Lực lượng chức năng túc trực phong tỏa khách sạn Phú An trên đường 2-9, quận Hải Châu, Đà Nẵng, nơi có 2 nhân viên nhiễm COVID-19 - Ảnh: TẤN LỰC
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu phải cách ly triệt để, không được để lây nhiễm trong khu cách ly, từ khu cách ly ra cộng đồng; triển khai đợt cao điểm rà soát tất cả người nhập cảnh; không quên đối phó nguy cơ dịch bệnh xâm nhập rất lớn từ bên ngoài.
Có chủ quan, lơ là
Ông Đặng Quang Tấn - cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế - cho biết ở trong nước, mặc dù công tác phòng chống dịch của các cấp chính quyền được triển khai khẩn trương, tích cực song còn những trường hợp nhập cảnh trái phép hoặc nhập cảnh không được quản lý cách ly chặt chẽ, có nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh ra cộng đồng cao.
Bên cạnh đó, nhiều địa phương còn lơ là, chủ quan sau thời gian dài không ghi nhận ca mắc mới trong cộng đồng. Người dân chưa thực hiện nghiêm việc đeo khẩu trang, đặc biệt đi du lịch, di chuyển và tập trung đông người nên nguy cơ lây nhiễm trong nước rất lớn.
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh ông đã yêu cầu Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng và các bộ rà soát, chuẩn bị cho tình huống có 30.000 người nhiễm. "Không phải chúng ta dự báo sẽ có 30.000 người nhiễm mà tính đến trường hợp xấu để sẵn sàng chuẩn bị và phải phấn đấu để không bao giờ có tình huống đó xảy ra" - ông nói và yêu cầu phải rất quyết liệt.
Tới đây, chúng ta phải quản lý, kiểm soát chặt chẽ biên giới, người nhập cảnh; cách ly triệt để, không được để lây nhiễm trong khu cách ly, từ khu cách ly ra cộng đồng.
Thời gian tới, chúng ta sẽ triển khai đợt cao điểm rà soát tất cả người nhập cảnh theo phương châm "đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng", không được bỏ sót, kể cả những người phục vụ, làm việc tại các cơ sở có nhiều người nước ngoài đến.
Tòa nhà chung cư Park 10, khu đô thị Times City tại Hà Nội được tạm thời phong tỏa từ ngày 4-5 vì có chuyên gia Ấn Độ nhiễm COVID-19 sau khi hoàn thành cách ly - Ảnh: QUANG THẾ
Phải thực hiện nghiêm túc
Qua phân tích một số trường hợp phát bệnh sau khi hoàn thành cách ly tập trung và lây nhiễm cho cộng đồng, Thường trực Ban Chỉ đạo đã thảo luận về việc thực hiện các quy định cách ly tập trung, theo dõi, giám sát y tế tại nhà.
Các ý kiến thống nhất đánh giá: một số cơ sở cách ly tập trung chưa thực hiện đầy đủ các quy định, hướng dẫn của Bộ Y tế, đặc biệt trong xử trí khi phát hiện trường hợp cách ly nhiễm COVID-19. Công tác bàn giao, tiếp nhận người hoàn thành thời gian cách ly tập trung, sau đó theo dõi, giám sát y tế tại nơi cư trú ở nhiều nơi rất lỏng lẻo.
Điển hình là ca bệnh 2899 tại thôn Quan Nhân, xã Đạo Lý, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam hoàn thành cách ly tại Đà Nẵng sau khi nhập cảnh từ Nhật. Khi được cho về theo dõi, giám sát y tế tại nhà thì đã gặp gỡ, tiếp xúc, tổ chức ăn uống với rất nhiều người. Hay trường hợp ca bệnh là chuyên gia Trung Quốc sau khi hoàn thành cách ly tập trung tại Yên Bái đã di chuyển đến rất nhiều tỉnh thành.
Tại phiên họp trước của Ban Chỉ đạo, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã yêu cầu Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng rà soát toàn bộ các trung tâm cách ly của quân đội, của dân sự, cũng như toàn bộ quy trình bàn giao giữa nơi có trung tâm cách ly và trung tâm cách ly với nơi nhận người về cư trú hoặc làm việc.
Kết quả rà soát và báo cáo của một số địa phương cho thấy rất nhiều nơi chưa thực hiện nghiêm túc dù đã có các quy trình rất cụ thể mà Ban Chỉ đạo và Bộ Y tế đã hướng dẫn. Đây là nguyên nhân dẫn đến đợt dịch hiện nay.
Ông Đam lưu ý các quy định, hướng dẫn, văn bản đã đầy đủ, bây giờ phải thực hiện một cách nghiêm túc. Ai không thực hiện, cấp nào không thực hiện phải chịu trách nhiệm và sẽ phải xử lý nghiêm.
