Chiều 6/5, phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án buôn lậu, vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Công ty trách nhiệm hữu hạn thương mại và dịch vụ kỹ thuật Nhật Cường (Công ty Nhật Cường) chuyển sang phần tranh luận. Đại diện Viện Kiểm sát giữ quyền công tố tại phiên tòa đã trình bày bản luận tội và đề nghị mức án đối với từng bị cáo.
Theo đó, đại diện Viện Kiểm sát đã đề nghị Hội đồng xét xử tuyên phạt bị cáo Nguyễn Bảo Ngọc (sinh năm 1980, Giám đốc tài chính Công ty Nhật Cường) từ 9-10 năm tù về tội "Buôn lậu", từ 5-6 năm tù về tội "Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng"; tổng hợp hình phạt chung đối với bị cáo Ngọc là từ 14-16 năm tù.
Đối với 12 bị cáo bị truy tố về tội "Buôn lậu", đại diện Viện Kiểm sát đã đề nghị các mức án gồm: Trần Ngọc Ánh (sinh năm 1974, Phó Tổng Giám đốc Công ty Nhật Cường) từ 15-16 năm tù; Đỗ Quốc Huy (sinh năm 1983, Giám đốc bán hàng Công ty Nhật Cường) từ 13-14 năm tù; Nguyễn Bảo Trung (sinh năm 1988, trú tại phường Phương Mai, quận Đống Đa, Hà Nội), Phạm Văn Hiệp (sinh năm 1970, trú tại phường Lạc Viên, quận Ngô Quyền, Hải Phòng) cùng bị đề nghị từ 12-13 năm tù (riêng bị cáo Phạm Văn Hiệp bị tổng hợp với bản án cũ 3 năm tù, hình phạt chung đối với bị cáo Hiệp là từ 15-16 năm tù); Nông Văn Lư (sinh năm 1985, nhân viên Công ty Nhật Cường) từ 9-10 năm tù; Hoàng Văn Phong (sinh năm 1990, Trưởng ngành hàng Apple Công ty Nhật Cường), Bùi Quốc Việt (sinh năm 1970, nhân viên Công ty Nhật Cường), Đỗ Văn Dũng (sinh năm 1973, trú tại xã Lê Lợi, huyện An Dương, Hải Phòng), Ngô Tuấn Sửu (sinh năm 1976, Giám đốc Công ty cổ phần đầu tư và phát triển hạ tầng Thanh Sơn), Lê Hoài Phương (sinh năm 1987, nhân viên Công ty Nhật Cường Quảng Châu, Trung Quốc), Trần Tất Khoa (sinh năm 1981, Giám đốc Công ty Nhật Cường Quảng Châu, Trung Quốc) cùng bị đề nghị mức án từ 7-8 năm tù; Ngô Đức Tùng (sinh năm 1991, trú tại phường Đức Giang, quận Long Biên, Hà Nội) từ 3-4 năm tù.
Bị cáo Nguyễn Thị Bích Hằng (sinh năm 1972, Kế toán trưởng Công ty Nhật Cường) bị đề nghị mức án từ 4-5 năm tù về tội "Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng".
Đại diện Viện Kiểm sát trình bày bản luận tội và đề nghị mức án đối với từng bị cáo. Ảnh: TTXVN.
Ngoài án phạt tù, đại diện Viện Kiểm sát còn đề nghị tịch thu sung công quỹ Nhà nước các vật chứng là hàng hóa nhập lậu, điện thoại di động, máy vi tính là phương tiện các bị cáo sử dụng liên lạc để thực hiện hành vi buôn lậu; tiếp tục tạm giữ để đảm bảo thi hành án đối với khoản tiền hơn 774 tỷ đồng và hàng hóa có hóa đơn chứng từ thu giữ của Công ty Nhật Cường trong quá trình khám xét; tiếp tục phong tỏa 7 tài khoản có số dư hơn 8,5 tỷ đồng của bị can Đoàn Mạnh Phong (hiện đang bỏ trốn) tại các ngân hàng, khi nào bắt được bị can Phong sẽ giải quyết sau.
Bản luận tội nêu rõ, Bùi Quang Huy (Tổng Giám đốc Công ty Nhật Cường) là người trực tiếp điều hành toàn bộ hoạt động của công ty. Quá trình kinh doanh, để thực hiện hành vi buôn lậu điện thoại di động và các sản phẩm hàng hóa khác từ nước ngoài về Việt Nam tiêu thụ, Bùi Quang Huy đã thành lập Công ty Nhật Cường Quảng Châu (đặt tại Quảng Châu, Trung Quốc) và thuê Trần Tất Khoa làm Giám đốc để thực hiện nhiệm vụ tiếp nhận hàng hóa từ Hồng Công về Quảng Châu (Trung Quốc) sau đó đưa về Việt Nam không qua các thủ tục nhập khẩu hàng hóa, khai báo Hải quan. Trong thời gian từ tháng 1/2014 đến tháng 5/2019, Bùi Quang Huy đã trực tiếp và chỉ đạo các nhân viên công ty thực hiện hành vi giao dịch, mua bán trái phép tổng số 2.502 đơn hàng với hơn 255.000 sản phẩm có tổng trị giá thanh toán hơn 2.927 tỷ đồng. Sau đó, Huy đã trực tiếp liên hệ, thỏa thuận thuê các đường dây vận chuyển hàng hóa trái phép từ Hồng Kông về Việt Nam giao cho Công ty Nhật Cường tiêu thụ.
