vĐồng tin tức tài chính 365

Tương lai kinh tế Việt Nam nhìn từ đại dịch - Kinh tế Việt Nam trong thập niên 2020: những tiêu điểm chiến lược cụ thể

2021-05-06 10:41

Tương lai kinh tế Việt Nam nhìn từ đại dịch - Kinh tế Việt Nam trong thập niên 2020: những tiêu điểm chiến lược cụ thể

Giáo sư Trần Văn Thọ

(KTSG) - LTS: Để phác họa con đường phát triển cho tương lai, cho đến gần đây, chúng ta thường tham khảo kinh nghiệm các nước đi trước, và dựa trên các khung mẫu lý luận đã được xác lập, dĩ nhiên có tính toán đến những thay đổi về khoa học, công nghệ, về địa chính trị, về phân công quốc tế... Nhưng đại dịch Covid-19 đã làm thay đổi tất cả. Ta phải thay đổi tư duy phát triển và vẽ ra một viễn cảnh mới về tương lai Việt Nam. Kinh tế Sài Gòn xin giới thiệu bài viết số 2 của Giáo sư Trần Văn Thọ về chủ đề quan trọng này(*).

Lao động dư thừa trong nông nghiệp còn rất lớn. Ảnh: H.P

Trong thập niên sắp tới, phương hướng phát triển của Việt Nam nên theo nội dung đã trình bày ở bài 1(**), với tiền đề đại dịch có thể kéo dài hoặc có thể tái phát, kinh tế Việt Nam sẽ phải phát triển với tốc độ chậm hơn dự kiến. Tuy nhiên, Việt Nam còn nhiều dư địa để tăng năng suất, phát triển với tốc độ cao hơn nhiều nước khác. Phần này sẽ bàn về các dư địa đó và nêu ra vài chiến lược cụ thể.

Chuyển dịch cơ cấu

Có hai mặt quan trọng cần chuyển dịch là cơ cấu lao động và cơ cấu doanh nghiệp.

Thứ nhất là về cơ cấu lao động. Lao động dư thừa trong nông nghiệp còn rất lớn. Còn tới khoảng 35% lao động làm việc trong nông, lâm, ngư nghiệp (bảng 1) - là khu vực mà năng suất rất thấp.

Trong khi đó, công nghiệp hóa còn ở mức thấp (giá trị công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP mới khoảng 16,5% vào năm 2019), hơn nữa cơ cấu công nghiệp còn rất mỏng (lắp ráp là chủ đạo, công nghiệp hỗ trợ yếu, Việt Nam còn ở vị trí thấp trong chuỗi giá trị toàn cầu).

Vì tính chất này, trong thời gian qua, xuất khẩu hàng công nghiệp của Việt Nam tăng rất nhanh nhưng càng xuất khẩu càng phụ thuộc vào sản phẩm trung gian nhập từ nước ngoài, nhất là từ Trung Quốc và Hàn Quốc.

Trong thời gian tới phải đẩy mạnh sản xuất thay thế những mặt hàng trung gian đang nhập khẩu.

Cùng với nỗ lực theo chiều sâu này, công nghiệp hóa cũng cần được đẩy mạnh theo diện rộng (tạo môi trường thông thoáng để doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư vào những ngành công nghiệp mới), và kết quả là lao động dư thừa ở nông thôn, ở khu vực nông nghiệp sẽ dịch chuyển nhanh chóng sang khu vực công nghiệp, đưa năng suất toàn xã hội lên cao.

Hiện nay Việt Nam đang có thời cơ trước làn sóng đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) mới do chiến tranh kinh tế Mỹ - Trung và dịch Covid-19 mang lại. Cần có chính sách định hướng và thu hút có chọn lọc dòng thác FDI mới để đẩy mạnh công nghiệp hóa(1), thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động.

Tuy nhiên, như đã phân tích ở bài 1, trong tương lai vai trò của nông, ngư nghiệp sẽ ngày càng quan trọng. Việt Nam cần kết hợp nông, ngư nghiệp với công nghiệp. Công nghiệp góp phần hiện đại hóa nông, ngư nghiệp và liên kết hình thành các chuỗi cung ứng hàng công nghiệp chế biến nông, thủy sản.

Trong thời đại mới có những đặc tính như đã trình bày trong bài 1, nông thôn phải được chú trọng phát triển hơn, chuyển dịch lao động sang các ngành ngoài nông nghiệp nhưng tốc độ dịch chuyển từ nông thôn về đô thị sẽ không cao như trong tư duy phát triển cũ.

Dân số Việt Nam năm 2019 là 96,5 triệu(2), trong đó ở nông thôn là 62,7 triệu (chiếm 65%). Tỷ lệ đô thị hóa dân số năm 2019 là 35% so với 30% năm 2010. Trong tương lai dân số sẽ tập trung về đô thị hơn nữa, nhưng với tốc độ chậm hơn và cần có chính sách phát triển các đô thị cỡ trung ở khắp nước để dân số không quá tập trung về Hà Nội và TPHCM.

Thứ hai là về cơ cấu doanh nghiệp. Khu vực phi chính thức (chủ yếu là kinh tế cá thể) còn chiếm tới 30% GDP (bảng 2). Đây là khu vực có năng suất rất thấp. Mặt khác, doanh nghiệp tư nhân (chiếm độ 10% GDP) cũng phần lớn là nhỏ bé, luôn ở vị trí bất lợi trong thị trường các yếu tố sản xuất như vốn, đất đai.

Khu vực phi chính thức hay kinh tế cá thể và doanh nghiệp tư nhân là những bộ phận chủ yếu của kinh tế ngoài nhà nước, hầu hết có quy mô quá nhỏ, năng suất thấp vì không có khả năng cách tân công nghệ (vì quá nhỏ nên không có năng lực du nhập công nghệ, không đổi mới thiết bị, không đầu tư lớn), kết quả là không có năng lực kết nối được với chuỗi giá trị toàn cầu của các công ty đa quốc gia.

Theo Ohno et al. (2020), năng suất của khu vực ngoài nhà nước ở Việt Nam vào năm 2015 chỉ độ 30 triệu đồng trên một lao động (theo giá cố định năm 2010), trong khi năng suất của khu vực kinh tế nhà nước và khu vục FDI là 200 triệu đồng.

Chấm dứt xuất khẩu lao động cũng là chiến lược Việt Nam phải hướng tới vì hiện tượng này phản ảnh trình độ phát triển còn thấp của một nước.

Phần lớn doanh nghiệp Việt Nam hiện nay có quy mô rất nhỏ và siêu nhỏ vì môi trường kinh doanh khó khăn (phí tổn hành chính quá lớn) và khó tiếp cận với vốn và đất để đầu tư.

Cần cải cách hành chính để giảm xin cho, giảm kiểm tra và hoàn thiện thị trường vốn, thị trường đất đai. Việc này đã được bàn luận nhiều nhưng tiến triển chậm. Nếu có khát vọng phát triển phải khẩn trương cải cách các lĩnh vực này.

Ngoài hoàn thiện cơ chế thị trường, cần các biện pháp chính sách hỗ trợ cụ thể hơn. Bộ máy phụ trách doanh nghiệp nhỏ và vừa ở trung ương và địa phương phải phát huy chức năng hỗ trợ, hướng dẫn các doanh nghiệp nhỏ và vừa, siêu nhỏ trong việc vay vốn, tìm đối tác, phương pháp tiếp cận thị trường, tiếp cận công nghệ. Các cơ quan này cũng có vai trò giới thiệu các doanh nghiệp nhỏ và vừa để họ liên kết với các doanh nghiệp lớn, với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Từ các nhận xét trên, ta thấy rất rõ rằng chỉ cần dịch chuyển lao động từ nông nghiệp sang công nghiệp, từ khu vực cá thể sang khu vực kinh tế hiện đại, có tổ chức ở quy mô lớn thì năng suất lao động của toàn xã hội sẽ tăng lên cao. Dư địa tăng năng suất qua tái phân bổ nguồn lao động là rất lớn.

Đào tạo nguồn nhân lực theo hướng mới

Công nghiệp hóa cũng cần được đẩy mạnh theo diện rộng (tạo môi trường thông thoáng để doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư vào những ngành công nghiệp mới), và kết quả là lao động dư thừa ở nông thôn, ở khu vực nông nghiệp sẽ dịch chuyển nhanh chóng sang khu vực công nghiệp, đưa năng suất toàn xã hội lên cao.