Tuyệt đối không được để tình trạng trong thời gian theo dõi, giám sát y tế sau cách ly mà lại tiếp tục đi tụ tập đông người, đi ăn uống, những nơi công cộng mà không giữ nguyên tắc phòng dịch, để lây lan ra cộng đồng cực kỳ nguy hiểm.
Tổng hợp thông tin: TÚ ANH (Từ nguồn Bộ Y tế, Tuổi Trẻ) - Đồ họa: TẤN ĐẠT
Hướng dẫn về bàn giao hậu cách ly
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã chỉ đạo từ 0h ngày 4-5, các trung tâm cách ly chưa đưa người đã hết thời gian cách ly tập trung về địa phương.
Bộ Y tế phải rà soát lại quy định, hướng dẫn phải có văn bản gửi tất cả địa phương, trung tâm cách ly để quán triệt nhằm bảo đảm việc bàn giao giữa trung tâm cách ly với địa phương có người cách ly về cư trú, về làm việc phải có bàn giao, tiếp nhận, được quản lý chặt chẽ trong 14 ngày sau khi hoàn thành cách ly tập trung.
Theo báo cáo của bộ trưởng Bộ Y tế, bộ sẽ ban hành văn bản này để các trung tâm và các địa phương căn cứ thực hiện đúng.
Vòng tay điện tử giám sát chuyên gia, lao động nước ngoài
Bộ Thông tin và truyền thông chỉ đạo các đơn vị công nghệ thông tin nghiên cứu, đề xuất giải pháp cụ thể để triển khai vòng tay điện tử giám sát chuyên gia, lao động nước ngoài; giải pháp giám sát điện tử đối với người Việt Nam; tổ chức giám sát dịch bệnh tại cộng đồng, cập nhật thông tin về tình hình dịch bệnh để phân loại nguy cơ dịch bệnh đối với từng địa phương.
Nhiều người không tuân thủ quy định khi về địa phương
17 hộ dân tại ngõ 83 đường Dục Nội (huyện Đông Anh, Hà Nội) - nơi sinh sống của bệnh nhân 2911 đã cách ly - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH
Tính từ ngày 29-4 đến nay, có 4 trường hợp mắc COVID-19 sau khi hoàn thành cách ly tập trung 14 ngày đã làm lây lan dịch ra 5 tỉnh thành.
Đã có ít nhất 2 chùm ca bệnh lây từ người đã hoàn thành cách ly tập trung; trong đó, chùm ca ở Vĩnh Phúc và Hà Nội (14 bệnh nhân) lây từ 2 chuyên gia người Trung Quốc đã hoàn thành cách ly tại Yên Bái, và chùm ca từ Hà Nam (lây từ bệnh nhân 2899, nhập cảnh từ Nhật và đã hoàn thành cách ly tại Đà Nẵng) lây lan ra Hà Nội (3 ca), Hưng Yên (2 ca) và Hà Nam (16 ca, tính cả bệnh nhân 2899).
Ngày 4-5 thêm 1 ca bệnh (chuyên gia người Ấn Độ) cũng đã hoàn thành cách ly tại Hải Phòng, cùng 2 bệnh nhân tại Đà Nẵng chưa rõ nguồn lây.
Một chuyên gia dịch tễ nhiều kinh nghiệm lý giải các nguy cơ khiến người hoàn thành cách ly trở thành nguồn lây:
Thứ nhất: có thể bị lây nhiễm tại khu cách ly (như trường hợp nhân viên lễ tân khách sạn Như Nguyệt 2 tại Yên Bái bị lây nhiễm từ đoàn chuyên gia Ấn Độ và 2 chuyên gia người Trung Quốc cũng được cho là bị lây tại điểm cách ly này).
Thứ hai: tình trạng "âm tính giả" khi xét nghiệm tại khu cách ly. Chuyên gia này giải thích rằng bộ test kit có chất lượng tốt nhất cũng chỉ đảm bảo chính xác 99% và 1% kết quả có sai lệch do chất lượng sinh phẩm, do quy trình lấy mẫu không chuẩn, thời điểm lấy mẫu không đúng, do chạy mẫu bị sai quy trình.
2 trong số 4 ca dương tính gần đây sau khi đã hoàn thành cách ly - ca 2899 hoàn thành cách ly ở Đà Nẵng và ca 2986 (chuyên gia người Ấn Độ) cách ly ở Hải Phòng, thời điểm lấy mẫu lần cuối trước khi rời khu cách ly là ngày thứ 13 của đợt cách ly, trong khi quy định là lấy mẫu ở ngày thứ 14.
