vĐồng tin tức tài chính 365

Trần Tố Nga - cuộc chiến pháp lý cho quá khứ và tương lai - Bài 1: Chờ đợi một phiên tòa lịch sử

2021-05-06 10:41

Trần Tố Nga - cuộc chiến pháp lý cho quá khứ và tương lai - Bài 1: Chờ đợi một phiên tòa lịch sử

TS. Lê Thiên Hương - TS. Nguyễn Thụy Phương

(KTSG) - Những ngày này, ở Pháp, cũng như ở Việt Nam, gia đình, bạn bè và đông đảo người ủng hộ bà Trần Tố Nga đang hồi hộp chờ đến ngày 10-5-2021, ngày mà Tòa đại hình Evry, Pháp, sẽ đưa ra phán quyết chính thức về vụ kiện lịch sử của bà - một nạn nhân của chất màu da cam rải xuống Việt Nam trong chiến tranh (Agent Orange).

Bà Trần Tố Nga trong một cuộc biểu tình ủng hộ những người bị chất độc da cam trong chiến tranh Việt Nam tại Paris. Ảnh: A.P

Người phụ nữ Việt bé nhỏ và mảnh dẻ này đã đi một chặng đường rất dài để dẫn tới phiên tòa  có một không hai này. Thế nhưng, trái ngược với những người xung quanh, bà Nga chờ kết luận của tòa với một sự bình tĩnh và thanh thản như thường lệ.

Phiên tòa “chính trị, lịch sử và độc nhất!”, đó là lời của William Bourdon(1), luật sư của bà Trần Tố Nga chống lại 19 công ty hóa chất Mỹ, trong đó có những tên tuổi lớn như Dow Chemical, Monsanto, Thompson, Diamond, Hercules et Uniroyal. Vụ tranh tụng cuối cùng đã diễn ra vào ngày 25-1-2021 tại Pháp, gây tiếng vang lớn trên truyền thông Pháp và Việt Nam.

Có thể nói, hành trình pháp lý của bà Trần Tố Nga là một câu chuyện vô cùng đặc biệt và hiếm hoi về niềm tin vào công lý và lẽ phải.

Trước hết, xin nhắc lại là, theo một nghiên cứu của  “Government Accountability Office”, một cơ quan điều tra của Quốc hội Mỹ, trong vòng 10 năm từ 1962 - 1971, nước Mỹ đã rải xuống Việt Nam 75 triệu lít “Agent Orange” - một loại thuốc diệt cỏ mà chúng ta quen gọi là chất màu da cam - cái tên đến từ màu của thùng đựng thuốc. Quy trình sản xuất gấp rút “Agent Orange” của các công ty hóa chất nói trên để đáp ứng đơn đặt hàng của quân đội Mỹ đã dẫn tới hậu quả là loại thuốc diệt cỏ này có chứa dioxine, một loại chất độc có khả năng gây bệnh ung thư, máu trắng, tiểu đường, các loại bệnh về thần kinh cũng như bệnh ngoài da. Nạn nhân của chất độc dioxine luôn sinh ra những người con mang dị tật nặng nề, thậm chí sống đời sống thực vật. Cũng theo báo cáo nói trên, có khoảng 400 ki lô gam dioxine đã bị đổ xuống Việt Nam, gây ảnh hưởng vô cùng nặng nề và kéo dài tới con người và môi trường Việt Nam. Nhiều người đã không ngần ngại khi gọi hành vi này là “diệt chủng môi trường” (écocide).

Vụ kiện của bà Nga thu hút sự chú ý ở Pháp bởi vì nó không chỉ là đòi công lý cho các nạn nhân của một tội ác trong quá khứ mà còn là một thông điệp gửi tới tương lai, cảnh báo con người về nạn écocide (diệt chủng môi trường).

Năm 1966, bà Trần Tố Nga, khi đó mới 24 tuổi, đã cùng với nhiều bạn trẻ Việt Nam khác trèo đèo lội suối xuyên rừng Trường Sơn, vào Nam tham gia kháng chiến. Chỉ một năm sau đó, khi đang làm nhiệm vụ ở tỉnh Bình Phước hiện nay, bà Nga đã có mặt ở một vùng mà quân đội Mỹ đang tập trung ném bom và thả chất diệt cỏ để cắt đứt “đường mòn Hồ Chí Minh”. Khi đó, bà không hề biết rằng cơn mưa chất hóa học từ trên trời đổ xuống đầu mình và đồng đội lại là chất màu da cam. Kể từ đó trở đi, dioxin trong chất diệt cỏ này đã hiện diện trong cơ thể bà, không chỉ hành hạ bà bởi vô số căn bệnh quái ác, mà còn gây ra hậu quả nặng nề về sức khỏe cho những người con, cũng như đã gây ra cái chết của người con gái đầu lòng của bà Nga vào năm 1969. Những loại bệnh mà bà mang trong cơ thể cũng vô cùng trùng hợp với những gì mà vô số cựu chiến binh người Mỹ, Hàn quốc, Úc... đã từng tham chiến ở Việt Nam đang phải chịu đựng, và thủ phạm chung chính là dioxine.

Năm 2012, xét nghiệm máu của bà Trần Tố Nga cho thấy một nồng độ dioxine cao bất thường là 16,7 pg/g. Trước những bằng chứng đưa ra về các loại bệnh bà Nga mang trong người, cũng như kết luận của nhiều nhà khoa học và các bác sĩ về mối liên quan nhân quả giữa chất dioxine và các loại bệnh nói trên, tòa án Pháp, vì thế , đã chấp nhận thụ lý hồ sơ của bà. Có thể nói, việc bà đã bị nhiễm chất dioxine từ chất màu da cam quân đội Mỹ đã sử dụng ở Việt Nam trong chiến tranh và chịu những di chứng của chất độc này là một sự thật không thể chối cãi. Chính sự thật này đã mang lại niềm tin sắt đá cho bà trong suốt hành trình pháp lý dai dẳng nhiều năm qua, với vô vàn khó khăn, đặc biệt cho người nhiều bệnh tật như bà.

Năm 2009 tại tòa án công luận quốc tế ủng hộ nạn nhân chất màu da cam diễn ra ở Paris, Pháp, bà Trần Tố Nga lần đầu tiên gặp luật sư William Bourdon và nhà văn André Bouny. Hai vị này hỏi ý bà có đồng ý kiện không. Năm 2011 bà gởi máu sang một phòng thí nghiệm của Đức để xét nghiệm, năm 2012 mới có kết quả. Và năm 2015, bà cùng ba luật sư của mình (William Bourdon, Amélie Lefebvre và Bertrand Repolt) chính thức khởi kiện các công ty Mỹ, năm 2016 mới có phiên tranh tụng đầu tiên với 19 công ty. Các luật sư đến Việt Nam hai lần gặp Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam  và gặp các nạn nhân. Luật sư Bertrand Repolt cùng bà Trần Tố Nga đi New York, Mỹ, một lần và gặp luật sư Jonathan Moore, là người hết lòng ủng hộ các nạn nhân chất màu da cam người Việt qua Mỹ kiện. Ông đã tặng cho Văn phòng luật sư Bourdon hơn 100 ki lô gam tài liệu về các vụ kiện và các tài liệu quý giá mà chỉ riêng việc dịch cũng đã tốn 60.000 euro. Như vậy, hành trình pháp lý này được chuẩn bị hơn 10 năm...

Cũng xin giải thích thêm rằng, trong khuôn khổ sự kiện này, bà Trần Tố Nga khởi kiện vụ án dân sự đối với các công ty hóa chất đã cung cấp chất màu da cam cho quân đội Mỹ, chứ không phải đối với Chính phủ Mỹ, vốn được miễn trừ trách nhiệm. Bà Nga không yêu cầu các công ty này chịu trách nhiệm về việc rải chất màu da cam ở Việt Nam, mà về việc các công ty này sản xuất chất diệt cỏ theo hợp đồng với Chính phủ Mỹ. Cụ thể, các công ty này phải chịu trách nhiệm về việc đã sử dụng một quy trình sản xuất “cấp tốc”, vì “lợi nhuận”, dẫn đến hậu quả là phát sinh dioxine trong chất diệt cỏ “Agent Orange” sử dụng ở Việt Nam. Nhiều bằng chứng đưa ra trước tòa cho thấy rõ ràng là các công ty này biết rõ về sự nguy hiểm của dioxine, nhưng chỉ áp dụng quy trình sản xuất “an toàn” tránh gây sản sinh dioxine để sản xuất thuốc diệt cỏ bán trong thị trường nội địa Mỹ, chứ không áp dụng cho việc sản xuất chất diệt cỏ sử dụng ở Việt Nam.

Những năm đầu trong cuộc chiến pháp lý của bà chỉ có một vài hiệp hội, tổ chức ủng hộ bà như Hội Hữu nghị Pháp - Việt, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxine Việt Nam, Hội người Việt Nam tại Pháp... Tuy nhiên, kể từ năm 2017, khi Ủy ban Ủng hộ Trần Tố Nga được thành lập tại Pháp, họ đã làm việc hết mình, kết hợp cùng các hiệp hội khác (Đấu tranh chống Monsanto, Hội Stop Monsanto-Bayer và nông hóa học, Youth for Climate Paris, Notre Affaire à Tous...) đánh động công luận, chính giới, giới trẻ, giới nghiên cứu và giới truyền thông Pháp cùng ủng hộ và đấu tranh vì bà Trần Tố Nga. Ủy ban Ủng hộ Trần Tố Nga đã thu nhận được khoảng 160 chữ ký của các nhân vật trong chính giới Pháp (3 cựu bộ trưởng, 33 thượng nghị sỹ, 39 thị trưởng, 16 tổng thư ký các công đoàn, 15 chủ tịch tỉnh...).

Sau buổi tranh tụng cuối cùng ngày 25-1-2021, vào ngày 30-1-2021, một buổi diễu hành “Vì công lý” đã diễn ra ở Paris. Cho dù đang trong giai đoạn khủng hoảng vì Covid-19, số người tham dự đông đảo đã cho thấy sự quan tâm của người dân Pháp, cũng như người Việt ở Pháp tới vụ kiện của bà. Những biểu ngữ như “Vì công lý cho Trần Tố Nga”, “Chất màu da cam vẫn tiếp tục giết người”, hay “Stop chất màu da cam” được đưa ra như những thông điệp chính. Rõ ràng là, vụ kiện của bà Nga thu hút sự chú ý ở Pháp bởi vì nó không chỉ là đòi công lý cho các nạn nhân của một tội ác trong quá khứ mà còn là một thông điệp gửi tới tương lai, cảnh báo con người về nạn écocide (diệt chủng môi trường). Phán quyết của tòa án vào ngày 10-5, vì thế, mang một ý nghĩa lịch sử vô cùng quan trọng.

7 mốc thời gian của Vụ kiện Trần Tố Nga

2004: Thành lập Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxine Việt Nam ủng hộ và đồng hành cuộc đấu tranh của bà Trần Tố Nga. Cũng trong năm này, bà Nga được nhận Huân chương Bắc đẩu bội tinh do Nhà nước Pháp trao tặng.

2009: Bà tham gia với tư cách nhân chứng tại tòa án công luận thay mặt cho gần 5 triệu nạn nhân chất da cam người Việt. Tại đây, bà gặp tác giả André Bouny, nhà sáng lập Ủy ban quốc tế ủng hộ nạn nhân Việt Nam chất độc da cam, và luật sư William Bourdon, người trở thành luật sư của bà. Bà nói rằng “Ba chúng tôi là “ba chàng lính ngự lâm” đấu tranh vì công lý và môi sinh”.

2012: Các phân tích xét nghiệm máu của bà tại Đức chứng minh hàm lượng dioxine vượt quá mức bình thường. Kết quả này tạo nên sức nặng cho hồ sơ của bà vì có bằng chứng y học.

2015: Bà và các luật sư chính thức khởi kiện các công ty hóa chất Mỹ rải chất da cam trên lãnh thổ Việt Nam từ năm 1962-1971.

2017: Thành lập Ủy ban Ủng hộ Trần Tố Nga, liên hiệp và điều phối các hội đoàn, tổ chức phi chính phủ của Pháp vận động chính giới, làm các chiến dịch truyền thông về vụ kiện nói riêng và đấu tranh vì an sinh, môi trường nói chung.

2020: Tháng 8, Tổ chức Collectif Vietnam-Dioxine tổ chức “Ngày vì nạn nhân chất da cam”, một chương trình nghệ thuật và đàm luận trực tuyến trên Facebook với sự tham gia của hơn 50 diễn giả và nghệ sĩ Pháp, Việt kiều và quốc tế kéo dài 36 tiếng, thu hút 161.800 người theo dõi.

2021:

Ngày 25-1: Phiên tranh tụng tại Tòa đại hình Evry giữa 3 luật sư của bà và 19 luật sư đại diện cho các công ty Mỹ.

Ngày 10-5: Tòa đại hình Evry sẽ tuyên án

 

(1) Luật sư hàng đầu của Pháp nói riêng và châu Âu nói chung chuyên về luật hình sự quốc tế, dấn thân và đấu tranh vì nhân quyền, ông từng giữ chức Tổng thư ký Liên đoàn quốc tế về Nhân quyền. Luật sư nhận đồng hành và bảo vệ pro bono (miễn phí) bà Trần Tố Nga trong vụ kiện kéo dài hơn 10 năm qua.

Xem thêm: lmth.us-hcil-aot-neihp-tom-iod-ohc-1-iab--ial-gnout-av-uhk-auq-ohc-yl-pahp-neihc-couc--agn-ot-nart/220613/nv.semitnogiaseht.www

Comments:0 | Tags:No Tag

“Trần Tố Nga - cuộc chiến pháp lý cho quá khứ và tương lai - Bài 1: Chờ đợi một phiên tòa lịch sử”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools