Trung tâm cấp cứu mỏ cứu hộ tại sự cố sập hầm than ở Hòa Bình năm 2015 - Ảnh: NAM TRẦN
Anh Trần Xuân Thắng, Trung tâm cấp cứu mỏ (Tập đoàn Than - khoáng sản Việt Nam), bộc bạch.
"Cứu hộ người xong, chúng tôi phải quay lại kiểm tra đường hầm để đảm bảo không bị thiếu sót và đánh dấu những điểm xung yếu, gia cố, khắc phục, khi nào an toàn mới bàn giao lại cho đơn vị.
Phạm Văn Hạ
Còi báo động hú vang. Khói đen bốc ngùn ngụt qua cửa thông hơi. Hơn chục người áo bảo hộ dày cộp, đeo mặt nạ, bình khí trên lưng cùng dây thừng, đồ nghề mất hút trong đường lò tối om.
Tia hi vọng trong lòng đất
Anh Phạm Văn Hiệu, trưởng phòng kỹ thuật cấp cứu mỏ (Trung tâm cấp cứu mỏ - Tập đoàn TKV), cho hay tuần nào cũng có một tình huống giả định trong hầm lò. Khi thì nổ khí, sụp lở, lúc bục nước...
Đã là "quân" của trung tâm này, chỉ cần có lệnh, nhân viên gọi điện về cho vợ "anh đi giải quyết sự cố" là họ đi cả tuần trời, mất hút trong những lò sập ở độ sâu âm vài trăm mét.
20h ngày 14-1-2020, một lò khai thác của Công ty than Quang Hanh (Cẩm Phả, Quảng Ninh) bất ngờ bị sụp. Năm người mắc kẹt trong sự cố. Anh Trần Xuân Thắng - trạm trưởng trạm cấp cứu mỏ Hạ Long - chỉ kịp nhắn tin "anh đi giải quyết sự cố" rồi cùng anh em chui sâu xuống đáy lò.
"Chỗ ấy ở độ sâu khoảng 165m, bốn người bị kẹt dưới một cái hố", anh Thắng nhớ lại. Anh em cứu hộ đoán họ còn sống vì ánh đèn pin le lói xuyên qua đống cây chống, đất đá đen kịt. Nước ngầm chảy ra, ngập dần trong lò. Nếu không đưa được họ ra, họ sẽ bị nước, bùn dìm chết.
Đội cấp cứu mặc đồ bảo hộ, mang máy thở, đèn pin trườn qua đống cây chống ngổn ngang lẫn với bùn than. "Chúng tôi có bốn người! Vẫn sống! - tiếng người dưới đáy lò vọng lên - Nhưng chân bị sắt đè rồi...".
Anh Thắng và nhóm chiến sĩ cứu hộ cắt từng khúc gỗ lấy khoảng trống chui qua đám hỗn độn để xuống đáy lò, chỗ bốn người đang bị kẹt.
Nhóm cứu hộ vừa cắt cây, vừa tát nước, vừa dỡ các thanh ray ra chống lên như cái vì, để nhỡ lò sập tiếp thì anh em có chỗ trốn. Chỗ lò bị sập hoàn toàn khoảng 20m, đội cứu hộ vừa cắt cây, bới bùn, vừa dùng xô tát nước.
"Cứ dừng tát là nước lại ngập lên đến cổ. Anh em cứu hộ đưa nạn nhân lên cáng, khênh ngược lên cửa lò. Lên tới nơi thì nạn nhân nhảy ra khỏi cáng, còn mấy ông cứu hộ vừa cười vừa... thở - anh Thắng cười kể - Hôm ấy vui lắm! Cả công nhân, lãnh đạo, anh em cứu hộ chúng tôi cười muốn vỡ cả cái lò ấy! Đưa anh em lên lành lặn là ước mơ trong nghề".
Cán bộ, nhân viên Trung tâm cấp cứu mỏ không nhớ chính xác mình đã chui xuống bao nhiêu cái hầm. Chỉ biết mỗi chuyến đi, mỗi tin nhắn là một lần tìm kiếm trong hi vọng mong manh.
Vụ tụt hầm lò của Công ty than Đông Bắc, ba công nhân bị kẹt, anh Thắng, anh Hiệu và đồng đội phải nằm ngửa, lật mũ bảo hộ làm gáo múc than đổ ra ngoài. Ba người bị kẹt, một người phía trên thượng, hai người dưới đáy.
Ai cũng bị than vùi vài tiếng đồng hồ, đôi chân tê dại. Không loại máy móc hiện đại nào hỗ trợ được trong tình huống này, nhân viên cấp cứu mỏ lấy muỗng thép trong nhà ăn cạo từng vỉa than, khéo léo rút chân nạn nhân ra.
"Vừa làm vừa phải nói chuyện, hỏi han để anh em đỡ đau. Lúc chuyển ra cáng rồi, tôi còn bấu vào chân ông ấy - anh Thắng kể - "Em thấy đau rồi"! Nghe ông tướng nói thế tức là chưa bị liệt, mình cũng sướng lắm!".
Lực lượng cứu hộ cứu được 12 nạn nhân sống sót thần kỳ trong sự cố sập hầm thủy điện Đạ Dâng (Lâm Đồng)
Đối mặt tử thần
Cặp lông mày của những "lính" cứu hộ hầm lò chau lại, sự cố ám ảnh họ nhất là vụ nổ khí hầm than Khe Chàm (Quảng Ninh) năm 2008. Các dạng sự cố đổ lò, bục nước hi vọng sống cao hơn, còn nổ khí trong hầm lò thì cơ hội sống rất thấp.