Nhưng PGS.TS Trần Đắc Phu - cố vấn cao cấp của Văn phòng đáp ứng khẩn cấp phòng chống dịch bệnh, nguyên cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) - cho rằng đại đa số ca bệnh COVID-19 có thời gian ủ bệnh trong vòng 14 ngày, có thể có ca bệnh ủ bệnh dài hơn nhưng tỉ lệ này rất ít ỏi.
Về thời gian cách ly, ông Phu cho rằng nhiều nước đang quy định thời gian cách ly 14 ngày tương tự Việt Nam, nhưng cũng có quốc gia chỉ yêu cầu cách ly 10 ngày.
"Với những ca bệnh ghi nhận dương tính sau khi đã hoàn thành cách ly như kể trên, chưa thấy có bằng chứng cho thấy thời gian ủ bệnh kéo dài hơn thông thường, tôi cho rằng nên giữ thời gian cách ly tập trung 14 ngày, sau đó là thời gian theo dõi, giám sát tại nơi lưu trú/làm việc" - ông Phu đề nghị.
Ông Phu khẳng định đã có quy định rất chặt chẽ đối với những người sau 14 ngày cách ly tập trung, khi trở về khu dân cư phải khai báo y tế, không tiếp xúc đông người, phải đeo khẩu trang… nhằm hạn chế rủi ro. Tuy nhiên, một số người chưa tuân thủ các quy định này.
"Thậm chí, có người sau khi hết cách ly tập trung 14 ngày đã tiếp xúc với nhiều người khác không cần thiết, có người còn vào những nơi đông người như quán karaoke, quán bar… Đây là môi trường rất dễ lây lan dịch bệnh vì không gian kín, và thực tế đã xảy ra vụ việc đáng tiếc như vừa rồi", ông Phu phân tích.
LAN ANH
Lo với biến thể Ấn Độ
Chiều 4-5, Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TP Hà Nội cảnh báo tình hình dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn hiện nay có nguy cơ ở mức rất cao, có thể còn xuất hiện ca mắc trong cộng đồng.
Báo cáo tại cuộc họp của Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TP Hà Nội, ông Hoàng Đức Hạnh - phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội - lưu ý: "Kết quả giải trình tự gen ca bệnh ở Vĩnh Phúc là B.1.617.2 - biến thể xuất hiện lần đầu tại Ấn Độ.
Còn giải trình tự gen liên quan đến ca bệnh ở Hà Nam là chủng từ Anh. Các thể này được các chuyên gia nhận định có tốc độ lây lan nhanh, từ khi tiếp xúc đến khi lây cho người khác từ 3-5 ngày".
X.LONG
Chống lây chéo trong cách ly tập trung được không?
Một chuyên gia y tế tại TP.HCM cho rằng để tránh tình trạng lây nhiễm chéo trong khu cách ly cần đảm bảo phân luồng trong tổ chức khu cách ly. Khu cách ly nếu có nhà vệ sinh chung thì phải có quy định sử dụng nhà vệ sinh để tránh tụ tập đông người, tăng cường tần suất khử khuẩn nhà vệ sinh.
Người cách ly thực hiện đeo khẩu trang khi đi vệ sinh, rửa tay trước và sau khi vệ sinh. Khu cách ly tăng cường khử khuẩn hành lang lối đi. Trang bị camera giám sát để nhắc nhở người cách ly tuân thủ quy định. Ưu tiên cách ly 1 người 1 phòng. Tuy nhiên, nếu phòng nhiều hơn 2 người thì sắp xếp các giường giữ khoảng cách tối thiểu 1m.
Phân loại khu vực cách ly theo nguy cơ, yếu tố dịch tễ. Ngành y tế phụ trách đảm bảo chuyên môn y tế khi thực hiện cách ly, còn những trường hợp bỏ trốn khi cách ly do công an và quân đội quản lý.
Trong khi đó, bà Đinh Thị Hải Yến - trưởng khoa truyền thông giáo dục sức khỏe, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM - cho biết ngoài 3 bệnh nhân bị dương tính sau thời gian cách ly tập trung mới đây thì trước đó còn có những bệnh nhân bị tái dương tính sau khi điều trị, đang trong thời gian cách ly tại nhà.
Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, đối với những trường hợp đã điều trị COVID-19, xuất viện về nhà thì theo dõi thêm 14 ngày có sự giám sát của y tế cơ sở và CDC địa phương.
Các trường hợp này được theo dõi thân nhiệt tại nhà 2 lần/ngày, nếu thân nhiệt cao hơn 380C ở 2 lần đo liên tiếp hoặc có các dấu hiệu bất thường khác thì phải đến khám lại ngay tại các cơ sở y tế.
Làm xét nghiệm bằng phương pháp Real-time RT-PCR tại thời điểm ngày thứ 7 và ngày thứ 14. Tuy vậy với các trường hợp xuất viện, thành phố sẽ vận động họ thực hiện cách ly tại các khu cách ly quận huyện để thuận lợi cho việc theo dõi, chăm sóc sức khỏe.
