Ngày 26 tháng 4 năm 2020, trong một dòng tweet trên Twitter, chị Elisa Granato viết: "Không gì lạ bằng cảm giác thức giấc bằng một bài báo đề cập đến cái chết của mình. Tôi đang làm hết sức mình có thể". 3 ngày trước đó, nhân dịp sinh nhật tròn 32 tuổi của mình, những bức ảnh của nhà vi sinh vật học Oxford đã được phát hành trên toàn thế giới. Những bức ảnh cho thấy một phụ nữ với nụ cười hân hoan trong phòng thí nghiệm khi cô đang cầm ống tiêm tiêm trên cánh tay trái của mình. Mũi kim nhỏ nhưng là bước tiến lớn cho nhân loại, nó đánh dấu đợt thử nghiệm vaccine COVID-19 trên người đầu tiên của Châu Âu. Ngày 23 tháng 4 năm 2020, câu chuyện về Elisa Granato và những báo cáo chệch choạc về cái chết của cô đã làm nảy sinh một cuộc tranh chấp kỳ quặc đối với loại vaccine đang được sử dụng nhiều nhất trên thế giới.
Được phát triển bởi một nhóm nhỏ các nhà khoa học vaccine tài ba nhất hành tinh và được sản xuất công nghiệp bởi hãng dược khổng lồ với nhiều chứng chỉ danh giá hàng đầu, Vaxzevria (cái tên mới chính thức của vaccine Oxford/AstraZeneca ở Châu Âu) đã tạo thành tiêu đề nóng bỏng trong suốt nhiều tháng. Nhưng không phải là loại mà các nhà sản xuất đặt nhiều kỳ vọng. Nhiều tháng sau đó, nhà sản xuất không chỉ bị vướng trong xung đột chính trị giữa EU và Anh, mà còn bởi những mâu thuẫn ngày một rối rắm. Kết quả là nhiều chính phủ trên thế giới đã thu hồi một số phần của Vaxzevria (một số quốc gia gọi nó là Covishield). Ngay cả khi làn sóng dịch thứ 3 bùng phát ở Đức và EU thì kéo theo đó một lượng người tuyên bố rằng họ muốn tiêm với bất kỳ loại vaccine nào ngoại trừ của AstraZeneca. Có gì sai trái chăng? Bài điều tra dưới đây của các phóng viên Der Spiegel đã tái cấu trúc lại những câu chuyện xoay quanh AstraZeneca trong những tuần gần đây để hình dung ra thảm họa mà không chỉ hãng dược đối mặt mà còn là nhiều quốc gia khác.
Thủ tướng Anh Boris Johnson (giữa) trong một nhà máy sản xuất vaccine của AstraZeneca. |
Câu chuyện của AstraZeneca
Câu chuyện về Vaxzevria được bắt đầu tại Khoa y Nuffield, một trung tâm nghiên cứu ở rìa phía Đông của thành phố đại học Oxford. Ngày 30 tháng Giêng năm 2020, một nhóm các nhà nghiên cứu tên tuổi đã tụ họp ở đó tức chỉ 1 ngày trước sự kiện Brexit và 1 ngày trước khi 2 ca nhiễm COVID-19 đầu tiên được công bố trên đất Anh, chính xác là ở York, cách đó 300 km. Trong nhiều tuần, các nhà nghiên cứu liên tục theo dõi tin tức về đợt bùng bịch của một loại virus ở Vũ Hán (Trung Quốc), với tâm trạng bồn chồn. Khi mà năng lực từ chính phủ của Thủ tướng Boris Johnson đang toàn tâm vào việc rời khỏi EU thì các nhà khoa học tại Oxford thảo luận về cách họ có thể làm để cứu nguy cho thế giới. Trong số những người có mặt hôm đó có bà Sarah Gilbert (một giáo sư tầm thường của Viện Jenner) người đang thí nghiệm với men bia trong một phòng thí nghiệm nghiên cứu ủ bia trước khi trở thành chuyên gia vaccine nổi tiếng thế giới.