Hình 1 được vẽ ra dựa trên dự báo mới nhất của Liên hiệp quốc về dân số. Ngẫu nhiên là vào năm 2045, lúc Việt Nam kỷ niệm 100 năm Quốc khánh, dân số khoảng 110 triệu, số người già (trên 65 tuổi) bắt đầu nhiều hơn số trẻ em (dưới 15 tuổi) và dân số trong tuổi lao động nằm ở giai đoạn cao nhất (khoảng 70 triệu).

Trong quá trình thay đổi cơ cấu dân số của một nước, trước giai đoạn lão hóa là thời đại dân số vàng (demographic bonus, demographic dividend).

Dân số vàng chỉ giai đoạn có nguồn lao động dồi dào nhất của một nước. Có nhiều định nghĩa cụ thể (tiêu chí về lượng) để chỉ trạng thái lao động dồi dào nhất. Theo như hình 1 được giải thích như trên thì hiện nay Việt Nam đang ở giai đoạn dân số vàng và giai đoạn này kéo dài đến khoảng năm 2045(3).

Như vậy Việt Nam có một lực lượng lao động phong phú trong một thời gian khá dài trong tương lai. Mấu chốt của chiến lược phát triển ở đây có hai vế:

Một là, toàn dụng lao động để ai cũng có việc làm, không ai bị buộc phải ra nước ngoài tìm việc làm một cách bất đắc dĩ.

Trong tương lai, như đã phân tích, với dịch bệnh có thể kéo dài hoặc tái phát, các nước thiếu lao động sẽ nỗ lực tự động hóa và dùng nhiều robot thay vì nhập khẩu nhiều lao động như trước. Chấm dứt xuất khẩu lao động cũng là chiến lược Việt Nam phải hướng tới vì hiện tượng này phản ảnh trình độ phát triển còn thấp của một nước(4).

Hai là, dịch chuyển lao động từ nông nghiệp sang công nghiệp và dịch vụ, từ khu vực cá thể, phi chính thức sang khu vực tiên tiến với nhiều doanh nghiệp có quy mô lớn.

Sự tiến bộ kỹ thuật trong công nghiệp ngày càng làm giảm nhu cầu lao động trên một đơn vị sản xuất. Do đó, phải tiến hành công nghiệp hóa vừa sâu vừa rộng, kể cả liên kết với nông, ngư nghiệp, và phát triển các ngành dịch vụ mới tạo nhiều công ăn việc làm.

Tỷ trọng công nghiệp trong GDP ở Việt Nam còn thấp, nhu cầu thực phẩm trên thế giới tăng và nhiều nước phải nhập khẩu là những tiền đề để Việt Nam đẩy mạnh cả công nghiệp hóa và sản xuất lương thực. Hai ngành này phát triển mạnh và với quy mô dân số khá lớn, thị trường nội địa cho dịch vụ cũng sẽ lớn.

Phát triển đồng thời ba khu vực nông, công và dịch vụ sẽ dễ đi gần đến toàn dụng lao động và có khả năng chấm dứt xuất khẩu lao động. Đó là viễn ảnh phát triển trong thập niên 2020. Trong tương lai xa hơn, khi công nghiệp hóa bão hòa (tỷ trọng công nghiệp trên GDP đạt đỉnh cao), tốc độ phát triển kinh tế chậm lại, và công nghệ thay thế lao động triển khai mạnh mẽ hơn, Việt Nam phải dùng đến chính sách chia sẻ công việc (work sharing).

Để quá trình dịch chuyển lao động giữa các khu vực diễn ra thông suốt thì phải chú trọng đào tạo nguồn nhân lực. Trong nước thường nói đến những vấn đề to tát như công nghệ 4.0, kinh tế tri thức... nhưng chưa thấy có triển khai cụ thể, nhất là những vấn đề liên quan nguồn nhân lực. Theo tôi cần có cách tiếp cận thực tế và hiệu quả.