Riêng những trường hợp được cách ly tập trung 14 ngày (kết quả xét nghiệm âm tính) thì những người này tự theo dõi sức khỏe tại nhà và vẫn được phép đi học, đi làm nhưng phải đảm bảo các biện pháp phòng hộ.
THÙY DƯƠNG
Liên tục bắt giữ người Trung Quốc nhập cảnh trái phép
Sáng 26-4, Công an xã An Phú, huyện Hớn Quản, tỉnh Bình Phước, bắt 9 người quốc tịch Trung Quốc nhập cảnh trái phép - Ảnh: TTXVN
Dù đã được cảnh báo, răn đe trong thời gian dài, hoạt động lén lút đưa người nước ngoài nhập cảnh không khai báo vẫn diễn ra liên tục.
Vĩnh Phúc: 52 người Trung Quốc nhập cảnh trái phép
Chiều 4-5, lãnh đạo Công an tỉnh Vĩnh Phúc cho biết đã ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam Nguyễn Thị Hồng Hạnh (36 tuổi, ngụ phường Liên Bảo, TP Vĩnh Yên) về tội tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép.
Vào tối 3-5, Công an TP Vĩnh Yên đã phát hiện 39 người Trung Quốc nghi nhập cảnh trái phép và cư trú bất hợp pháp tại các địa chỉ số 19 Ngô Gia Tự (phường Khai Quang), số 2 Nguyễn Văn Chất và số 76 Nguyễn Công Trứ (phường Liên Bảo), TP Vĩnh Yên.
Sáng 4-5, công an tiếp tục rà soát và phát hiện thêm 13 người Trung Quốc khác tại phường Liên Bảo. Khi lực lượng chức năng kiểm tra, một số người trong nhóm này đã không hợp tác và bỏ chạy. Lực lượng chức năng phải sử dụng biện pháp nghiệp vụ để khống chế.
Tại nơi ở của nhóm này, lực lượng chức năng đã tạm giữ một số thiết bị cá nhân phục vụ điều tra, đồng thời phun khử khuẩn toàn bộ nơi ở của những người này.
DANH TRỌNG
TP.HCM: bắt 2 người tổ chức cho 11 người nhập cảnh trái phép
Đại diện Công an TP.HCM cho biết như vậy tại buổi họp thông tin về việc thực hiện kế hoạch đảm bảo an ninh trật tự trong 4 ngày nghỉ lễ, vào ngày 4-5.
Về xử lý các trường hợp nhập cảnh trái phép, Công an TP đã phát hiện, xử lý 11 người nước ngoài nhập cảnh trái phép, lưu trú tại TP.HCM. Qua đó bắt giữ 2 nghi phạm liên quan giữ vai trò tổ chức.
Tính từ đầu năm 2021 đến nay, Công an TP phát hiện 108 người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam lưu trú tại TP.HCM.
SƠN BÌNH
Đà Nẵng: địa bàn trung gian
Thiếu tướng Vũ Xuân Viên - giám đốc Công an Đà Nẵng - cho biết đối với việc xử lý người nước ngoài nhập cảnh, lưu trú trái phép, Công an Đà Nẵng là đơn vị xử lý rất nghiêm khắc, "xử lý hình sự nhiều nhất, tới nay là 16 vụ, cao nhất cả nước".
Đầu năm 2021 đến nay, Công an Đà Nẵng đã khởi tố 6 vụ. Theo ông Viên, đặc biệt là Công an Đà Nẵng đã phát hiện và xử lý triệt để 2 đường dây đưa người nhập cảnh trái phép từ biên giới qua Đà Nẵng. Ông nói: "Đà Nẵng là địa bàn trung gian, trên đường vận chuyển vào phía Nam để qua Campuchia thì Công an TP đón lõng, bắt được và xử lý triệt để".
Cũng theo Công an Đà Nẵng, từ năm 2020 đến nay đã đấu tranh, xử lý 16 vụ tổ chức đưa người nước ngoài nhập cảnh trái phép vào Việt Nam, khởi tố 55 bị can (trong đó có 11 bị can quốc tịch Trung Quốc), đã đưa ra xét xử 7 vụ.
ĐOÀN CƯỜNG
TTO – Tối 4-5, đoàn kiểm tra công tác phòng chống dịch COVID-19 do phó chủ tịch UBND TP.HCM làm trưởng đoàn bất ngờ kiểm tra nhà hàng The King. Nhân viên quán chạy ra "mời khách"...
Xem thêm: mth.99150108050501202-al-ol-nauq-uhc-oc-yl-hcac-uah-oel-gnol-91-divoc-hcid-gnohp/nv.ertiout