Bà Gilbert đã nghiên cứu về các loại vaccine chống lại bệnh sốt rét, Ebola và MERS, và cũng đang chuẩn bị vaccine cho "Bệnh X" - đại dịch lớn sắp tới mà các nhà khoa học đang cất công tham gia trong thời gian qua. Bà Gilbert (người đã nghiên cứu mã di truyền của SARS-CoV-2 trong nhiều tuần) đã gây sửng sốt cho các đồng nghiệp khi quả quyết rằng sẽ rất nhanh sẽ có vaccine. Lúc đó, bà Gilbert đang tiến hành cho giai đoạn thí nghiệm thứ 2 thuộc Giai đoạn 1 thử nghiệm lâm sàng của loại vaccine chống bệnh MERS (Hội chứng hô hấp Trung Đông) được gây ra bởi một loại virus trong họ coronavirus. Đến tháng 3 năm 2020, các chuyên gia Oxford đã hoàn thành lô vaccine mới đầu tiên dùng để tiêu diệt SARS-CoV-2. Những đợt thử nghiệm lâm sàng trên lợn tại Hạt Surrey đã cho ra kết quả đầy hứa hẹn. Nhưng rõ ràng là rất cần một lượng lớn vaccine, càng nhiều càng tốt.
Vì vậy Oxford đã bắt đầu tìm kiếm đối tác trong ngành dược phẩm, và sự lựa chọn đầu tiên là hãng dược khổng lồ Merck (Mỹ). Song vì ông Donald Trump với tư tưởng "Nước Mỹ trên hết" đã khiến người Anh tỏ ra dè dặt khi làm việc với người Mỹ và vì thế giao dịch với Merck đã đổ vỡ. Phát biểu sau đó trên đài phát thanh LBC, Bộ trưởng Y tế Anh, ông Matt Hancock đăng đàn giải thích rằng ông không muốn tham gia vào một hợp đồng mà sẽ cho phép lô vaccine đầu tiên của Oxford trao cho các quốc gia khác. Tháng 4 năm 2020, ý tưởng liên kết Anh -Thụy Điển của công ty AstraZeneca đã ra đời.
Ông Pascal Soriot, CEO hãng AstraZeneca. |
Pascal Soriot và AstraZeneca
Khi Pascal Soriot nắm quyền quản lý AstraZeneca vào năm 2012, khi đó công ty đang ở đáy vực: giá cổ phiếu giảm mạnh, và nguy cơ hãng mất bằng sáng chế thuốc. Soriot xoáy sâu vào AstraZeneca: thay vì giảm chi phí thì ông đã đầu tư phát triển sản phẩm, mua thêm các công ty và chống Pfizer thâu tóm ở Mỹ. Hôm nay, AstraZeneca là công ty lớn thứ 2 ở Anh. Ở tuổi 61, ông Soriot đã sớm học cách tạo dựng bản thân. Lớn lên ở vùng ngoại ô Paris và cha đã qua đời khi cậu trai Soriot tròn 20 tuổi. Rồi Soriot đăng ký học trường kinh doanh Paris (HEC) và dấn thân vào ngành dược phẩm. Năm 2020, CEO Soriot của AstraZeneca tuyên bố rằng công ty ông đang lên kế hoạch xử lý bài toán rất nan giải cho y tế cộng đồng: sản xuất vaccines chống lại COVID-19. Lúc đầu AstraZeneca tuyên bố hợp tác với bà Sarah Gilbert và các nhà khoa học ở Oxford. AstraZeneca dự định xuất khẩu vaccine ra toàn cầu với mức giá từ 2 USD đến 5 USD, và đặt mục tiêu là các nước nghèo sẽ tiếp cận nguồn vaccine nhanh chóng nhất và bình đẳng nhất.
