Tưởng chừng khó khăn phần nào đã được giảm thì bất ngờ làn sóng dịch COVID-19 thứ 4 lại ập đến khiến cuộc sống của người dân phần nào thay đổi, doanh nghiệp khó lại càng thêm khó. Dù Chính phủ đã và đang có những gói hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp nhưng nhiều ý kiến cho rằng, các gói hỗ trợ phải tính đến bản chất, tác động cộng hưởng, đa chiều.
Hỗ trợ nào cũng quý
Cấp thêm nguồn lực kịp thời cho doanh nghiệp ngay sau khi dịch COVID-19 bùng phát bằng một loạt các chính sách thuế, tín dụng đã cho thấy một Việt Nam bản lĩnh vững vàng trước những biến cố được ví là chưa từng có trong lịch sử. Có thể nhìn lại, trong năm 2020, thông qua chính sách tài chính, ngân sách nhà nước (NSNN) đã xử lý hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân hàng nghìn tỉ đồng để ứng phó với đại dịch COVID-19.
Trong đó, miễn, giảm, giãn thuế, tiền thuê đất, các khoản phí, lệ phí là 111,5 nghìn tỉ đồng; chi từ NSNN 16,83 nghìn tỉ đồng cho công tác phòng, chống dịch và hỗ trợ người dân. Con số đó phải đặt trong bối cảnh kinh tế thế giới ngừng trệ tác động lớn tới nước ta. Khi doanh nghiệp lao đao sẽ khó có đóng góp cho ngân sách. Nhưng thời điểm ngay từ đầu năm 2020 khi đại dịch COVID-19 bắt đầu bùng phát, những quyết tâm của Chính phủ đã cho thấy, dù phải “thắt lưng buộc bụng” hơn nữa, cũng vẫn phải tiếp sức cho doanh nghiệp, hỗ trợ an sinh xã hội cho người dân.
Chính phủ đã có những kịch bản ứng phó từng giai đoạn dịch bệnh, ngay cả trong tình huống xấu nhất. Một loạt các giải pháp về giãn, giảm thuế, phí, lệ phí với nhiều mức giảm sâu, trực tiếp cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng lớn bởi dịch bệnh, như du lịch, hàng không, dịch vụ… Số lượng doanh nghiệp được hưởng lợi từ các chính sách tài khóa, tiền tệ lên đến 93% trong tổng số doanh nghiệp. Các chính sách đó đã góp phần tạo ra dòng tiền để doanh nghiệp có thể xoay xở trong bối cảnh rất khó khăn này.
Các hình thức ưu đãi thuế ở Việt Nam khá đa dạng, bao gồm ưu đãi thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN); ưu đãi về thời gian miễn thuế, giảm thuế TNDN; ưu đãi về miễn, giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước; miễn thuế sử dụng đất phi nông nghiệp; miễn thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu.
Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng, các chính sách của Chính phủ, bộ ngành là rất hợp lý. Bởi theo ông muốn cho doanh nghiệp “sống lại” ngay trong và sau dịch, phải tiếp tục giãn thuế, phí giúp doanh nghiệp có nguồn tiền trang trải vượt qua khó khăn. Việc giãn thuế trong bối cảnh này là yếu tố cực kỳ tích cực, khi doanh nghiệp hoạt động tương đối ổn định, cơ quan thuế sẽ thu sau. Mặc dù NSNN đang khó khăn, nhưng việc chậm thu vài tháng vẫn trong khả năng của chúng ta.
“Quan trọng là phải rà soát cắt giảm mạnh mẽ các chi tiêu không cần thiết, tự khắc ngân sách sẽ bớt gánh nặng bội chi. Cải cách, cắt giảm chi tiêu mới là quan trọng”, vị chuyên gia này nói.