Ngoài ra, theo chỉ đạo của Bùi Quốc Huy, từ năm 2014, bị cáo Ngọc và bị cáo Hằng đã thực hiện ghi chép số liệu liên quan đến hoạt động kinh doanh của Công ty Nhật Cường trên 2 hệ thống sổ sách kế toán tại phần mềm ERP và phần mềm MISA nhằm mục đích che giấu hoạt động kinh doanh bất hợp pháp, tránh sự kiểm tra, phát hiện của các cơ quan chức năng, gây thiệt hại cho Nhà nước gần 30 tỷ đồng. Trong đó, Bùi Quang Huy là người trực tiếp chỉ đạo, có vai trò chủ mưu, chỉ huy, cầm đầu trong vụ án; Nguyễn Bảo Ngọc và Nguyễn Thị Bích Hằng là người thực hành trong vụ án.
Đại diện Viện Kiểm sát nhấn mạnh, đây là vụ án đồng phạm có tổ chức, có sự câu kết giữa các bị cáo trong việc thực hiện hành vi phạm tội, trong đó Bùi Quang Huy là người tổ chức, chủ mưu, cầm đầu, điều hành toàn bộ hoạt động buôn lậu tại Công ty Nhật Cường. Bùi Quang Huy đã chỉ đạo các bị cáo khác trong vụ án tham gia thực hành, giúp sức thực hiện tội phạm, trực tiếp thực hiện hành vận chuyển trái phép hàng hóa, giúp sức cho Bùi Quang Huy thực hiện hành vi buôn lậu…
Trong số các bị cáo, bị cáo Trần Ngọc Ánh bị Viện Kiểm sát đánh giá là giữ vai trò tích cực nhất, chỉ sau Bùi Quang Huy. Ánh là người thực hành, trực tiếp cùng Bùi Quang Huy thực hiện hành vi buôn lậu hơn 255.000 sản phẩm, với tổng trị giá hơn 2.927 tỷ đồng. Trần Ngọc Ánh được Bùi Quang Huy giao nhiệm vụ phụ trách toàn bộ hoạt động kinh doanh và theo dõi, quản lý hàng hóa mua vào bán ra. Ánh biết rõ Công ty Nhật Cường nhập lậu các mặt hàng điện thoại di động và các sản phẩm hàng hóa khác từ Hồng Kông, Singapore... về Việt Nam để bán ra thị trường thu lời bất chính. Thực hiện chỉ đạo của Bùi Quang Huy, Ánh trực tiếp giao dịch mua bán với các nhà cung cấp và các đường dây vận chuyển để đưa hàng về Việt Nam.
Bị cáo Đỗ Quốc Huy được giao nhiệm vụ trực tiếp quản lý toàn bộ việc mua, bán, phân phối, tiêu thụ các mặt hàng của Công ty Nhật Cường, biết rõ Công ty Nhật Cường nhập lậu các mặt hàng điện thoại di động và các sản phẩm hàng hóa khác từ Hồng Công, Singapore... về Việt Nam để bán ra thị trường thu lời bất chính. Huy là người tư vấn giá mua cho Trần Ngọc Ánh, để Trần Ngọc Ánh duyệt trước khi tiến hành giao dịch mua điện thoại; chỉ đạo Mai Tiến Dũng mua điện thoại của nhà cung cấp; trực tiếp tạo 90 đơn hàng "nhập khẩu không VAT" do Bùi Quang Huy và đồng phạm mua của 10 nhà cung cấp ở nước ngoài…
Đối với Giám đốc tài chính Nguyễn Bảo Ngọc, Viện Kiểm sát xác định bị cáo Ngọc biết rõ việc Công ty Nhật Cường nhập lậu các mặt hàng điện thoại di động và các sản phẩm hàng hóa khác; giúp Bùi Quang Huy và Trần Ngọc Ánh quản lý, theo dõi và thanh toán tiền mua hàng nhập lậu của 16 nhà cung cấp và tiền vận chuyển cho 9 nhà vận chuyển. Nguyễn Bảo Ngọc thực hiện tội phạm với vai trò đồng phạm, là người giúp sức cho Bùi Quang Huy và Trần Ngọc Ánh buôn lậu. Ngoài ra, bị cáo Ngọc còn cùng với bị cáo Hằng đã thực hiện ghi chép số liệu liên quan đến hoạt động kinh doanh của Công ty Nhật Cường trên 2 hệ thống sổ sách kế toán nhằm che giấu hoạt động kinh doanh bất hợp pháp, gây thiệt hại cho Nhà nước gần 30 tỷ đồng…
Sau khi đại diện Viện Kiểm sát luận tội và đề nghị mức án, các luật sư, các bị cáo đã tham gia tranh tụng, đưa ra những luận điểm, luận cứ nhằm giảm nhẹ mức độ hành vi vi phạm cho các bị cáo.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!