Đồng thời Soriot cũng cam đoan với Thủ tướng Boris Johnson sẽ cung cấp một lượng lớn vaccine đầu tiên và độc quyền cho Anh. Tuy nhiên, các nhân viên của AstraZeneca lại nói rằng Soriot đã chủ quan khi không xem xét thấu đáo hậu quả có thể xảy ra nếu thất bại. Không hề do dự, Soriot đã tiếp cận chiến lược vaccine như với mọi dự án của mình. AstraZeneca cam kết sản xuất 300 triệu liều vaccine cho EU vào giữa năm 2021, cũng như 100 triệu liều khác cho Anh. AstraZeneca đang sản xuất Vaxzevria trong ít nhất 4 nhà máy ở Châu Âu; 2 trong số đó là Oxford Biomedica và Cobra Biologics (cùng đặt ở Anh); 2 cơ sở còn lại là Thermo Fisher và Halix (tọa lạc tại Bỉ và Hà Lan). 4 nhà máy được vận hành bởi các nhà thầu phụ chứ không phải bởi AstraZeneca. Và ít nhất 2 nhà máy trong số đó đã xảy ra trục trặc ngay từ khi khởi động. Lúc đầu, Thermo Fisher sản xuất ít vaccine hơn sự kỳ vọng. Còn Cobra Biologics không hoạt động đồng bộ.
Chuyên gia sức khỏe Hà Lan, Wilbert Bannenberg, tỏ ra không hề ngạc nhiên với sự trục trặc sản xuất vaccine của AstraZeneca khi đề cập tới hàng trăm thành phần dùng trong các loại vaccine như Vaxzevria, ngay cả những chệch choạc nhỏ trong nguyên liệu thô cũng khiến cho thành phẩm phải bỏ đi. Vào cuối năm 2020, rõ ràng là AstraZeneca gặp khó khăn trong các hợp đồng phải thực hiện. Soriot đang phân vân không biết bỏ Anh hay bỏ EU. Và ông chủ Phố Downing bắt đầu thành lập một lực lượng chuyên trách vaccine bao gồm các chuyên gia và khoa học gia nổi tiếng. Được dẫn đầu bởi nhà hóa sinh kiêm nhà tư bản mạo hiểm Kate Bingham, lực lượng này không chỉ thành lập các loại vaccine đa dụng cho người Anh mà còn xây dựng ngành công nghiệp vaccine Anh. Nói cách khác, vương quốc Anh đã cung cấp cho những nhà phát triển vaccine một lời đề nghị mà họ khó có thể từ chối.
Canh bạc lòng tin của khách hàng
Vaxzevria là loại vaccine thứ 3 được phê chuẩn ở Châu Âu, sau BioNTech/Pfizer và Moderna. Nhưng đến mùa Thu năm 2020 có vẻ như những nghiên cứu của AstraZeneca về đại dịch đã trở nên không mấy chính xác. Chẳng hạn, khoảng 3.000 đối tượng thử nghiệm đã nhận nửa liều tiêm cho giai đoạn đầu tiên của họ, và một liều đầy đủ cho lần tiêm thứ 2. Cả Oxford lẫn AstraZeneca đều bất đồng trong quan điểm rằng nửa liều là hành động cố ý hay ngẫu nhiên. AstraZeneca bị chỉ trích vì về cơ bản hãng này đã kết thúc việc tính toán giá trị trung bình dữ liệu của những nhóm đối tượng thử nghiệm khác nhau. Vấn đề lớn hơn nữa là thiếu người cao tuổi để đưa vào nghiên cứu. Ủy ban thường trực về tiêm chủng (STIKO) của Viện Robert Koch (trung tâm kiểm soát bệnh tật của Đức) buổi ban đầu đã khuyến nghị AstraZeneca chỉ thử nghiệm với những người từ 18 đến 64 tuổi, và vô hình trung đã làm đảo lộn thứ tự ưu tiên cho tiêm chủng ở Đức.