Trong khi đó, trao đổi với Báo Lao Động, chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Ngọc Tú (Giảng viên trường Đại học kinh doanh và Công nghệ) cho rằng, đúng là Bộ Tài chính ở vào thế khó khi vừa phải đảm bảo nhiệm vụ thu ngân sách theo mục tiêu đề ra, vừa phải có giải pháp hỗ trợ về thuế, phí, lệ phí cho doanh nghiệp. Việc ban hành chính sách mới phải đảm bảo không tác động làm giảm thu ngân sách là việc rất khó. Theo ông Tú, đang lúc khó khăn khi dịch bệnh trên toàn cầu và trong nước thì bất cứ hỗ trợ theo hình thức nào đối với doanh nghiệp cũng là rất quý. Các nước Châu Âu, Mỹ đều có những gói hỗ trợ để kích thích kinh tế.
Còn dàn trải và chưa đồng đều
Theo chuyên gia Nguyễn Ngọc Tú, trên thực tế, phải thấy rằng các gói hỗ trợ qua chính sách tài khóa, tiền tệ... không phải là thuốc thần và không thể cứu hết doanh nghiệp gặp khó khăn, nhất là khi nguồn ngân sách còn hạn chế trong tình hình bệnh dịch còn rất phức tạp, khó lường. Chính vì vậy, chỉ có thể cứu được một số doanh nghiệp theo các tiêu chí hợp lý về mặt kinh tế và thực tiễn tối đa, bảo đảm minh bạch, công bằng cao. Do đó, bên cạnh các chính sách hỗ trợ từ phía nhà nước, yếu tố tự thân của doanh nghiệp cũng hết sức quan trọng. Cũng theo vị chuyên gia này, các gói hỗ trợ hiện nay chưa đồng đều, chưa lớn.
“Với việc giảm từ 3 đến 5 tháng hay 6 tháng thuê đất, họ chưa kịp làm thì đã hết. Từ khi thực hiện đến khi kết thúc, họ chưa qua một vòng đời sản phẩm thì đã phải trả nợ. Tác dụng của việc hỗ trợ này chưa đủ lực”, ông Tú nói và cho biết thêm, chúng ta cũng cần phải cân đối và xem xét khi giãn, giảm thuế cho các doanh nghiệp có sức sản xuất, phát triển.
Theo TS Lê Duy Bình - Giám đốc Economica Việt Nam, năm 2021 doanh nghiệp cần tiếp tục thể hiện ý chí, quyết tâm và tăng khả năng thích ứng. Trong bối cảnh khó khăn, ai thích ứng nhanh sẽ có khả năng tồn tại và phát triển tốt nhất. Những cơ hội mới mở ra từ thị trường nước ngoài, với các hiệp định thương mại tự do; quá trình chuyển đổi số cũng mang lại cuộc cách mạng đối với doanh nghiệp Việt. Nếu doanh nghiệp Việt Nam bắt được cơ hội này sẽ tạo tiền đề phát triển mới. Đây cũng là sức ép, buộc các doanh nghiệp Việt phải đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số một cách mạnh mẽ hơn, thích ứng nhanh hơn, nắm bắt cơ hội từ thị trường trong và ngoài nước tốt hơn.
Bức tranh ưu đãi thuế còn bất cập?
Theo tìm hiểu, hiện nay, mức ưu đãi thuế khá cao và diện ưu đãi còn rộng, dàn trải làm suy giảm nguồn thu ngân sách nhà nước. Theo Cục Thuế tỉnh Quảng Ninh, danh mục ngành, nghề, lĩnh vực và địa bàn được hưởng ưu đãi thuế tại tỉnh này khá rộng. Thực tiễn này đã làm giảm vai trò "định hướng" của chính sách ưu đãi thuế trong việc thực hiện các mục tiêu về phát triển kinh tế - xã hội; đồng thời, phạm vi ưu đãi rộng đồng nghĩa với việc chi phí áp dụng chính sách ưu đãi thuế cao, nhất là đối với nguồn thu ngân sách Nhà nước.
Xem thêm: odl.234509-ueihc-ad-gnouh-gnoc-gnod-cat-ned-hnit-iahp-ort-oh-iog-cac/et-hnik/nv.gnodoal