Vụ nổ cướp đi sinh mạng của chín người, trong đó có tám công nhân và một nhân viên Trung tâm cấp cứu mỏ. Đến ngày thứ tư tìm kiếm, còn một công nhân vẫn mất tích. Người này làm nhiệm vụ đo khí trong hầm lò nên không ai biết anh đi đâu, ở chỗ nào trong hầm. Sáng hôm ấy, đội cứu hộ phát hiện đầu của một chiếc máy nén khí.
"Chắc chắn nằm đâu đây thôi" - Trần Xuân Thắng nói rồi dò dẫm lật từng đám dây lẫn trong bụi than đen sì tìm dấu vết. Khoảng 30 phút sau, anh thấy một mảnh kim loại ánh lóe sáng giữa đám vụn than. Một chiếc nhẫn đã bị chẻ làm đôi. Thắng dùng tay nắn lại thì đây là một chiếc nhẫn cưới, trên mặt có hai chữ "H" lồng vào nhau.
Anh quản đốc phân xưởng lúc đó xác nhận đúng là nhẫn của nạn nhân, tên Hiệu. Thế rồi một nhân viên cứu hộ tìm được nạn nhân nằm sau đống băng tời, không còn nguyên vẹn!
"Nghĩ đến chiếc nhẫn có chữ H nhưng bị chẻ đôi ra thấy buồn lắm! - anh Thắng nói - Chúng tôi cấp cứu hàng trăm vụ, mỗi chuyến đi là một kỷ niệm. Tìm được người là thành công rồi, nhưng phải tìm được người còn sống, đưa về mới có niềm vui trọn vẹn".
Chính trong sự cố nổ khí ở mỏ than Khe Chàm, một đồng nghiệp của anh Thắng đã hi sinh vì ngộ độc khí. Rất nhiều vụ khác, nguy hiểm rình rập đổ xuống thành viên của đội.
"Nguy hiểm nhất là những mỏ "thổ phỉ" - Nguyễn Văn Hiệu, phó trưởng phòng kỹ thuật Trung tâm cấp cứu mỏ, chia sẻ - Họ đào không theo quy chuẩn nào cả, cứ chỗ nào có khoáng sản thì đào, không chống vỉa, không đường thoát nạn, không thông khí...".
Anh Hiệu lắc đầu ngao ngán miêu tả về hầm than bị bục túi nước ở xã Lỗ Sơn, huyện Tân Lạc (Hòa Bình) năm 2015. Không ai vẽ được sơ đồ hầm than, chủ mỏ cũng không vẽ được, anh em cứu hộ vừa làm vừa tính toán để hình dung ra sơ đồ.
Nạn nhân thứ ba, cũng là nạn nhân cuối cùng trong sự cố ấy, mắc kẹt lại trong đám cây chống, đất đá cách cửa hầm khoảng 700m. Đó là một đoạn hầm dốc ngược lên khoảng 80 độ, cây chống và đất đá vùi kín mít, không nhận ra đường hầm.
Chỗ này rất hẹp, chỉ một người vào được, đào đến khi mệt thì chui ra để người khác vào thay. "Chúng tôi nhìn thấy thi thể rồi, cách hơn chục mét - Hiệu nói - Anh em cũng liều mình bò lên, được vài bước thì bùn nhão, đất đá lại ập xuống, cây chống như lao thẳng vào mặt. Chỉ một sai lầm, cả đống gỗ lẫn đất đá sẽ vùi kín chúng tôi".
Hôm ấy đã sang ngày thứ năm kể từ khi xảy ra sự cố, khu vực cứu hộ cuối cùng nồng nặc mùi xú khí. "Nếu ai yếu tim sẽ không dám vào chỗ ấy. Chúng tôi cắt cây, ngẩng mặt lên là máu lẫn với bùn nước rỏ xuống mặt", anh Hiệu rùng mình nhớ lại. Hơn 10 tiếng đồng hồ, đội của anh Hiệu mới đưa được nạn nhân ra ngoài...
Thành viên Trung tâm cấp cứu mỏ cõng nạn nhân ra khỏi hầm thủy điện Đạ Dâng - Ảnh: MAI VINH
Hồi cuối năm 2014, khi lực lượng cứu hộ đưa 11 người bị mắc kẹt trong đám đổ nát ở hầm thủy điện Đạ Dâng (Lâm Đồng) trong niềm vui vỡ òa thì anh Phạm Văn Hạ - phó trạm trưởng trạm cấp cứu mỏ Hạ Long - quay vào trong, theo sau là anh Hiệu.
Bò từ cửa ngách phụ vào sâu khoảng 8m, Hạ giật mình thấy một người rũ rượi trong tư thế nửa nằm nửa bò, đầu gục xuống, tay buông thõng không còn sức sống. Hạ bò đến tiếp cứu.
"Bác ấy già rồi, sức yếu, mọi người chui ra được cứu hết, còn bác ấy bò đến đây thì bị kẹt. Đường hầm tối, kiệt sức, không ra được nữa", anh Hạ nói.
TTO - Trần Văn Khoản gượng cười, hai hốc mắt chằng chịt vết sẹo tím đen như vết xăm, dấu tích của lần thoát chết hi hữu trước sự cố bục túi nước kinh hoàng trong hầm than sáu năm trước.
Xem thêm: mth.10021050160501202-tad-gnol-gnort-naht-ut-tam-iod/nv.ertiout