Với tâm trạng khó chịu vì bị tắc nghẽn nguồn cung vaccine, và chưa dựa trên bất kỳ cơ sở khoa học nào nhưng Tổng thống Pháp, Emmanuel Macron, đã tuyên bố vaccine AstraZeneca "không thấy nhúc nhích chút nào với người trên 65 tuổi". Kể từ thời điểm đó, vaccine bị xếp loại 2 ở mọi quốc gia Âu Châu ngoại trừ Anh. Ở Mỹ, AstraZeneca vaccine thậm chí còn không được phê chuẩn mặc dù Tổng thống Trump hạ lệnh cần 300 triệu liều vào cuối tháng 5 năm 2020. Buổi đầu có vẻ như AstraZeneca không hoàn toàn minh bạch với người Mỹ khi che đậy sự thật về một đối tượng thử nghiệm bị ốm ở giai đoạn đầu thử nghiệm. Song đó vẫn chưa phải là trục trặc cuối cùng. Hồi tháng 3 năm 2021, AstraZeneca tuyên bố rằng vaccine của hãng có hiệu quả 79% trong việc ngăn ngừa các bệnh nhiễm trùng có triệu chứng. Nhưng giới chức Mỹ lại cho rằng dữ liệu của hãng dược này đã lỗi thời và có thể làm sai lệch kết quả.
Hồi tháng 3 năm 2021, tin tức bắt đầu lan truyền đe dọa có thể đánh sập lòng tin đối với AstraZeneca. Tại vài quốc gia, người được tiêm chủng bằng vaccine Vaxzevria đã xuất hiện chứng tắc mạch máu do cục máu đông trong não, còn có tên gọi khác là chứng huyết khối tĩnh mạch xoang não (viết tắt CSVT). Ngày 29 tháng 3 năm 2021, Viện Paul Ehrlich (thể chế quản lý y tế của Đức) đã ghi nhận có 31 trường hợp CSVT trong số 2,7 triệu người được tiêm chủng ở Đức. Hầu hết phụ nữ trẻ bị ảnh hưởng. 9 người chết. Sợ hãi, một số quốc gia giờ đã kết thúc liên lạc với AstraZeneca. Cho đến gần đây, lần đầu tiên Cơ quan thuốc Châu Âu (EUMA) lên tiếng thừa nhận về có mối liên hệ giữa chứng huyết khối và Vaxzevria, tuy vậy EUMA vẫn khuyến nghị dùng vaccine Vaxzevria cho tất cả mọi nhóm tuổi.
Theo một cuộc khảo sát thì 23% người dân Pháp xem Vaxzevria là an toàn, ở Đức là 32%. Na Uy và Đan Mạch thì ngừng dùng vaccine Vaxzevria. Lần đầu tiên, chứng huyết khối và tử vong cũng được nhìn thấy ở Anh. Đại học Oxford đã đình chỉ một loại thử nghiệm vaccine trên trẻ em. Các chuyên gia đang trên bờ vực của sự tuyệt vọng. Bà Nina Gatter (một nhà tiêm chủng từ bang Bắc Rhine-Westphalia, Đức) lên tiếng chỉ trích AstraZeneca khi cho rằng hãng này đã không bày đỏ đúng mực về mối lo ngại từ tâm lý hồ nghi của dư luận. Tại Châu Âu, ngày càng có nhiều sự hoài nghi và đã làm trì hoãn chiến dịch tiêm chủng. Nhiều người bị tiêm muộn hơn so với kế hoạch, trong khi số khác dùng nhiều loại vaccine khác nhau. Hậu quả ảnh hưởng dây chuyền ở những nơi khác. Sáng kiến Covax hiện đang phụ thuộc lớn vào vaccine của AstraZeneca. Hậu quả của sự cạn kiệt lòng tin này có thể thấy nhãn tiền ở Nam Phi. Chính phủ nước này ngừng tiêm chủng cho người dân sau khi đã khám phá ra một đột biến. Kết quả các đợt tiêm chủng chống COVID-19 đã diễn ra chậm chạp ở Nam Phi, đồng nghĩa chất được tạo ra với hy vọng để cứu thế giới, thì giờ đây đang chất đống trong kho.
Phan Bình (Tổng hợp)Xem thêm: /518936-nit-mein-tor-ior-oab-noc-gnort-aceneZartsA/us-hnih-tauht-yK-coh-aohK/nv.moc.dnac.gtna