kết còn tập trung đánh giá những kết quả đạt được của Luật Đất đai và thực tiễn thi hành trong việc nâng cao chất lượng công tác quản lý nhà nước về đất đai. Cùng với đó, nêu rõ những hạn chế, bất cập trong các quy định của Luật Đất đai, các văn bản quy định chi tiết thi hành, thực tiễn tổ chức thực hiện quy định của Luật; xác định, phân tích rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan của những hạn chế, bất cập đó.
Ngoài ra, các đơn vị đề xuất, kiến nghị, sửa đổi, bổ sung những nội dung của Luật Đất đai và các pháp luật khác có liên quan.
Thủ tướng yêu cầu việc tổng kết phải được thực hiện nghiêm túc, khách quan và toàn diện trên phạm vi toàn quốc, triển khai đến từng bộ, ngành, địa phương bảo đảm tiến độ, hiệu quả, tiết kiệm.
Nội dung tổng kết phải thiết thực, phản ánh đúng thực tế; dựa trên kết quả đánh giá, tổng kết của bộ, ngành, địa phương, các cơ quan, tổ chức có liên quan, đồng thời tham khảo ý kiến đánh giá của công dân, tổ chức, nhà khoa học, nhà quản lý và doanh nghiệp.