Trong thời đại công nghệ 4.0, nói về người lao động trung cấp trở lên, cần tạo cho họ có khả năng đọc tiếng Anh, sử dụng máy tính, và quen với việc truy cập Internet (chú ý đến việc tạo điều kiện để mọi người có năng lực tối thiểu về kỹ thuật số). Nhưng đó mới chỉ là năng lực cơ bản. Thêm vào đó cần đào tạo cho họ khả năng suy luận để phân tích, giải quyết vấn đề, và có văn hóa để làm việc có trách nhiệm và ứng xử tốt với người khác.

Để tuyệt đại đa số lao động dịch chuyển theo hướng đã phân tích thì đại học đoản kỳ (hai năm) là hiệu quả nhất, vì có thể nhanh chóng cung cấp đủ nguồn nhân lực cho công nghiệp hóa và phát triển các ngành dịch vụ.

Tại Việt Nam, hiện nay bậc trung cấp tương đương với đại học đoản kỳ hai năm nhưng vì tên gọi như vậy không hấp dẫn người đi học và trên thực tế bậc học này cũng không được đầu tư đúng mức. Còn cao đẳng thì mất ba năm nên tâm lý người đi học muốn vào đại học bốn năm vì chỉ sai biệt có một năm. Theo tôi cần sớm chỉnh lý lại hai loại hình này và thống nhất thành đại học đoản kỳ hai năm, bảo đảm chương trình học tốt và có việc làm ngay khi tốt nghiệp sẽ tạo sự hấp dẫn, giải quyết tình trạng nhiều người muốn vào đại học (bốn năm) nhưng khi ra trường thì thất nghiệp hoặc phải làm những việc ngoài chuyên môn.

Tình trạng ở Việt Nam hiện nay có thể tóm tắt như sau: Một là, đại học tư mở tràn lan, giới trẻ lại có khuynh hướng muốn vào đại học nên các đại học tư kém chất lượng vẫn thu hút được sinh viên. Nhưng sinh viên loại này ra trường sẽ thất nghiệp hoặc làm những việc không cần có bằng đại học.

Thứ hai, hệ trung cấp và cao đẳng thật ra rất quan trọng đối với trình độ phát triển và nhu cầu của Việt Nam hiện nay (và cả trong khoảng 10 năm tới), nhưng lại không hấp dẫn giới trẻ vì họ có ấn tượng vào các trường đó là đi học nghề, và không thể có địa vị cao trong xã hội.

Theo tôi, cần cải tổ toàn diện hệ giáo dục trung cấp, cao đẳng, và thêm một hệ đào tạo đặc biệt trung học phổ thông (THPT). Cụ thể có thể tóm tắt như sau:

Thứ nhất, trung cấp và cao đẳng hợp nhất thành hệ đại học đoản kỳ hai năm. Không gọi trung cấp, cũng không gọi là cao đẳng mà là đại học đoản kỳ để cải thiện hình ảnh đối với người học. Thứ hai, cải tổ chương trình học theo hướng hiện đại, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp trong thời đại công nghiệp 4.0 (chú trọng dạy công nghệ thông tin và tiếng Anh). Trong hai năm, gần một năm học văn hóa và hơn một năm học chuyên môn. Thứ ba, lập một số trường THPT chuyên nghiệp trong đó học sinh vừa học các môn thông thường như THPT (nhưng ít hơn) và dành thời gian học ngay vào chuyên môn.

Hệ THPT chuyên nghiệp này có thể kéo dài thành bốn năm, thay vì ba năm như THPT. Thứ tư, trong chương trình học ở đại học đoản kỳ hay THPT chuyên nghiệp, nên có mục thực tập ngắn hạn ở các doanh nghiệp. Thứ năm, đẩy mạnh tuyên truyền vai trò của đại học đoản kỳ và THPT chuyên nghiệp, cho giới trẻ thấy là tốt nghiệp ở các trường nói trên sẽ “nhất nghệ tinh nhất thân vinh”, và có nhiều cơ hội tiến thân trong xã hội (có năng lực sẽ giữ các chức vụ cao trong công ty...).

Như đã phân tích ở bài 1, trong tương lai cơ cấu nhu cầu lao động sẽ bị ảnh hưởng bởi tự động hóa và số hóa. Mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực phải theo hướng tạo những người lao động có khả năng tự học, tự thích nghi được với thay đổi của công nghệ và nhu cầu trên thị trường lao động.

