Với sản lượng khoảng 43 triệu tấn lúa/năm, Việt Nam đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng trong nước và còn dư khoảng 6,5 triệu tấn gạo để xuất khẩu.
Chúng ta dư thừa gạo để xuất khẩu
Trao đổi với PV Lao Động chiều 4.5, ông Nguyễn Như Cường – Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - NNPTNT), cho biết: Hiện tại sản xuất lúa của Việt Nam vẫn rất ổn định theo kế hoạch với khoảng 43 triệu tấn thóc/năm.
“Trong số 43 - 43,5 triệu tấn thóc được sản xuất mỗi năm, ngoài số lượng dành cho tiêu dùng trong nước, dự trữ giống, dự trữ gạo, phục vụ sản xuất, chăn nuôi… chúng ta còn dư khoảng 6-6,5 triệu tấn gạo để xuất khẩu” – ông Nguyễn Như Cường nói.
Ông Nguyễn Như Cường cũng lạc quan, tự tin với khả năng cung ứng lúa gạo của ngành nông nghiệp và sự sát sao chỉ đạo kịp thời của Chính phủ nên sẽ rất khó xảy ra mất cân đối cung cầu trong ngành lúa gạo.
“Nếu sản xuất lúa gạo có xảy ra bất thường, thì trong mọi trường hợp Chính phủ sẽ cân đối và ưu tiên số 1 là đảm bảo an ninh lương thực” – Cục trưởng Nguyễn Như Cường khẳng định.
“Vua” xuất khẩu gạo - ông Phạm Thái Bình – Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An, cũng khẳng định: Vấn đề đảm bảo an ninh lương thực các quốc gia nào cũng phải đặt lên hàng đầu. Tuy nhiên phải hiểu "đảm bảo an ninh lương thực quốc gia" như thế nào cho đúng.
Mọi người dân trong nước đều được tiếp cận và hưởng thụ đầy đủ mọi lúc mọi nơi khẩu phần ăn có đủ dinh dưỡng và nhu cầu tối thiểu trong cuộc sống như ăn mặc, nơi chốn ngủ nghỉ và cả việc được tự do lao động làm việc vui chơi giải trí... Như vậy, gạo ở các nước Châu Á hay bánh mỳ ở các quốc gia Châu Âu chỉ là một trong những thành tố cơ bản trong chuỗi an ninh đó.
"Thành tố gạo ở Việt Nam trong quá khứ hay hiện tại và kể cả tương lai vài chục năm nữa vẫn luôn đảm bảo nguồn cung lương thực, thậm chí ở mức dư thừa xuất khẩu” – ông Phạm Thái Bình thông tin, đồng thời nhấn mạnh thêm:
Có thể vài thời điểm trong năm ở vài địa phương có lúc do thiên tai dịch họa... không đủ gạo ăn, nhưng lúc nào Chính phủ cũng can thiệp kịp thời từ nguồn dự trữ quốc gia. "Như vậy, hiện tại và tương lai Việt Nam vẫn phải chú trọng xuất khẩu gạo vì càng dịch COVID thì gạo Việt Nam càng có cơ hội tham gia tích cực vào việc làm giảm thiệt hại cho các ngành khác kể cả với tổ quốc hay với cộng đồng thế giới" - ông Phạm Thái Bình nhấn mạnh.
Từ cuối năm 2020, trong bối cảnh COVID-19, Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT) đã xây dựng kế hoạch sản xuất lúa gạo cho năm 2021. Theo đó, tùy theo diễn biến thị trường lúa gạo, điều kiện khí hậu thời tiết, chỉ đạo sản xuất lúa đạt khoảng 7,3 triệu hecta, thâm canh tăng năng suất để đạt sản lượng khoảng 43-43,5 triệu tấn.
Không cần thiết phải tăng diện tích trồng lúa
Trả lời câu hỏi của PV về việc có nên tăng diện tích trồng lúa để đón đầu nhu cầu nhập khẩu gạo để dự trữ của thế giới trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp hiện nay, ông Nguyễn Như Cường cho rằng, trong năm 2020, Việt Nam đã giảm khoảng 190 nghìn hecta so với năm 2019 (miền Bắc giảm 40 nghìn hecta, miền Nam giảm 150 nghìn hecta).
Diện tích giảm chủ yếu do việc chuyển đổi từ đất trồng lúa sang nuôi trồng thủy sản, trồng cây ăn quả, rau mầu có hiệu quả kinh tế cao hơn… Chưa kể bên cạnh đó còn có vấn đề thiên tai, dịch bệnh.
"Trong thời gian tới, cụ thể là trong năm 2021 rất khó tăng thêm diện tích trồng lúa do những rủi ro về thời tiết như mưa lũ. Chưa kể, nếu kế hoạch không tốt còn ảnh hưởng đến thời vụ vụ kế tiếp” – ông Nguyễn Như Cường nhấn mạnh.
Xem thêm: odl.504509-aul-gnort-hcit-neid-gnat-nac-gnohk-uahk-taux-ed-oag-ud-oc-man-teiv/et-hnik/nv.gnodoal