Vài lời kết

Việt Nam đã đạt mức thu nhập trung bình thấp vào năm 2008, hiện nay đang trên đường hướng đến mức trung bình cao. Trong thập niên tới với chiến lược chuyển dịch cơ cấu, với việc đào tạo lực lượng lao động trong giai đoạn dân số vàng theo hướng mới, kinh tế Việt Nam có triển vọng phát triển nhanh. Tuy nhiên, trong thời đại mới mà thế giới phải sống chung với đại dịch, hình ảnh kinh tế Việt Nam trong tương lai sẽ không như tư duy cũ về các giai đoạn phát triển.

Theo thống kê của Ngân hàng Thế giới, năm 2018, GDP trên danh nghĩa của Việt Nam xếp thứ 47 và GDP tính theo sức mua ngang giá (PPP) xếp thứ 30 trên 193 nước. Hầu như các dự báo dài hạn đều cho thấy Việt Nam sẽ phát triển với tốc độ cao hơn nhiều nước. Việt Nam sẽ có vị trí và tiếng nói quan trọng hơn trên vũ đài thế giới. Nhưng uy tín, giá trị của Việt Nam không phải chỉ ở mặt đó. Trong thời đại mới với khả năng đại dịch sẽ tái phát, nếu Việt Nam xây dựng được một đất nước theo tư duy mới, mô hình mới và trên cơ sở một xã hội nhân văn thì người Việt Nam sẽ hạnh phúc hơn và thế giới sẽ tham khảo mô hình phát triển của ta.

(*) Giáo sư Trần Văn Thọ, cùng với Giáo sư Nguyễn Xuân Xanh là chủ biên của cuốn sách Việt Nam hôm nay và mai sau vừa xuất bản, tập hợp bài viết của nhiều trí thức trong và ngoài nước, về các giải pháp nhằm phát triển đất nước trong thời kỳ mới trên nhiều lĩnh vực (thể chế, văn hóa, giáo dục, y tế, kinh tế, kinh doanh...). Bài viết này của Giáo sư Trần Văn Thọ là một phần của cuốn sách.

(**) https://www.thesaigontimes.vn/315807/tuong-lai-kinh-te-viet-nam-nhin-tu-dai-dich-the-gioi-hau-covid-19-hay-voi-covid-19.html

(1) Điểm này đã được bàn chi tiết trong Trần Văn Thọ (2020b).

(2) Dân số là khái niệm về số lượng tồn tại (stock) tại một thời điểm (chẳng hạn đầu năm, cuối năm,..) nên khi nói dân số năm 2019 phải nói rõ là vào thời điểm nào. Rất tiếc trong Niên giám thống kê không thấy ghi rõ.

(3) Trong Trần Văn Thọ (2016), chương 7, giai đoạn dân số vàng được định nghĩa bắt đầu từ khi tỷ lệ dân số trong độ tuổi lao động (15-64) trên tổng dân số bắt đầu tăng và chấm dứt khi tỷ lệ ấy bắt đầu giảm. Theo cách tính đó thì giai đoạn dân số vàng của Việt Nam kéo dài từ khoảng năm 1975 đến khoảng năm 2020. Theo hình 1 thì giai đoạn này kéo dài thêm 20 năm nữa. Cách tính giai đoạn dân số vàng chỉ có tính chất tương đối, khó chỉ ra một cái mốc cụ thể. Ngoài ra chính sách về dân số, sự thay đổi trong định nghĩa về độ tuổi lao động cũng ảnh hưởng đến thời điểm chấm dứt giai đoạn này trong tương lai. Nhìn từ các mặt, có thể nói Việt Nam có nguồn lao động dồi dào trong một thời gian trên dưới 20 năm nữa.

(4) Điểm này được phân tích trong Trần Văn Thọ (2016), chương 5.

Xem thêm: lmth.eht-uc-coul-neihc-meid-ueit-gnuhn-0202-nein-paht-gnort-man-teiv-et-hnik--hcid-iad-ut-nihn-man-teiv-et-hnik-ial-gnout/320613/nv.semitnogiaseht.www

Comments:0 | Tags:No Tag

“Tương lai kinh tế Việt Nam nhìn từ đại dịch - Kinh tế Việt Nam trong thập niên 2020: những tiêu điểm chiến lược cụ thể”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools